ThienNhien.Net – Chiều 21-11, trả lời chất vấn trước QH, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thẳng thắn thừa nhận những tồn tại, hạn chế yếu kém của thủy điện như xả lũ gây thiệt hại cho hạ lưu, gây bức xúc trong dân; đồng thời đưa ra 3 nhóm giải pháp khắc phục.
Trong phiên trả lời chất vấn Quốc hội (QH) chiều 21-11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Chính phủ đang yêu cầu rà soát một lần nữa các dự án thủy điện để hoạt động của thủy điện phải đảm bảo cùng lúc các mục tiêu đem lại hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội, hiệu quả môi trường sinh thái và phải đảm bảo an toàn.
Ngừng ngay các thủy điện không an toàn
Trả lời chất vấn của các đại biểu (ĐB) Trần Thị Dung (Điện Biên) và ĐB Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) về thực hiện quy hoạch thủy điện và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng để tránh tình trạng các bên đổ lỗi cho nhau khi thủy điện xả lũ gây thiệt hại cho hạ lưu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thẳng thắn thừa nhận đây là những tồn tại, hạn chế yếu kém của thủy điện, gây bức xúc trong dân.
Thủ tướng nhìn nhận những yếu kém này có nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân chủ quan do sự yếu kém trong quản lý nhà nước của Chính phủ, chính quyền địa phương là chính. Khi QH thông qua Nghị quyết về vấn đề thủy điện tại phiên họp này, Chính phủ sẽ tiếp thu triển khai thực hiện với tinh thần tiếp tục phát huy hiệu quả tích cực của thủy điện và thực hiện các giải pháp đồng bộ để khắc phục nhanh những tồn tại, hạn chế, yếu kém.
Về giải pháp khắc phục, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết Chính phủ đã thống nhất giải pháp đối với 3 nhóm công trình thủy điện.
Cụ thể, đối với các nhà máy đang vận hành (268 nhà máy), phải rà soát đánh giá lại an toàn hồ đập, nếu không an toàn phải ngừng ngay hoạt động. Rà soát quy trình vận hành hồ chứa để kịp thời bổ sung vì trong thực tế có thể phát sinh những vấn đề ngoài dự báo do tác động của thời tiết, khí hậu. Quy trình này phải được công khai cho người dân biết.
Chính phủ cũng yêu cầu các địa phương buộc chủ đầu tư thực hiện đúng quy trình vận hành hồ chứa, ai thực hiện không đúng quy trình sẽ xử lý nghiêm, kể cả xử lý trách nhiệm hình sự nếu thiếu trách nhiệm, cố ý làm trái. Công tác hỗ trợ hộ nghèo vùng tái định cư và trồng lại rừng cũng được Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết liệt thực hiện.
Đối với nhóm 205 dự án đang khởi công xây dựng mới (tổng công suất 6.200 MW), Chính phủ đã chỉ đạo rà soát đánh giá thiết kế kỹ thuật để đảm bảo an toàn khi vận hành, nếu chưa an toàn phải dừng lại để bổ sung. Quy trình vận hành hồ chứa của các dự án này phải sớm hoàn thành để các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Đối với nhóm 248 dự án chưa khởi công, Chính phủ yêu cầu tăng cường quản lý chặt chẽ hơn, trách nhiệm cụ thể cao hơn. Bộ Công Thương được giao quản lý tổng thể quy hoạch này. Dự án nhóm B, C trước khi phê duyệt phải báo cáo xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ. Đối với dự án nhóm A, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải lập Hội đồng thẩm định cấp Nhà nước để thẩm định dự án.
Kiểm soát chặt các dự án lọc hóa dầu
Trả lời ĐB Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) về câu hỏi có hay không hội chứng nhà máy lọc dầu, cho xây nhà máy lọc dầu ở cả địa phương không có dầu, Thủ tướng khẳng định Chính phủ kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả các dự án lọc hóa dầu. Hiện nay, Chính phủ đã có quy hoạch về phát triển nhà máy lọc dầu ở nước ta đến năm 2020 và định hướng đến 2025 với các dự án hhà máy lọc dầu Dung Quất đang vận hành tốt, dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) công suất 10 triệu tấn/năm đã khởi công, nhà máy lọc dầu Phú Yên công suất 8 triệu tấn đã cấp phép, nhà máy lọc dầu số 3 tại Bà Rịa – Vũng Tàu đang kêu gọi đầu tư. Bên cạnh đó có dự án ở Cần Thơ nằm trong quy hoạch nhưng có khả năng rút giấy phép do chủ đầu tư gặp khó khăn.
Riêng dự án ngoài quy hoạch, chỉ có 1 dự án do 1 tập đoàn lớn của Thái Lan xin đầu tư dưới sự giới thiệu của chính phủ Thái Lan với công suất 30 triệu tấn/năm ở Khu kinh tế Nhơn Hội (Bình Định). Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho lập báo cáo tiền khả thi để phía Việt Nam xem xét, nếu bảo đảm pháp luật Việt Nam, có lợi cho quốc gia và nhà đầu tư theo đúng quy định thì sẽ xem xét bổ sung vào quy hoạch.
Cắt bỏ ung nhọt tham nhũng
Quan tâm đến công tác phòng chống tham nhũng khi chất vấn trực tiếp Thủ tướng chiều 21-11, ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị) nhắc lại việc tại cuộc tiếp xúc cử tri Hải Phòng, Thủ tướng khẳng định với cử tri rằng tham nhũng là ung nhọt trên một cơ thể, dù đau đớn cũng phải cắt bỏ và hỏi Thủ tướng sau 2 nhiệm kỳ đã đề nghị hoặc trực tiếp cắt bỏ được bao nhiêu ung nhọt tham nhũng.
Cùng bức xúc trước tình trạng tham nhũng của đất nước, ĐB Huỳnh Thị Khá (Trà Vinh) nói dư luận cho rằng kết quả thực hiện công tác phòng chống tham nhũng còn nhiều hạn chế. Các vụ việc chủ yếu được phát hiện qua báo chí và đơn thư tố cáo, còn phát hiện qua công tác thanh tra không đáng kể. ĐB Khá đề nghị Thủ tướng cho biết dư luận như vậy có đúng không, Thủ tướng có giải pháp gì khắc phục.
Tuy nhiên, các chất vấn liên quan tới vấn đề tham nhũng chưa được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời trước QH mà trả lời bằng văn bản do đã hết thời gian.
Trong phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 6 này, người đứng đầu Chính phủ nhận được 14 câu hỏi. Bên cạnh vấn đề thủy điện, các ĐBQH còn tập trung vào các vấn đề khác như đảm bảo ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát khi nới trần bội chi tăng phát hành trái phiếu, phòng chống tham nhũng, quá tải bệnh viện, y đức, nợ đọng văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật.
Do thời gian chất vấn có hạn, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu mỗi ĐBQH chỉ hỏi 1 câu ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề. Tuy nhiên, trong quá trình điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch QH đã nhiều lần phải lên tiếng “Hỏi ngắn gọi thôi đồng chí ơi” hoặc gay gắt hơn là “Xin đồng chí hỏi đi, đừng báo cáo tình hình nữa, QH sốt ruột rồi đấy” để ngắt lời các ĐB hỏi vòng vo.
Trong phần trả lời, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dành gần 10 phút để trả lời vào nhóm vấn đề nợ đọng văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật.