ThienNhien.Net – Di sản thiên nhiên (khu dự trữ sinh quyển, vườn quốc gia, vườn di sản…) giữ vị trí quan trọng trong kho tàng di sản văn hóa Việt Nam. Tuy nhiên, trước những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và sự ứng xử, khai thác chưa hợp lý của con người, hệ thống di sản đứng trước nguy cơ bị biến dạng, ô nhiễm. Tuần qua, tại hội thảo “Văn hóa trong bảo tồn và phát triển các khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam” diễn ra tại Hà Nội, các đại biểu đã bàn giải pháp bảo tồn di sản thiên nhiên bền vững.
Thiếu sự kết nối
Ngoài hai di sản thiên nhiên Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng (Quảng Bình), nước ta hiện có 8 khu dự trữ sinh quyển (DTSQ) được UNESCO công nhận, đó là rừng ngập mặn Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh), quần đảo Cát Bà (Hải Phòng), đất ngập nước ven biển liên tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng, Kiên Giang, Tây Nghệ An, Cù Lao Chàm (Hội An), Mũi Cà Mau và rất nhiều vườn quốc gia, vườn di sản khác. Theo đánh giá của Ủy ban quốc gia Chương trình con người và sinh quyển Việt Nam (MAB), di sản thiên nhiên có chức năng bảo tồn sự đa dạng văn hóa và đa dạng sinh học; thúc đẩy phát triển kinh tế theo hướng bền vững, phát triển văn hóa một cách phù hợp; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án trình diễn, giáo dục môi trường và phát triển bền vững…
Ở nước ta, các khu DTSQ chứa đựng các loại hệ sinh thái chủ yếu của quốc gia, có nhiều loài mang tính biểu tượng, hàm chứa giá trị văn hóa phong phú. Với những giá trị đó, các di sản thiên nhiên có nhiều cơ hội, điều kiện để phát triển du lịch theo hướng bền vững. Thế nhưng, phần lớn các di sản này hoặc đang bị khai thác quá đà, hoặc chưa được đầu tư đúng mức, đúng cách, như việc khai thác tại Vịnh Hạ Long và Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng chủ yếu vẫn dựa vào vẻ đẹp thiên nhiên sẵn có. Theo ông Nguyễn Khắc Lâm (đại diện Khu DTSQ Tây Nghệ An), Khu DTSQ Tây Nghệ An – nơi có rừng quốc gia Phù Mát, nhiều di tích lịch sử, với nhiều tập tục sinh hoạt văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Thái – vẫn chưa kết nối được với du lịch. Lý do là chưa tìm ra được sản phẩm đặc thù, hệ thống giao thông kém, môi trường chưa sạch, đẹp, người dân sở tại có tâm lý trông chờ, ỷ lại…
Tình trạng khai thác du lịch tự phát, mạnh ai nấy làm cũng đang diễn ra ở Khu DTSQ sông Hồng. “Khu DTSQ sông Hồng có nền văn hóa đa dạng, có thể kết hợp nhiều loại hình du lịch, chúng tôi nhìn thấy tiềm năng nhưng chưa khai thác được” – Ông Nguyễn Viết Cách, Trưởng ban thư ký Khu DTSQ châu thổ sông Hồng phản ánh.
Bảo tồn để phát triển, phát triển để bảo tồn
Không giống với các di sản khác, di sản thiên nhiên có diện tích rất lớn (khu vực I của Vịnh Hạ Long có diện tích trên 400km2, Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng rộng 123 nghìn héc ta, vùng lõi Khu DTSQ sông Hồng rộng hơn 14 nghìn héc ta), trong khu vực di sản có nhiều người dân sinh sống, canh tác. Vì thế, sự tham gia của cộng đồng, nhất là những người dân đang sống ở trong khu vực di sản và khách du lịch có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị của di sản.
Được đánh giá là địa phương có nhiều thành công trong công tác bảo tồn di sản nói chung, di sản thiên nhiên nói riêng, bà Trần Thị Hồng Thúy, BQL Khu DTSQ Cù Lao Chàm – Hội An cho biết: Mọi hoạt động bảo tồn và khai thác trong Khu DTSQ Cù Lao Chàm đều hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Nhằm giữ gìn hệ sinh thái, Cù Lao Chàm là đơn vị đầu tiên trên cả nước thực hiện hành động “nói không với túi nylon”; hỗ trợ, hướng dẫn người dân sinh sống trên đảo làm du lịch cộng đồng (homestay); tăng cường tuyên truyền, vận động du khách tham gia phần việc bảo tồn bằng cách ứng xử đúng… Chính quyền thành phố Hội An và xã đảo Tân Hiệp cũng đã xây dựng các nghị quyết chuyên đề, đưa ra nhiều giải pháp thực hiện. Nhờ đó, lượng khách du lịch đến Cù Lao Chàm tăng từ 9.000 lượt người năm 2007 lên gần 200.000 lượt người trong năm 2013 nhưng di sản vẫn giữ được màu xanh vốn có. Người dân Cù Lao Chàm hiện có mức thu nhập trung bình 20 triệu đồng/ người/năm (tăng gấp 3 lần so với trước đây), nên đã toàn tâm bảo vệ di sản.
Sử dụng nguồn lực cộng đồng trong khu di sản để khai thác giá trị, tiềm năng một cách hợp lý, sử dụng nguồn lợi thu được để bảo tồn di sản cũng là quan điểm bảo tồn ở Khu DTSQ Cát Bà. Chương trình kinh tế chất lượng đã được triển khai tại Cát Bà từ năm 2006, bao gồm phát triển du lịch bền vững, có trách nhiệm; phát triển nông sản, xây dựng sản phẩm đặc thù dựa trên đặc sản của địa phương (mật ong, nước mắm, cam Gia Luận…); triển khai các mô hình nuôi trồng thủy sản, hải sản an toàn… không chỉ góp phần bảo tồn di sản thiên nhiên một cách bền vững, mà còn mang đến nguồn lợi không nhỏ cho người dân địa phương. “Hiện nay, nhãn hiệu chứng nhận Khu DTSQ thế giới quần đảo Cát Bà đã được cấp cho 17 đơn vị, doanh nghiệp có sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao xuất xứ từ Khu DTSQ Cát Bà” – ông Đoàn Văn Cẩn, BQL Quần đảo Cát Bà khẳng định.
Di sản thiên nhiên gắn bó mật thiết với cuộc sống của con người, bảo tồn di sản chính là bảo vệ cuộc sống của con người cho nên di sản này cần được bảo tồn và khai thác một cách hợp lý. Từ kinh nghiệm bảo tồn di sản Cù Lao Chàm, Cát Bà và một số di sản xanh khác, có thể thấy định hướng “bảo tồn để phát triển, phát triển để bảo tồn” là quan điểm đúng.