ThienNhien.Net – “Trong thiên tai lo nhất chính là chuyện vỡ đập. Xả lũ đã gây hậu quả lớn, nhưng câu chuyện quan trọng nữa là những đập ấy có đứng vững trước thiên tai không, đứng vững đến bao giờ” – TS. Đào Trọng Tứ.
LTS:Xung quanh vấn đề lũ miền Trung gây thiệt hại lớn, Tuần Việt Nam có cuộc phỏng vấn với TS. Đào Trọng Tứ, Giám đốc điều hành Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu về thực trạng quy hoạch, phát triển thủy điện hiện nay của Việt Nam.
Có quy trình nhưng tác dụng kém
– Thưa ông, có ý kiến cho rằng, nếu so với trận lũ lịch sử năm 1999 với lượng mưa khoảng 1.000mm/s thì năm nay cao nhất chỉ khoảng 800mm/s, song thiệt hại về người và tài sản cũng rất lớn. Ông nhìn nhận thế nào về nguyên nhân của hiện tượng này?
Lũ năm nay không phải là nhỏ. Lượng mưa cũng tương đối lớn, lớn nhất lên đến khoảng 800mm/s trong thời gian ngắn, còn phổ biến là 100-400 mm. Mưa cường suất cao, trên diện rộng sẽ tạo dòng chảy mạnh, khiến cường suất lũ trên dòng sông sẽ rất lớn dù có các đập thủy điện hay không.
Trong khi đó, năm nay miền Trung có điểm đặc biệt về mặt thời tiết là lũ đến liên tục, từ cơn bão số 10, 11 đổ bộ vào cho đến cơn bão 15… Bão là 1 phần, nhưng bão đi kèm với mưa, hoàn lưu bão gây mưa rất lớn.
Các hồ chứa của miền Trung chủ yếu là vừa và nhỏ, có dung tích phòng lũ của công trình nhưng phần lớn lại không đủ dung tích phòng lũ hạ du.
Về mặt kỹ thuật, ứng với điều kiện tần suất nhất định, người ta sẽ để trống 1 phần dung tích trước mùa lũ. Như vậy dung tích để lại sẽ nhỏ. Khi lũ đến dồn dập thì các hồ chứa rơi vào tình trạng là nếu dự báo thủy văn không tốt, thì qua trận lũ đầu tiên các hồ chứa đã gần đầy mất rồi. Đến cơn lũ tiếp theo nhiều khi xả không kịp.
– Vậy còn chuyện thủy điện xả lũ thì sao?
Gốc gác vấn đề nằm ở chỗ xả có đúng lúc không.
Có 2 kịch bản cho các công trình thủy điện. Một là khi được thông tin về cơn bão tiếp theo thì họ phải xả lũ trước đi. Thường những nhà đầu tư vận hành thủy điện không bao giờ muốn như thế.
Kịch bản thứ 2 là họ không xả vì sợ không đủ nước, sợ bão chưa chắc đã đến. Nếu lũ đến mà năng lực tràn tốt thì không vấn đề gì. Nhưng mưa, lũ lớn hơn năng lực tràn của họ thì buộc họ phải xả lượng trong hồ bớt đi.
Trường hợp này sẽ tác động đến dòng chảy lũ ở hạ lưu.
Tôi nói thêm về đặc điểm các hồ chứa. Trường hợp lũ tràn bình thường hay nếu tràn thấp thì khác, còn khi nước vào hồ mà phóng qua đập tràn khác, năng lượng tạo ra rất lớn. Đối tượng chịu ảnh hưởng lớn nhất là khu vực hạ lưu, giống như ở trên cao dội nước xuống.
Như vậy, miền Trung vừa rồi gặp lũ lớn có nguyên nhân từ thời tiết và nguyên nhân khác là tình trạng hồ đập thủy điện gây biến động về dòng chảy.
– Được biết hiện chúng ta đã có quy trình vận hành liên hồ, song tác dụng của quy trình này đến đâu, thưa ông?
Các sông miền Trung đã có quy trình rồi, chẳng hạn như sông Ba. Nhưng việc vận hành liên hồ là câu chuyện cực kỳ phức tạp. Tưởng tượng thế này, có 3 cái hồ thì 3 nhà quản lý khác nhau.
Thứ 2 là lượng nước đến các hồ không chính xác. Khi nước về hồ thứ nhất còn tương đối chính xác, nhưng đến hồ tiếp theo thì khác lắm rồi, hoàn toàn phụ thuộc vào việc chủ thủy điện mở hồ đóng hồ và lượng nước tự nhiên đến.
Quy trình vận hành liên hồ không mấy tác dụng nếu không có khả năng dự báo tốt. Mà muốn dự báo tốt thì phải đặt máy móc dày đặc ở tất cả các trạm. Tiền đâu ra mà làm?
Thứ 2, muốn vận hành liên hồ thì phải có một đầu mối tổng thể để điều hành hồ nào xả trước, hồ nào xả sau. Ở Mỹ, nhà nước đứng ra điều hành tất cả hệ thống hồ chứa thủy điện lớn, trung bình. Chúng ta chưa làm được việc này.
Thứ 3 là người vận hành liệu có tuân thủ quy trình không?
Toàn bộ là bài toán về quy hoạch, thể chế mà nếu không làm tốt thì rồi năm nào tình trạng cũng lặp lại, gặp cơn lũ như thế sẽ vẫn xảy ra như thế.
Bài toán “đánh đổi”
– Một vấn đề nhiều người đặt ra là trong quy hoạch, xây dựng, các thủy điện phải có tác dụng đa mục tiêu, như phòng lũ, trữ nước tưới tiêu mùa hạn, cung cấp năng lượng, phát triển kinh tế-xã hội… Nhưng hình như thủy điện chưa thực hiện được các vai trò này mà chủ yếu tập trung việc phát điện kiếm tiền?
Vấn đề tôi đặt ra ở trên lại đụng đến một câu chuyện khác: ai là người quản lý các hồ chứa thủy điện. Chúng ta xã hội hóa thủy điện là đúng, nhưng xã hội hóa ở mức độ nào và xã hội hóa kiểm soát, vận hành nó ra sao.
Những nhà đầu tư chỉ biết rằng họ bỏ tiền ra để dựng nhà máy, đóng các loại thuế thế là ổn. Họ thiếu tri thức ở chỗ không biết rằng công trình thủy điện khác các công trình khác. Họ được ưu ái, sử dụng tài nguyên chung và khi làm nếu không cẩn thận sẽ tác động đến mọi người rất lớn, chứ thủy điện không phải một cái nhà mà di chuyển đi là xong.
Hồ thủy điện phải có cả vấn đề chống lũ, chia sẻ, phát triển nông nghiệp, bảo vệ môi trường. Cứ nghĩ đơn giản rằng tôi làm thủy điện, tôi tích nước mùa lũ là chống lũ cho vùng, mùa kiệt xả nước vậy là tôi đã làm lợi cho vùng thì còn cần gì đến việc đa mục tiêu nữa là không đúng.
Nhưng khi làm thủy điện hiện nay chúng ta không để ý đến vấn đề đa mục tiêu, bởi nó tốn kém hoặc phải nhiều ngành bỏ tiền vào.
– Vậy ông nhìn nhận ra sao về việc làm thủy điện và những tác động nó gây ra liệu có xứng với kết quả thu về?
Thủy điện là một bài toán đánh đổi. Mà đánh đổi thế nào lại phụ thuộc vào vấn đề chính sách.
Nhiều nhà hoạch định chính sách cứ nói thủy điện là nguồn tài nguyên rẻ, sạch, tái tạo. Nhưng không phải. Thủy điện lớn không phải là tái tạo, chỉ thủy điện nhỏ mới là tái tạo, tức là không làm xấu đi môi trường.
Thời chúng tôi còn là sinh viên, quãng năm 1966 – 1967, thủy điện Thác Bà được đưa vào xây dựng. Thác Bà 100 MW, tức là khoảng tương đương thủy điện Đồng Nai 6, mà mỗi MW chiếm hơn 179 ha đất rừng các loại. Nhưng khi ấy chúng ta hồ hởi chấp nhận, cả 1 huyện rất màu mỡ phải di dời, chỉ để đổi được 100 MW. Thủy điện Sơn La cũng di dân 100.000 người, hơn 22.000 hộ.
Ở đây, trước hết là câu chuyện “đổi” rừng, sau khi thủy điện xong thì rừng cũng “xong” hết. Rừng bị phá sẽ khiến tốc độ dòng chảy tập trung lũ lớn hơn, và làm mất đi 1 khu vực hấp thụ CO2, còn cây cối nằm dưới bị phân hủy tạo khí metan. Không những vậy, người nông dân cũng mất đất nông nghiệp.
Thứ 2 về mặt xã hội, khi phải di dời một lượng dân rất lớn lấy đất làm thủy điện, có thể cho người ta rất nhiều tiền nhưng sinh kế người ta ra sao. Lấy đất thì lấy đâu đất trả người ta. Đất trồng rừng thì đã không trả được vì lấy đất đâu ra mà trồng.
Thứ nữa khi di chuyển một lượng dân lớn, sinh kế lâu dài của người dân ảnh hưởng lớn, gây ra các vấn đề xã hội. Rồi văn hóa, phong tục cũng bị “di cư” theo. Những tác động đó là không hồi phục được.
Còn câu chuyện nữa là khi làm hồ sẽ tạo nên những dòng sông đói ở hạ lưu, vấn đề xói lở, bồi lắng, khoét sâu lòng sông xuống gây khó khăn cho nông nghiệp.
Đây là một bài toán đánh đổi. Vậy đánh đổi đó phải được phải được xem xét kỹ càng. Hiện nay mới xem xét thì đã là muộn nhưng muộn vẫn còn hơn không.
– Ông vừa nói thủy điện nhỏ là tái tạo, không làm xấu đi môi trường?
Thủy điện ở ta chia làm 3 cấp, lớn, vừa và nhỏ. Lớn là trên 100 MW, vừa là từ 30 – 100, nhỏ là dưới 30. Cái mốc 30 MW nhiều nước trên thế giới còn quy định nhỏ hơn nữa, ví dụ 15, 10 và có quy định chặt chẽ chứ không như VN.
Thủy điện nhỏ bản chất là tốt, không sử dụng diện tích rừng hoặc rất ít, chỉ dùng lòng sông để phát điện. Nhưng đấy là “nhỏ” thật. Chứ còn lên đến 30 MW cũng là to, cứ lên mỗi 5, 10 MW đã là to lắm. Cứ thử tính 1 MW thủy điện nhỏ là mất 1,2 – 1,5 triệu đô. Như vậy 30 MW đã là khoảng 900 tỷ VNĐ.
Các thủy điện nhỏ này lại thường tranh thủ khai thác rừng, tài nguyên, khoáng sản. Và quan trọng nhất, tư tưởng của nhiều chủ thủy điện nhỏ là phá, chỉ chú trọng đến phát điện kiếm tiền bù vào vốn bỏ ra.
Thủy điện là một lĩnh vực đầu tư hoàn vốn nhanh. Có những chỗ thủy điện ở miền Trung, 1m2 đất chỉ trả khoảng nửa cốc trà, hoặc cốc trà, nghĩa là mấy trăm đồng.
Rõ ràng, bài toán đánh đổi nên được tính cẩn thận. Hiện nay ta đã phải trả giá rất đắt.
Tạm dừng làm thủy điện
– Ông từng cảnh báo rằng nguy cơ lũ lụt chỉ là trước mắt, nguy cơ lớn hơn là vỡ đập thủy điện liên hoàn. Xin ông nói rõ hơn về vấn đề này?
Hiện nay khoảng 3% trong tổng số 50 – 70 nghìn đập thế giới có sự cố, còn vỡ đập thì tỷ lệ nhỏ hơn khá nhiều. Nhưng phần lớn lại là đập nhỏ và ở đây có vấn đề về giám sát thi công, vấn đề con người. Ở những khu vực địa hình dốc, thủy văn phức tạp, nước rất siết, xây dựng không cẩn thận là đập có thể bị đánh trôi.
Câu chuyện vỡ đập liên hoàn thì bài học đã rõ. Chẳng hạn ở Trung Quốc, quốc gia cận kề VN từng có vụ vỡ đập Bản Kiều năm 1975, kéo theo hơn 60 đập khác trong vùng vỡ theo. Đây được coi là vụ vỡ đập kinh hoàng nhất trong lịch sử nước này và lớn thứ 3 thế giới, khiến hàng trăm ngàn người chết.
Một đập vỡ đã là thảm họa rồi, nhưng một đập vỡ kéo theo mấy chục cái đập thì thảm họa lớn hơn rất nhiều.
VN đã có những trường hợp vỡ đập Ia Krêl 2 (Gia Lai), Đak Rông 3 (Quảng Trị), Đăk Mek 3 (Kon Tum) đang xây bị vỡ khi chưa tích nước. Thử hình dung, thủy điện Ia Krêl 2 cao sừng sững 27m, với 9 triệu khối, nếu vỡ khi có nước sẽ thế nào?
Trong thiên tai lo nhất chính là chuyện vỡ đập. Xả lũ đã gây hậu quả lớn, nhưng câu chuyện quan trọng nữa là những đập ấy có đứng vững trước thiên tai không, đứng vững đến bao giờ.
Theo số liệu Bộ NN&PTNT, tại Việt Nam có hơn 300 đập thủy lợi là có nguy cơ, và khoảng 100 là có nguy cơ cao về độ an toàn.
– Vậy nhưng hiện nay các thủy điện nhỏ đang được “khoán trắng” cho địa phương quản lý. Và các sở công thương chỉ duyệt thiết kế, còn khâu xây dựng đến nghiệm thu đều do chủ đầu tư thực hiện?
Trung ương có duyệt một số phần trăm thủy điện nhỏ. Nhưng vấn đề không hẳn nằm ở việc duyệt hay không mà vấn đề là người duyệt có hiểu hay không để mà duyệt. Và sau đó là chuyện ai giám sát.
Việc khoán trắng cho các chủ đầu tư là nguy hiểm, vì các nhà đầu tư bao giờ cũng tiết kiệm. Thủy điện Sông Tranh là 1 ví dụ, chính chủ đầu tư EVN cũng là giám sát.
-Dường như những bất cập trong quản lý thủy điện đã được cảnh báo từ lâu nhưng những giải pháp xử lý của chúng ta chưa đủ đáp ứng. Theo ông, trước mắt cần thực hiện việc gì để khắc phục tình trạng này?
Theo tôi, chúng ta cần tạm thời đừng phát triển thêm thủy điện, để nhìn nhận lại. Thủy điện như hiện nay là đủ rồi, đã như người già gần hết hơi. Thay vào đó, hãy dừng lại tính toán lại từng thứ được gì mất gì.
Bây giờ không còn là cảnh báo nữa, mà cần bước tay vào giải quyết. Trước tiên phải xem xét hết một lượt hệ thống thủy điện VN từ to đến nhỏ, phải “điểm mặt đặt tên” từng công trình và phải có những cơ quan độc lập, khoa học đánh giá một cách khách quan, tổng thể, chi tiết, khoa học rồi mới bàn biện pháp giải quyết. Giờ cần xem thực trạng ở mức độ nào và thông tin đó phải rất công khai, minh bạch và phân cấp trách nhiệm rõ ràng, tiếp đó mới đến cách giải quyết với từng thủy điện.
Đành rằng thủy điện đem lại cho đất nước sáu nghìn tỷ đồng mỗi năm, nhưng phải xem lại lợi hại chỗ nào. Nếu không giải quyết được dứt điểm như thế thì năm nào cũng lặp lại tình trạng mùa khô thì “đánh nhau” vì nước, mùa mưa thì lũ cuốn trôi người, tài sản.