ThienNhien.Net – Việc Chính phủ loại bỏ 424 dự án thủy điện, chiếm 34,2%, trong tổng số 1.239 dự án sau quá trình rà soát quy hoạch phát triển thủy điện trên toàn quốc năm 2012 là quyết định cần thiết với những cân nhắc về lợi ích kinh tế và hệ lụy môi trường, xã hội.
Liệu đã đến lúc phải đặt ưu tiên cao nhất cho việc bảo đảm an ninh nguồn nước, bảo vệ rừng và coi đó là yêu cầu cấp thiết vì lợi ích lâu dài, tránh các tác động tiêu cực đối với đời sống cộng đồng và phát triển kinh tế – xã hội? Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Việt Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên – Pan Nature (Liên hiệp Các hội khoa học – kỹ thuật Việt Nam) về vấn đề này.
Lầm tưởng về năng lượng “sạch, rẻ”
– Được biết, Pan Nature và cá nhân ông đã có nhiều khảo sát, theo dõi về những tác động của các công trình thủy điện vừa và nhỏ (TĐVVN) trong nhiều năm. Đặc biệt, sau trận lũ lịch sử tại Nam Trung bộ vừa qua mà nguyên nhân không thể không kể đến là việc xả lũ từ các công trình thủy điện. Ông có nhận xét gì xung quanh câu chuyện phát triển thủy điện, đặc biệt là TĐVVN thời gian qua?
– Phải khẳng định rằng từ năm 1990 đến nay, thủy điện là nguồn điện năng quan trọng. Đến năm 2012, thủy điện vẫn đóng góp 48,26% công suất và 43,9% điện lượng cho hệ thống điện toàn quốc. Theo tôi, phát triển thủy điện không có lỗi, vấn đề là những hệ lụy về môi trường, xã hội do thủy điện gây ra xuất phát từ những yếu kém trong công tác quy hoạch, đánh giá, cấp phép và giám sát xây dựng, vận hành ở nhiều địa phương và những hệ lụy này đã làm thay đổi nhận thức lâu nay rằng đây là nguồn năng lượng sạch và rẻ. Thực tế đến nay chúng ta vẫn chưa có được đánh giá đầy đủ để hiểu biết đúng về tác động của thủy điện, vì thế đã dẫn đến quy hoạch ồ ạt và phát triển thủy điện khá “nóng” trên toàn quốc.
Phải khẳng định rằng thủy điện không phải là nguồn năng lượng sạch và rẻ, vì chúng là tác nhân trực tiếp làm mất rừng, chiếm dụng nhiều đất rừng, kể cả rừng phòng hộ và rừng đầu nguồn, từ đó tăng mức phát thải khí nhà kính, bồi cạn hồ chứa… Thủy điện đã gây xáo trộn đời sống của hàng trăm nghìn hộ gia đình do phải tái định cư, do ngập lụt bởi xả lũ; làm thay đổi dòng chảy của các hệ thống sông; phá hỏng cơ sở hạ tầng do Nhà nước đầu tư cho các vùng nông thôn, miền núi… Đặc biệt, trận lũ lịch sử ở Quảng Ngãi, Quảng Nam, Bình Định những ngày qua cho thấy thủy điện đã góp phần dẫn đến những thiệt hại nặng nề. Như vậy, giá thành 1kWh từ thủy điện có thể rẻ hơn các nguồn năng lượng khác nhưng những chi phí do tổn hại môi trường, xã hội và sinh kế của người dân thì vẫn chưa được tính. Thiệt hại này, do xả lũ và sự cố an toàn đập có thể lớn hơn nhiều so với mức đóng góp hằng năm cho ngân sách của chính các nhà máy thủy điện đó.
Theo báo cáo của Bộ Công thương, từ năm 2006 đến nay chúng ta đã phải đánh đổi 50.000ha đất rừng để làm thủy điện. Bộ NN&PTNT cũng cho biết, 20.000ha rừng đã bị xóa sổ bởi các dự án thủy điện trong giai đoạn 2006-2012. Tuy nhiên, tôi cho rằng con số này cần phải xem xét lại vì những nghiên cứu diện hẹp tại Hà Tĩnh, Quảng Nam, Lâm Đồng và Kon Tum cho thấy, diện tích rừng bị chặt hạ có thể nhiều hơn mức cho phép, không kể các diện tích lấn chiếm và phá rừng trái phép ở các khu tái định cư và xâm lấn khai thác khác. Khả năng bảo đảm an toàn đập và quản lý vận hành hồ chứa không gây hại cũng chưa đủ độ tin cậy và cần phải được Nhà nước xem xét lại, đánh giá và giám sát nghiêm túc, chặt chẽ. Tóm lại, chúng ta đang phải gánh chịu hậu quả do phát triển “nóng” TĐVVN.
– Phát triển ồ ạt các dự án TĐVVN đã được các nhà khoa học cảnh báo về hệ lụy nhưng vì sao chúng vẫn được triển khai rầm rộ?
– Điều tôi muốn nhấn mạnh là nguy cơ phá rừng tăng lên rất nhiều khi phát triển TĐVVN. Vì hồ thủy điện dâng nước đến đâu lại tạo điều kiện đi lại, vận chuyển gỗ dễ dàng hơn cho lâm tặc đến đó, nhất là các rừng phòng hộ đầu nguồn và rừng của các khu bảo tồn. Có người cho rằng các dự án thủy điện giúp bảo vệ rừng tốt hơn, theo tôi đây là một luận điểm không tưởng trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, nguy cơ này ít khi được đánh giá và thẩm định nghiêm túc ở cấp địa phương, nên báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án thủy điện đều dễ dàng được thông qua. Nghĩa là các nhà đầu tư không bị ngăn chặn hoặc có thể “dỡ bỏ” rào cản này để triển khai dự án.
Cần nhắc thêm rằng, mỗi một dòng sông là một hệ sinh thái thống nhất, hoàn chỉnh, không phụ thuộc vào việc phân định theo địa giới hành chính. Tuy nhiên, việc phân quyền quy hoạch cho các địa phương như hiện nay đã dẫn đến sự phát triển “nóng”, dày đặc TĐVVN, để lại hậu quả là sự tàn phá các lưu vực sông, ngăn chặn dòng chảy tự nhiên xuống hạ lưu. Thời gian qua nhiều địa phương đã chạy theo thành tích tăng đầu tư phát triển và thu ngân sách nên đã chấp thuận nhiều dự án xét về lâu dài thì số tiền thu được ít hơn nhiều lần so với số tiền bỏ ra để ngăn ngừa hậu quả và khắc phục rủi ro. Trong khi đó, lợi ích lại hoàn toàn rơi vào túi doanh nghiệp và người dân bị thiệt hại là điều chắc chắn thấy được. Ngược lại, thực tế này cũng cho thấy sự yếu kém của các bên có lợi ích bị ảnh hưởng như cộng đồng, chính quyền địa phương, các chủ rừng chưa thực sự dám phản đối hoặc tham mưu quyết liệt để cấp có thẩm quyền ngăn chặn các dự án có nhiều rủi ro.
Sớm công khai kinh phí đền bù trồng lại rừng
– Theo quy định, khi xây dựng thủy điện chủ đầu tư phải thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm trồng bù lại rừng hoặc phải nộp tiền trồng bù rừng tương đương với diện tích rừng họ chiếm dụng và chuyển đổi. Ông có thông tin nào về vấn đề này hay không?
– Việc chuyển đổi rừng trồng sang làm thủy điện đã được đề cập tại Nghị định 23, và điều 10 Nghị định 05/2008/NĐ-CP của Chính phủ, trong đó quy định Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng (cấp tỉnh) được thành lập do các địa phương trực tiếp quản lý và có nhiệm vụ tiếp nhận tiền chi trả đền bù trồng rừng của các chủ đầu tư thủy điện nếu địa phương chưa bố trí được đất trồng. Báo cáo của Bộ Công thương và Bộ NN&PTNT đã cho thấy, diện tích trồng bù này đạt tỷ lệ rất thấp so với diện tích rừng đã mất. Điều này bộc lộ hai vấn đề: Một là giải pháp bảo vệ môi trường theo báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được tỉnh phê duyệt thiếu thực tế hoặc không được tuân thủ nghiêm túc xét từ trách nhiệm chỉ đạo của chính quyền địa phương; hai là các chủ đầu tư xây dựng các dự án thủy điện không thực sự quan tâm tới việc trồng hoàn rừng. Tôi cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo rà soát, kiểm tra để biết rõ nguồn chi trả trồng bù rừng của các chủ đầu tư thủy điện hiện đang được quản lý và sử dụng như thế nào để có giải pháp thích hợp, ít nhất là phải hoàn đủ diện tích rừng đã bị chuyển đổi mục đích.
– Vậy việc trồng lại rừng tại các dự án thủy điện đến nay ra sao, thưa ông?
– Cá nhân tôi và Pan Nature chưa có nghiên cứu tổng thể về công tác trồng lại rừng từ các dự án thủy điện nhưng con số được công bố hiện là chưa đến 3% so với diện tích rừng bị mất đi. Diện tích rừng được trồng lại quá ít thì các doanh nghiệp thủy điện cho rằng địa phương sở tại không bố trí được quỹ đất. Tạm thời tin vào nguyên nhân này thì cũng sẽ đặt ra yêu cầu cần công khai kết quả ký quỹ đền bù và chi tiêu nguồn kinh phí này như đã nói ở trên. Lưu ý rằng nguồn ký quỹ này khác với nguồn tiền đóng góp bảo vệ rừng mà một số nhà máy thủy điện đang vận hành chi trả theo Nghị định 99/2010/NĐ-CP của Chính phủ về thực thi chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.
– Khi thiết kế thủy điện, hầu hết chủ đầu tư đều có cam kết là chúng có khả năng cắt lũ nhưng hệ lụy của chúng để lại đến nay đã quá rõ. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
– Xét tổng thể, theo quy hoạch trước khi rà soát, trong tổng số dung tích phòng lũ của hệ thống thủy điện Việt Nam đạt khoảng 10,5 tỷ mét khối thì đã có 10 tỷ mét khối thuộc về 130 dự án thủy điện vừa và lớn (>30MW), còn lại là hầu hết thủy điện nhỏ (<30MW) với hơn 1.100 dự án chỉ có dung tích hữu ích nhỏ khoảng 0,5 tỷ mét khối. Với số liệu này, việc gán cho hệ thống thủy điện nhỏ chức năng cắt, giảm lũ vùng hạ lưu là không đáng tin cậy. Trong nhiều trường hợp, các công trình thủy điện nhỏ còn làm cho tình trạng ngập lụt cục bộ trở nên trầm trọng hơn. Hậu quả xả lũ mà các thủy điện ở Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Hà Tĩnh, Gia Lai và Kon Tum gây ra trong thời gian vừa qua là một bằng chứng. Vì vậy, Chính phủ cần tiếp tục xem xét loại bỏ khỏi quy hoạch đối với các dự án có nguy cơ gây tổn thương cao do xả lũ, đặc biệt là các công trình ở những nơi có địa hình dốc và ngắn như khu vực miền Trung.
Cần xem lại vai trò của các tổ chức tài chính
– Việc xây dựng thủy điện luôn cần một số tiền rất lớn và không phải doanh nghiệp nào cũng có khả năng đáp ứng 100% vốn. Vậy nếu như trong quy trình xét duyệt vốn cho vay, Nhà nước có nên yêu cầu các tổ chức tài chính đặt lên “bàn cân”, lượng hóa được lợi ích môi trường, lợi ích xã hội để cấp vốn, giảm thiểu những tác động xấu hay không?
– Đúng vậy! Chúng ta đang thiếu cơ chế này, trong khi nhiều tổ chức tài chính quốc tế uy tín trên thế giới đã thực hiện quy định này, được gọi là các chính sách bảo đảm an toàn, trong quy trình đánh giá và quyết định cho vay vốn cho các doanh nghiệp xây dựng thủy điện. Họ làm vậy để tránh rủi ro về tài chính, rủi ro về uy tín khi có bất trắc xảy ra.
Gần đây, chúng tôi có nghiên cứu về thể chế của quá trình quy hoạch và ra quyết định phát triển thủy điện ở các địa phương nhằm xem xét vai trò của các bên liên quan. Kết quả xếp theo mức độ quan trọng là: UBND tỉnh, công ty tư vấn, nhà đầu tư và ngân hàng. Thường thì khi xây dựng một công trình thủy điện, nhà đầu tư chỉ có 30% vốn và số tiền còn lại là đi vay. Rõ ràng, tiếng nói của các ngân hàng trong vấn đề này rất quan trọng. Tuy nhiên, khi tham vấn hơn 10 ngân hàng thương mại lớn của Việt Nam thì kết quả cho thấy họ rất ít quan tâm và không tham gia vào quá trình đánh giá rủi ro, đánh giá tác động môi trường – xã hội của các dự án phát triển như thủy điện. Họ cũng không quan tâm đến việc lượng hóa các lợi ích kinh tế và so sánh với các phí tổn về môi trường và xã hội để cân nhắc rủi ro tín dụng. Theo tôi đây là điều đáng tiếc và cần được xem xét lại, xét cả về khía cạnh quy định pháp luật của Nhà nước cũng như nhận thức về trách nhiệm xã hội – môi trường của các ngân hàng liên quan.
– Thưa ông, chúng ta đã nói quá nhiều đến mặt trái của các công trình TĐVVN. Chẳng lẽ trong số hàng trăm công trình như vậy không có “điểm sáng” nào để rút kinh nghiệm, nhân rộng mô hình hay sao?
– Tôi chưa có điều kiện đi nhiều nhưng qua báo chí được biết công trình thủy điện Krông Hin, huyện M’Đrắk, Đắk Lắk của ông Nguyễn Quyền là điểm sáng cho mô hình “thủy điện xanh”. Đây không chỉ là nhà máy thủy điện tư nhân duy nhất làm ăn đạt hiệu quả kinh tế cao, Krông Hin còn được đánh giá là một trong số ít các thủy điện thân thiện với môi trường, mang lại hiệu quả an sinh xã hội cao. Trong tổng số 59ha đất được giao để xây dựng thủy điện Krông Hin, chỉ có 5ha cà phê, còn lại hầu hết đều là đất trống đồi núi trọc; không có hộ dân nào bị ảnh hưởng, phải di dời, tái định cư, định canh. Nhờ vậy, thủy điện Krông Hin vừa giảm thiểu được tác động tiêu cực vào môi trường, vừa tiết kiệm được chi phí đầu tư. Ông Nguyễn Quyền cũng chỉ sử dụng chưa đến 40ha trong tổng số đất được giao. Đặc biệt, dù không tác động lớn đến môi trường rừng, nhưng từ khi đi vào vận hành đến nay, thủy điện Krông Hin đã thực hiện trồng hơn 32ha rừng. Nhờ nguồn nước của thủy điện, hơn 250ha cà phê và 50ha lúa nước của đồng bào hai xã Ea M’đoan và Cư Króa được phục vụ nước tưới miễn phí; cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất thường xuyên cho hàng trăm hộ dân quanh vùng.
– Xin hỏi ông câu hỏi cuối, đó là chúng ta rất khó để phá bỏ các công trình thủy điện đã có, vậy theo ông làm thế nào để có thể giảm thiểu những tác hại do chúng gây ra?
– Theo tôi, có hai vấn đề chiến lược về ngắn hạn và dài hạn cần phải thực hiện. Về ngắn hạn: Cần đánh giá lại thiệt hại do thủy điện gây ra, đặc biệt là ở khu vực miền Trung. Chúng ta phải siết lại quy trình xả lũ ngay lập tức để xem còn lỗ hổng gì không vì từ nay đến mùa mưa bão sang năm chỉ còn khoảng 10 tháng; xem lại toàn bộ yêu cầu thông báo, công khai quy trình vận hành hồ chứa và xả lũ của từng nhà máy đối với chính quyền và cộng đồng địa phương. Đối với vùng hạ lưu trước thân đập thủy điện, cần cắm mốc đo lũ để nhân dân biết và tổ chức diễn tập, hướng dẫn để nhân dân có kỹ năng xử lý, phòng tránh khi lũ lụt xảy ra. Các cơ quan quản lý cũng cần xem xét lại trách nhiệm của các doanh nghiệp thủy điện khi xả lũ thông qua cơ chế đền bù cho các hộ bị thiệt hại, kể cả cơ chế để người dân có thể khiếu kiện khi lợi ích của họ bị tổn hại do lỗi của các nhà máy thủy điện gây ra.
Về lâu dài, Nhà nước cần tiếp tục đánh giá lại hơn 800 dự án thủy điện sau khi điều chỉnh quy hoạch đồng thời với việc kiểm tra lại toàn bộ tính an toàn của các hồ, đập. Quan điểm của tôi là nên tạm dừng tất cả các dự án TĐVVN đã quy hoạch nhưng chưa được cấp phép trong thời gian 3-5 năm để đánh giá lại môi trường chiến lược trên các lưu vực sông. Yêu cầu quy hoạch lại vì vậy phải dựa trên kết quả đánh giá môi trường chiến lược cho từng lưu vực và áp dụng quy hoạch phát triển tổng hợp lưu vực sông để có các lựa chọn dự án và quy mô phù hợp, công bằng về sử dụng nước, đáp ứng lợi ích của tất cả các bên liên quan.
Quyết định loại bỏ các dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A ra khỏi quy hoạch thời gian vừa qua là một ví dụ cho thấy sự cần thiết phải công khai thông tin, tham vấn rộng rãi nhiều bên liên quan để có thể đánh giá đúng và toàn diện về tác động môi trường, xã hội của thủy điện. Qua đó cũng đồng thời tăng cường trách nhiệm giải trình và sự tuân thủ pháp luật của chủ đầu tư và các cơ quan quản lý nhà nước liên quan. Trong thời gian tới, cách tiếp cận này cần được thể chế hóa cụ thể, đi đôi với việc tiếp tục công khai thông tin, rà soát và cân nhắc lại các quy hoạch thủy điện.
– Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi!