Bài cuối: Cà Mau sẽ bị nhấn chìm
ThienNhien.Net – Tự hào là vùng đất bồi màu mỡ, mỗi năm Đất Mũi Cà Mau lấn thêm ra biển tới mấy trăm mét kéo theo những cánh rừng ngập mặn dày đặc bảo vệ đất liền. Nhưng mấy năm trở lại đây, người dân khu vực đang bất lực nhìn đất đai của mình, sinh kế của mình dần mất đi do bị biển xâm lấn…
Cà Mau chịu tác động của chế độ thuỷ triều Biển Tây và chế độ mưa nội đồng. Ngoài ra, các khu vực phía đông vừa bị ảnh hưởng thuỷ triều Biển Đông vừa chịu tác động dòng chảy từ sông Hậu về. Sạt lở xuất hiện cả vùng giáp Biển Đông và Biển Tây, theo mùa… đã cuốn theo nhiều sự sống trên bề mặt.
Bốn vấn đề bất cập
Tiếp xúc với đoàn khảo sát – cập nhật tình hình biến đổi khí hậu vùng ven biển cực Nam do tổ chức Challenge to Change và văn phòng biến đổi khí hậu TP Cần Thơ tổ chức, ông Nguyễn Long Hoai, chi cục trưởng chi cục Thuỷ lợi tỉnh Cà Mau, khẳng định: nước biển dâng cùng triều cường đã xuất hiện liên tục từ năm 2008 tới nay.
Trong thời gian đó, đỉnh triều và diện tích bị ngập mặn từ 4.000ha (năm 2008) đã tăng lên tới 20.000ha (năm 2012). Huyện Năm Căn, Ngọc Hiển, Đầm Dơi chịu tác động của những thay đổi thất thường này. 30% đê biển bằng hoặc thấp hơn đỉnh triều cường tháng 10 – 11. Hiện nay, 24 hệ thống đê sông cần bồi trúc nhưng có thể đến năm 2016 – 2020 mới thực hiện được. Các kênh rạch cần sên vét tạo thông thoáng, hệ thống đê và bờ bao cần được đầu tư từ các nguồn vốn trung ương, địa phương, trái phiếu chính phủ, thuỷ lợi phí… chứ không thể dựa vào những giải pháp rời rạc.
Bốn điểm xung yếu trong hệ thống bị rủi ro trải dài trên 40.600m, việc nâng cấp đê, trồng rừng ven biển và 35 tiểu vùng cần rất nhiều kinh phí. Riêng việc làm kè ngầm tạo bãi 10km tiếp theo cần không dưới 450 tỉ đồng. Theo ông Hoai, năm tới sẽ thử thả cừ tràm, tre để giảm chi phí từ 25% còn chừng 15% so kè kiên cố, thí điểm ở cống bắc Hương Mai.
Cũng theo ông Hoai, bão và áp thấp nhiệt đới tuy hình thành xa bờ biển Cà Mau, nhưng biển động gây sạt lở, đê bao nặng nề. 254km bờ biển chỉ có 10% bãi bồi ít bị sạt lở, đai rừng phòng hộ bảo vệ đê đã tróc gốc, sóng biển khiến nhiều vùng trơ trọi, tỉnh Cà Mau buộc phải ra quyết định hộ đê khẩn cấp.
Các nguyên nhân gây sự cố ở vùng cực Nam: triều biển đông + dòng chảy xiết khi nước biển dâng cao + mùa mưa bão + đất mới nên sạt lở mạnh. Bên cạnh đó, hơn 10.000 cây số kênh rạch – thuỷ lộ chính yếu – những phương tiện giao thông thuỷ tạo sóng là một trong những “nghi can” thứ hai từ con người góp phần gây sạt lở.
“Không còn sáu tháng nắng – sáu tháng mưa, mặn ngọt không theo quy luật, mưa kéo dài, trái mùa và nắng gắt, nhiệt độ cao làm độ mặn tăng lên 30 – 40 phần ngàn; lại xuất hiện lốc xoáy, gió cấp 12 – 13; sấm sét… xảy ra dày hơn, bạo phát hơn đã ảnh hưởng đến việc đánh bắt ngoài khơi, người sống ven biển… Chính tính chất thất thường đó nên các cơ quan chức năng cũng khó đưa ra dự báo”, Ông Hoai nhận định.
Mưu sinh thích ứng
Hai tháng trước, các chuyên gia vườn quốc gia Mũi Cà Mau đã triển khai mô hình hỗ trợ cư dân phát triển du lịch cộng đồng. Gia đình ông Nguyễn Văn Nhuần là một trong bốn điểm được chọn làm thí điểm.
Bà Lương Thị Phượng – vợ ông Nhuần, nói: “Tui chưa được học trường lớp, may nhờ cô Như Ý ở vườn quốc gia Mũi Cà Mau hướng dẫn cách làm du lịch và được ban quản lý vườn giúp cất nhà mát ở bìa rừng, nên hễ khách tới Năm Căn xuống bến Rạch Tàu kêu xe ôm chạy vô điểm du lịch cộng đồng Tư Nhuần hoặc gọi điện dặn nấu cơm, luộc tôm, nấu canh chua cá ngát, cua rang me… là có liền. Bao nhiêu khách cũng thu xếp được, chỉ cần báo trước vài tiếng đồng hồ là tui chuẩn bị kịp. Khách muốn ở lại thì báo trước vài hôm để thu xếp, giá homestay: 70.000 đồng/người/đêm. Nếu chỗ tui không lo hết thì điều qua bốn điểm du lịch ở gần đây”.
Ông Võ Công Trường, phó chủ tịch UBND xã Đất Mũi, cho biết toàn xã có 521 hộ, 300 hộ cận nghèo. Những người này dễ gặp rủi ro do không có điều kiện nắm bắt thông tin thời tiết từ truyền hình, radio. Riêng UBND xã, ông Trường mong các nhà khoa học hỗ trợ điều kiện tiếp nhận thông tin phân tích, dự báo kịp thời để chính quyền cảnh báo với dân. UBND xã cũng đề nghị có chính sách cho dân hưởng lợi nhiều hơn từ rừng. Ông Trường cho biết, UBND xã đang chờ nguồn vốn về chuyển đổi ngành nghề: nuôi hào, ốc len và thử nuôi dê vì dê đã ăn được lá đước…!
Đê kè kiên cố để bảo vệ?
“Hơn 80% đê biển ở bốn vị trí xung yếu thuộc Năm Căn, Ngọc Hiển, Đầm Dơi bị sạt lở từng thực hiện các giải pháp thả cừ tràm, tre, rọ đá, bêtông tự chèn… nhưng không thành công” – ông Nguyễn Long Hoai nói rằng ông đã nhìn thấy sóng biển quăng rọ (2m3 đá) đi mấy chục thước.
Giải pháp “kè ngầm tạo bãi” được chọn thử nghiệm với những triển vọng bất ngờ. Làm cọc 4,5m, thấp so với đỉnh triều, cho sóng tràn qua, nước róc rách qua khe đá, tự tiêu hao năng lượng, đã làm phù sa lắng dần tới khi đủ cao độ, chi phí cho công trình này chỉ bằng 25% so kè kiên cố…Cách làm này lúc đầu không được nhiều ban ngành đồng ý nên chỉ làm thử 800m, tới nay đã có sức thuyết phục nên làm thêm 8km nữa từ nguồn vốn nâng cấp đê biển ở xã Khánh Tiến, huyện U Minh, Gành Hào, Đất Mũi, Khai Long. “Cái chính là cây mắm đã mọc trên vùng bồi lắng và đai rừng đang phục hồi”, ông Hoai nói.
Trong khi đó, 12 điểm sạt lở ven sông, khu Hàng Vịnh điển hình cho sự lo ngại vì dân cứ tiếp tục gia tải trên bề mặt và hàm ếch tiếp tục lan rộng, khoét sâu trong lòng đất. Kè Hàng Vịnh tốn hơn 100 tỉ đồng, nếu tất cả điểm sạt lở dựa vào giải pháp công trình kè kiên cố thì không biết bao nhiêu tiền cho đủ. Nếu không ngăn được nạn sạt lở buộc phải dời dân khỏi vùng nguy cơ, nhưng điều đó sẽ tức khắc bị thói quen sống ven kênh rạch “phản đối”!
Trước mắt, tỉnh kêu gọi người dân cùng giám sát sạt lở và không nâng cấp xây dựng kiên cố thêm nữa, vì gia tải trên vùng có hàm ếch sẽ làm cho tình hình nguy hiểm hơn.
Phần chìm sâu của Cà Mau có các yếu tố tạo hoạt hoá Mezozoi, móng phân cắt mạnh bởi hệ thống đứt gãy theo hướng Tây Bắc – Đông Nam – Đông Bắc – Tây Nam; phủ lớp trầm tích Hiloxen muộn. Tỉnh đang tìm cách khai thác hữu hiệu đất phèn 279.974ha, và đất mặn: 208.496ha; khai thác hợp lý mỏ than bùn 8.698ha và bãi bồi: 19.000ha… Nhưng những giải pháp từ lòng đất cũng như những hoạt động tránh né rủi ro do con người làm ra như gia tải trên bề mặt trên nền có hàm ếch sâu hàng chục mét… nghiên cứu mối nguy sụp lún từ việc khai thác nước ngầm lại chưa có được nghiên cứu sâu nào, để từ đó hướng dẫn người dân cùng hành động giảm nhẹ mối nguy!