ThienNhien.Net – Như vậy, bùn đỏ vốn chỉ mới thấy trên báo chí trong cuộc tranh luận về khai thác bô xít thì nay dân ta đã nhãn tiền ở Bình Thuận.
Vào ngày 18-11-2013, hồ chứa bùn đỏ thuộc địa phận xã Thuận Quí, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận bị sự cố vỡ bờ moong, tức là hồ chứa đã khiến cho bùn đỏ tràn ngập khắp mọi nơi, sức chảy của nó mạnh tương đương một trận lũ quét, nhiều vật liệu, vật dụng và gỗ khối trôi theo dòng bùn đỏ, tấp vào nhà dân. Khối lượng bùn đỏ tràn ra tới hàng nghìn m3 trên một diện tích 1km2. Hiện tượng bùn đỏ ở một nơi chưa bao giờ biết bùn đỏ là gì khiến cho người dân hoang mang khi chưa biết được hàm lượng độc tố bên trong bùn đỏ như thế nào.
Xả thải lên đầu dân là cách xử lý chất thải rẻ nhất
Sự cố này mặc dù có thể khắc phục được, tuy nhiên một lần nữa trách nhiệm của doanh nghiệp và các cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường lại được đặt dấu hỏi. Trong bối cảnh, bờ moong hồ chứa nước thải, bùn thải luôn cao hơn mái nhà dân, doanh nghiệp khai thác nhiều năm vẫn chưa một lần xử lý bùn thải, thì người dân sở tại hoàn toàn không biết gì về các biện pháp xử lý chất thải và các biện pháp bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác, tuyển quặng của doanh nghiệp như thế nào. Thậm chí khi hỏi người dân đang sinh sống quanh khu mỏ, toàn bộ mọi hoạt động từ lập dự án cho đến xây dựng nhà máy khai thác titan, rồi đưa vào hoạt động, không hề có một cuộc thăm dò ý kiến nhân dân hoặc thăm dò dư luận nào cả. Chỉ đơn giản, doanh nghiệp làm việc với các cơ quan quản lý Nhà nước và hai bên tự làm việc với nhau. Nhân dân không có vai trò gì trong quá trình lập dự án, khai thác và xây dựng nhà máy. Nhưng khi xảy ra sự cố thì nhân dân là người phải chịu đựng hậu quả.
Tất nhiên, sau khi xảy ra sự cố, người dân sẽ phải tự dọn dẹp, tự khôi phục cuộc sống, bởi họ vẫn phải sống. Phía doanh nghiệp sẽ xin lỗi và hứa sẽ khắc phục, sẽ đền bù… Nhưng đền bù thế nào, bao giờ đền bù vẫn là một câu hỏi lớn. Cây cối đã chết thì có thể nhìn thấy ngay, nhưng ảnh hưởng sức khỏe thì chưa thể xác định được mức độ. Và môi trường nữa, ai có thể xác định được tổn hại? Người ta có quyền nghi ngờ bởi ngay bây giờ đại diện một số cơ quan quản lý môi trường đã lên tiếng rằng bùn đỏ không độc, bùn đỏ không ảnh hưởng lớn đến môi trường, cứ như họ là người của doanh nghiệp. Trong khi đó, một số nhà khoa học lại đề cập đến khả năng ô nhiễm phóng xạ từ bùn đỏ. Những chuyện đó các nhà khoa học sẽ cho ý kiến cuối cùng nhưng đã có chuyên gia ngồi tính toán chi ly cho thấy, để xây dựng hệ thống xử lý bùn đỏ và chi phí để xử lý chỗ bùn đỏ vừa tràn ra đó, doanh nghiệp sẽ phải chi ra hàng trăm tỷ đồng. Hậu quả của chỗ bùn đỏ đó tràn ra môi trường cũng không thể tính đủ tính hết vì chúng ta sẽ không thể vét hết bùn đỏ đó đi và giải quyết triệt để những vấn đề do bùn đỏ bây giờ và bụi đỏ sau này gây ra. Nhưng nếu phải đền bù, chắc chắn sẽ còn lâu mới đến đoạn đó, doanh nghiệp cũng chỉ phải chi cỡ chục tỷ đồng, rẻ hơn rất nhiều chi phí xử lý. Và không chừng, nếu chúng ta không cương quyết, có thể sau này xả thải lên đầu người dân và đền bù có thể là phương pháp xử lý chất thải công nghiệp rẻ nhất.
Cũng giống trường hợp doanh nghiệp thuộc da Hào Dương (huyện Nhà Bè, TP.HCM) đã chịu phạt hàng chục lần về hành vi xả nước thải công nghiệp ra thẳng môi trường, gây ô nhiễm môi trường nhưng họ vẫn tiếp tục xả cái thứ nước hôi thối, độc hại ra sông. Vì sao? Vì số tiền phạt ít hơn nhiều lần so với chi phí xử lý nước thải. Hành động kiên quyết của UBND TP.HCM ra quyết định đóng cửa doanh nghiệp Hào Dương trong 6 tháng để doanh nghiệp này hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải được dư luận ủng hộ là vì vậy.
Nhưng biện pháp đóng cửa khu mỏ và nhà máy trong trường hợp này thì không được. Đây là một doanh nghiệp đã quá bê bối do kiện tụng, trốn thuế và hiện đang bị tố cáo trốn thuế hàng trăm tỷ đồng. Đóng cửa, giải tán doanh nghiệp là mang lại hạnh phúc cho chủ doanh nghiệp và đau khổ cho người dân địa phương. Cần phải sớm khởi tố vụ án, xử lý nghiêm khắc những hành vi vi phạm pháp luật của chủ doanh nghiệp, bằng mọi cách thu hồi tài sản đủ cho việc xử lý triệt để những hậu quả môi trường của cơn lũ bùn đỏ này.
Những bài học lớn cho tương lai
Trong bối cảnh các khu mỏ bô xít đã hoạt động khai thác và chế biến, những hồ bùn đỏ khối lượng gấp hàng trăm lần hồ bùn đỏ Bình Thuận sẽ tồn tại trên cao hàng trăm mét trên Tây Nguyên, cơn lũ bùn đỏ Bình Thuận sẽ là một cơ hội mà xử lý triệt để những hậu quả môi trường của nó sẽ là những bài học lớn cho tương lai. Chúng ta không mong một tai họa môi trường, một trận lụt bùn đỏ nữa, nhưng không ai có thể chắc chắn 100% nó không xảy ra. Vì vậy kinh nghiệm xử lý sự cố luôn luôn là cần thiết. Có thể thấy có hai mặt phải xem xét: một về quản lý Nhà nước về môi trường, một về xử lý khi có thảm họa về môi trường.
Về mặt quản lý Nhà nước, cần xem xét nghiêm túc những vấn đề môi trường trong xử lý chất thải công nghiệp. Không phải chỉ xem xét một lần khi phê duyệt dự án mà phải kiểm tra xem xét liên tục và nếu thấy phương án đã được phê duyệt chưa hiệu quả hoặc có khả năng ảnh hưởng đến môi trường phải kiên quyết yêu cầu doanh nghiệp ngừng hoạt động, xây dựng lại phương án xử lý chất thải. Tránh hiện tượng như đã xảy ra, mặc dù có phương án xử lý chất thải khi khai thác và tuyển quặng ti tan nhưng hoạt động nhiều năm, doanh nghiệp vẫn không xử lý bùn đỏ, các cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường vẫn không có ý kiến gì. Cần tránh tư tưởng chờ đợi doanh nghiệp gây hại cho môi trường rồi mới xử lý vì lúc đó đã muộn. Môi trường bị tác động không thể một năm hay một chục năm có thể khôi phục như trước.
Thêm nữa, nhân dân các địa phương có thể bị ảnh hưởng do sự cố chất thải tràn ra môi trường phải được biết, biết một cách chi tiết, cụ thể những phương án xử lý chất thải công nghiệp, phương án xử lý khi có sự cố môi trường của doanh nghiệp. Phải biết và phải có cơ chế để nhân dân có thể giám sát quá trình xử lý chất thải. Các cơ quan quản lý về môi trường không thể có khả năng giám sát về ảnh hưởng môi trường trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp hơn nhân dân. Hãy giao cho nhân dân gánh một phần công việc của các cơ quan quản lý nhà Nước về môi trường. Cơ chế giám sát sẽ gồm cả quyền lợi kiểm tra các cơ sở xử lý chất thải, quyền chất vấn, quyền được trả lời từ doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường.
Về xử lý thảm họa, cần sớm nghiên cứu ảnh hưởng của bùn đỏ tới môi trường, không chỉ trong hiện tại mà cả trong thời gian nhiều năm sau, khi bùn đã biến thành bụi. Ảnh hưởng này phải được xem xét không chỉ những thiệt hại do sự trào chảy gây ra như đổ nhà cửa, hư hỏng thiết bị, hư hỏng cây trồng vật nuôi mà còn về sức khỏe con người, chất lượng nông sản, chất lượng không khí, dịch bệnh… trong tương lai. Đã xác định được ảnh hưởng còn phải tìm cách khắc phục và đây cũng là cơ hội thử nghiệm các phương án khắc phục thảm họa. Từ đó sẽ sớm xây dựng được quy trình phòng và chống thảm họa.
Trong cái rủi, có cái may. Giống như trong tai họa cháy ở quán bar trong khu vui chơi “hợp tác xã” Zone 9 ở Hà Nội ngày 19-11 vừa qua làm chết 6 công nhân đang sửa chữa nội thất, dư luận đang hỏi, nếu không có vụ hỏa hoạn này, khi quán bar hoạt động, căn phòng rộng 150m2 này chứa hàng trăm người vui chơi nhảy nhót mà chỉ có một cửa ra vào bị cháy sẽ có bao nhiêu thương vong? Chắc chắn không ít hơn 6 người được.
Hãy coi cơn lũ bùn đỏ này như cơ hội để học hỏi, để có kinh nghiệm cho tương lai.