ThienNhien.Net – Đây là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải trong buổi làm việc với các nhà máy thủy điện cùng lãnh đạo các Bộ, ngành và tỉnh Quảng Nam.
Sáng 20/11, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã về kiểm tra tình hình thiệt hại do lũ lụt gây ra trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Tỉnh nói: Xả lũ đúng quy trình
Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam báo cáo Phó Thủ tướng, trận lũ vừa qua thủy điện xả lũ đúng quy trình.
Ông Võ Văn Điềm, Phó GĐ Sở NN-PTNT Quảng Nam cho biết: “Trong đợt lũ này, các nhà máy thủy điện phối hợp cơ bản tốt đối với tỉnh Quảng Nam. Phía thủy điện thường xuyên thông báo về cho Ban chỉ huy PCLB việc xả lũ. Riêng thủy điện Đắk Mil 4 xả lũ với lưu lượng 3.900 m3/s trong ngày 15/11 là không nghe theo công điện của tỉnh. Trước đó, ngày 13/11, tỉnh đã yêu cầu phải xả lũ vì có đợt mưa lớn để điều tiết lũ. Thế nhưng, Đắk Mil 4 không chịu xả, vẫn tích nước, cho đến ngày 15/11 nước thượng nguồn đổ về với lưu lượng lớn thì mới xả”.
Còn ông Nguyễn Ngọc Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho hay: Đợt lũ gây thiệt hại 112 tỷ đồng. Trong việc thủy điện xả lũ, thủy điện A Vương làm rất tốt điều tiết lũ, thủy điện Đắk Mil 4 nên học hỏi. Trận lũ gây thiệt hại lớn, đề nghị Chính phủ hỗ trợ Quảng Nam sớm khắc phục hậu quả.
Huyện nói: Không
Khác với những quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Trúc, Chủ tịch huyện Đại Lộc cho rằng, từ đầu năm đến nay Đại Lộc gánh chịu 4 đợt lũ lụt, thủy điện xả lũ gây tổng thiệt hại cả 4 đợt lũ hơn 244 tỷ đồng.
Trong đó, đợt lũ ngày 15 – 17/11, các nhà máy thủy điện Đắk Mil 4, Sông Tranh 2, A Vương, Sông Bung 4 trút xuống vùng hạ du 7.000 – 8.000 m3/s đã khiến 16/18 xã huyện Đại Lộc chìm ngập trong nước.
Do nước về quá nhanh khiến nhiều người dân trở tay không kịp, cũng vì thế, thiệt hại sau lũ là rất lớn. Lịch sử chưa có lần nào nước trên sông Vu Gia trong vòng 2 tiếng đồng hồ từ báo động 1 lên báo động 3.
Tại huyện Đại Lộc, thủy điện xả lũ khiến nhiều xã bị thiệt hại rất nặng nề như Đại Phong, Đại Mỹ.
Đặc biệt, xã Đại Hưng phía đầu xã bị sạt lở nghiêm trọng, cuối xã đất cát lấp ruộng đồng có nơi dầy 2 m. Hiện có 83 hộ dân ở Đại Hưng nếu không sớm di dời thì dễ bị nước lũ cuốn trôi lúc nào không hay.
Ngoài ra, khi chưa có thủy điện ở thượng nguồn có mưa lớn cũng phải mất 3 ngày nước mới về đến hạ du nhưng nay mưa chỉ một ngày cộng với thủy điện xả lũ đã ập về ngay.
“Huyện Đại Lộc đề nghị Chính phủ sớm hỗ trợ vốn xây dựng tuyến đường tránh lũ vùng Đại Lộc B để người dân có đường chạy lũ. Bên cạnh đó hỗ trợ xây dựng tuyến đê kè qua xã Đại Phong, tuyến đê kè Giao Thủy, xã Đại Hòa tránh những thiệt hại đáng tiếc xảy ra”, ông Trúc kiến nghị.
Tại buổi làm việc, nhiều lãnh đạo các bộ ngành cho rằng, thủy điện thông báo xả lũ trước 2 tiếng đồng hồ như vừa qua là quá ít, với thời gian này người dân hạ du trở tay không kịp. Thủy điện phải thông báo trước 6 giờ đồng hồ, thậm chí hơn. Đặc biệt, thủy điện Đắk Mil 4, Sông Bung 4 phải có hệ thống cảnh báo lũ. Ngoài ra khi có công điện của tỉnh yêu cầu thì các hồ phải xả lũ, tránh việc chờ lũ về mới xả.
Hầu hết ý kiến đề nghị Chính phủ chỉ đạo các nhà máy thủy điện có nghĩa vụ đối với vùng hạ du, như huyện Đại Lộc mỗi năm thủy điện gây thiệt hại 200 – 300 tỷ đồng, nhưng thủy điện chưa có trách nhiệm đối với huyện này.
Lắng nghe các ý kiến, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng: Hồ thủy điện, thủy lợi xả lũ là chuyện bình thường nhưng xả làm sao không gây thiệt hại cho người dân. Miền Trung nằm ở địa hình ngắn, dốc, trong khi hồ chứa lại chỉ có dung tích nhỏ, do đó phải có quy trình xả lũ để cắt giảm, điều tiết lũ. Yêu cầu các nhà máy thủy điện trên địa bàn thông báo đầy đủ, kịp thời, chính xác việc xả lũ và xả lũ đúng quy trình để hạn chế ngập lũ cho vùng hạ lưu.
“Thủy điện Đắk Mil 4, Sông Tranh 2, Sông Bung 4 chúng ta phải đánh giá xem xét có xả đúng quy trình hay không. Nếu sai quy trình sẽ xử lý ngay. Ngoài ra, xả đúng, xả sai thì cũng phải có đánh giá, nếu đúng thì các thủy điện khác học hỏi, sai thì khắc phục sửa chữa liền. Chúng ta phải theo dõi vừa rồi các hồ cắt được lũ thì cắt như thế nào để các hồ khác làm theo. Sau một đợt lũ phải đánh giá lại. Tiến tới điều hành các hồ chứa nhịp nhàng, khoa học, hiệu quả”, Phó Thủ tướng nói.