Tài chính khí hậu có thể trở thành nhân tố thúc đẩy phát triển

ThienNhien.Net – Vai trò ngày càng lớn của tài chính khí hậu đối với các chiến lược phát triển quốc gia trung hạn và các mục tiêu toàn cầu dài hạn, trọng tâm là Các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG) đã được chỉ rõ trong Báo cáo How climate finance can support sustainable development (Tạm dịch: Tài chính khí hậu làm cách nào hỗ trợ phát triển bền vững) do Viện Quốc tế về Môi trường và Phát triển (IIED) công bố tháng 9/2013. Để minh họa, báo cáo đã giới thiệu một số sáng kiến lồng ghép mục tiêu khí hậu và phát triển, từ đó đưa ra những khuyến nghị và bài học mà chúng ta có thể tham khảo. 

Phát triển không thể tách rời mục tiêu chống biến đổi khí hậu

Tác động của biến đổi khí hậu lên quỹ đạo phát triển đang ngày một rõ nét. Những thay đổi về mô hình lượng mưa đã ảnh hưởng tới sinh kế của hàng triệu nông hộ nhỏ, trong đó đa phần đang phải sống dưới ngưỡng nghèo hoặc cận nghèo. Ngay cả các cộng đồng nghèo ở thành thị cũng đang biến thành nạn nhân của biến đổi khí hậu mà mối đe dọa lớn nhất là lũ lụt. Nhiều hoạt động kinh tế vì ảnh hưởng của khí hậu cũng bị ngưng trệ dẫn đến những thiệt hại nặng nề…

Nói như vậy để thấy mục tiêu chấm dứt đói nghèo và xây dựng xã hội phồn thịnh giờ đây đã không thể tách rời mục tiêu đẩy lùi biến đổi khí hậu. Tài chính khí hậu theo đó trở thành một trong những công cụ cần thiết để hiện thực hóa hai mục tiêu này.

Ảnh: Benjamin Stephan/Creative Commons
Ảnh: Benjamin Stephan/Creative Commons

Các quốc gia đang phát triển hiện vẫn sử dụng tài chính khí hậu như một cơ hội để tạo ra những thay đổi căn bản theo cách họ lên kế hoạch và định hướng các chiến lược phát triển. Mặc dù tài chính khí hậu mới chỉ trong giai đoạn “trứng nước”, song những thành quả ban đầu của nó cũng đủ khiến người ta trông đợi.

Xét trong bối cảnh hiện tại, tài chính khí hậu, cụ thể hơn là nguồn tiền quốc gia và quốc tế dành cho công tác giảm thiểu và thích ứng biến đổi khí hậu, rõ ràng đang đóng vai trò quan trọng thúc đẩy các sáng kiến quốc gia lồng ghép mục tiêu thích nghi với khí hậu vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế theo hướng công bằng, bền vững hơn.

Thực tiễn lồng ghép mục tiêu khí hậu vào phát triển kinh tế

Trên thế giới, rất nhiều quốc gia đã lên kế hoạch tận dụng các nguồn tài chính khí hậu để thực hiện việc lồng ghép hai mục tiêu này.

Chẳng hạn, Ethiopia đã phát triển Chiến lược Kinh tế Xanh Thích ứng Khí hậu hướng tới mục tiêu trở thành nền kinh tế có thu nhập trung bình vào năm 2025. Chính phủ Ethiopia đang thiết kế một loạt công cụ thể chế, chính sách, tài chính mới để hỗ trợ các ngành và cơ quan địa phương thiết lập và thực thi hoạt động phát triển kinh tế xanh thích ứng khí hậu.

Năm 2009, Guyana cũng ban hành Chiến lược Phát triển Các-bon Thấp sử dụng nguồn tài chính chủ yếu từ các dự án Giảm khí thải từ mất rừng và suy thoái rừng kết hợp Bảo tồn, Quản lý bền vững, Tăng dự trữ các-bon (REDD+) thông qua hoạt động bảo tồn những cánh rừng mưa rộng lớn tại đây.

Tương tự Guyana, Chiến lược Quốc gia về Biến đổi Khí hậu và Phát triển Các-bon Thấp của Rwanda hướng tới tầm nhìn trở thành nền kinh tế các-bon thấp, thích ứng khí hậu vào năm 2050. Việc thực thi Chiến lược dựa trên các nguyên tắc tăng trưởng kinh tế bền vững và công bằng, giảm nghèo và quản lý tài nguyên thiên nhiên. Chính phủ Rwanda thực hiện việc lồng ghép nhằm đạt được các mục tiêu cụ thể, bao gồm: an ninh lương thực và cung cấp năng lượng các-bon thấp; sử dụng đất và quản lý tài nguyên nước bền vững; ổn định xã hội, cải thiện sức khỏe và giảm rủi ro thảm họa. Cùng với đó, Chiến lược còn nhằm xây dựng nền tảng kiến thức địa phương và khu vực đủ mạnh để có thể ứng phó với những tác động của biến đổi khí hậu.

Còn ở Nepal, khung chính sách lồng ghép vấn đề thích ứng khí hậu vào kế hoạch phát triển quốc gia và địa phương được xây dựng bao gồm Chính sách Biến đổi Khí hậu Quốc gia (năm 2011), Khung Quốc gia về Các Kế hoạch Hành động Thích ứng Địa phương – LAPAs (năm 2011) và Chiến lược Phát triển Thích ứng Biến đổi Khí hậu Các-bon Thấp (đang xây dựng). Nepal cũng đạt được tiến bộ trong việc lồng ghép thích ứng khí hậu vào các mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường ở cấp độ ngành. Chẳng hạn, Chương trình Năng lượng Tái tạo và Nông thôn Quốc gia (2011) đã tập hợp được một loạt sáng kiến hiện đang triển khai và tạo nền tảng cho các kế hoạch quốc gia trong tương lai. Tài chính khí hậu từ Chương trình Cân bằng Năng lượng Tái tạo (SREP) của Quỹ Đầu tư Khí hậu thuộc Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đóng góp đáng kể cho mục tiêu này.

Kenya là nước tiếp theo lập Kế hoạch Hành động Biến đổi Khí hậu với nhiều sáng kiến liên quan tới các khung thể chế, tài chính, giảm thiểu, REDD+, thích ứng, công nghệ, quản lý tri thức và giám sát, đánh giá.

Từ thực tế triển khai có thể thấy tài chính khí hậu không phải hình thức hỗ trợ phát triển truyền thống. Thay vào đó, nó dễ dàng tập hợp thành một nguồn lớn, phục vụ cho các mục tiêu khác nhau. Chính vì thế, rất nhiều nước hiện đang nắm giữ các nguồn tài chính khí hậu đã lồng ghép nó vào các chương trình nghị sự phát triển quốc gia và một số nước khác đang cố gắng thu hút các nguồn tài chính này phục vụ mục tiêu phát triển.

Một vài bài học kinh nghiệm

Sự ra đời của ngày càng nhiều chiến lược và công cụ mới trong việc lồng ghép tài chính khí hậu vào mục tiêu phát triển mặc dù không lập tức tạo ra kết quả, song rõ ràng định hướng phát triển này đang dần trở thành xu hướng mà các nước theo đuổi. Chính vì vậy những bài học kinh nghiệm và khuyến cáo được Báo cáo đúc kết rõ ràng là vô cùng cùng quan trọng đối với các quốc gia đi sau.

Tận dụng nguồn tài chính lớn, đồng bộ: Chi phí xây dựng và triển khai các mô hình kinh tế mới thường là con số khổng lồ mà ngân sách quốc gia hay các nguồn hỗ trợ phát triển theo dự án khó có thể kham nổi. Lúc này, các nước cần nỗ lực huy động và tập trung các nguồn tài chính khí hậu nhằm tạo được sự chuyển biến trong nền kinh tế, đồng thời tăng khả năng thích ứng biến đổi khí hậu.

Quy hoạch từ dưới lên: Các chính phủ phải thay đổi quy hoạch từ trên xuống bằng quy hoạch từ dưới lên. Ngoài ra, các tiến trình quy hoạch kỹ trị cũng phải có sự thống nhất cao giữa quốc gia và các nhà tài trợ. Điều này lâu nay vẫn chịu ảnh hưởng lớn từ các ưu tiên cùng chương trình nghị sự của các nhóm lợi ích mà không tác động nhiều tới khả năng thích ứng hay nền kinh tế ở cấp địa phương hoặc hộ gia đình.

Linh hoạt trong tài trợ, hiệu quả trong triển khai: Các nhà tài trợ cần phát triển những phương thức hợp tác mới với các nước nhận tài trợ để đảm bảo rằng các cách tiếp cận sáng tạo được thúc đẩy để đảm bảo rằng biến đổi khí hậu sẽ trở thành vấn đề chính trong quản trị và phát triển. Đồng thời, các nước nhận tài trợ cũng cần thực thi các hệ thống quản lý tài chính hiệu quả, giám sát chặt chẽ tiến độ thực hiện và bảo đảm trách nhiệm giải trình của mình trước công chúng.

Lập kế hoạch phân đoạn: Giám sát, báo cáo, thẩm định là một phần trong các cách tiếp cận giảm thiểu biến đổi khí hậu, theo đó các nước cần những hệ thống tương tự để đánh giá đóng góp của các khoản đầu tư thích ứng khí hậu đối với các mục tiêu phát triển.