ThienNhien.Net – Miền Trung vừa gánh chịu cơn lũ lịch sử. Trong những ngày mưa lớn, hàng chục hồ thủy điện như những túi nước trên cao đồng loạt xả lũ khiến dân không kịp trở tay.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Đỗ Quang Vinh, Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương), cho rằng: “Kết luận lũ là do thủy điện là chưa thỏa đáng”, rằng “Chưa có nơi nào xả không đúng quy trình cả!”. Trong khi đó, nguyên Chủ tịch tỉnh Quảng Nam Lê Trí Tập cho rằng không thể nói hễ xả lũ đúng quy trình thì thủy điện vô can: “Ai đã làm ra quy trình đó? Các anh ấy chứ ai. Quy trình đó là gì? Một là đủ nước để phát điện, hai là an toàn cho công trình. Cứ đua nhau trữ nước cho đầy hồ, sau đó lũ về bao nhiêu thì xả bấy nhiêu. Không hề nói trong quy trình đó các hồ chứa phải tham gia điều tiết lũ và cắt lũ ở hạ du”.
Bão lụt không phải là điều gì mới với miền Trung. Nhưng lũ bất thường như thế thì không thể đổ hết tội cho thiên tai. Không thiên nhiên nào thò tay bấm nút vận hành hồ thủy điện cả. Việc mưa lớn bất thường, cho dù khiến các nhà máy thủy điện bất ngờ, vẫn có thể dự đoán trước ở mức độ nào đó chứ không thể nói hoàn toàn bị động, bất khả kháng. Từ phát biểu của ông Lê Trí Tập, có thể thấy rằng cái gọi là quy trình xả lũ thực ra chỉ vì lợi ích nhà đầu tư các công trình thủy điện. Tất cả những gì liên quan đến quyền lợi của người dân chỉ là… thông báo xả lũ và không phải bao giờ dân cũng có đủ thời gian để chạy.
Hàng loạt nhà máy thủy điện mọc lên, báo cáo tác động môi trường nào cũng đề cập đến chức năng điều tiết lũ cho hạ du. Những bản báo cáo đầy thuật ngữ và con số vì lý do này, lý do khác có thể qua mặt các cơ quan nhà nước có trách nhiệm bảo vệ môi trường – gồm những nhà chuyên môn được đào tạo và hưởng lương làm điều đó. Thế nhưng với người dân, dù không đủ trình độ và điều kiện tiếp cận để đọc, hiểu các báo cáo ấy, việc xả lũ ồ ạt gây chết người, ngập nhà, điêu đứng nhìn sản nghiệp trôi đi thì không báo cáo nào có thể qua mặt được. Những bản báo cáo hay ho không thay thế được trách nhiệm mù mờ. Những quy trình có vẻ chặt chẽ và nhiều chữ nghĩa không thể cứu vãn tài sản của dân. Và như thế cả niềm tin cũng có thể trôi theo lũ.
Thủy điện ra đời là vì nhu cầu năng lượng của đất nước. Nhưng việc quy hoạch thủy điện không tính tới cái giá phải trả về môi trường, việc xây dựng quy trình tích nước chỉ phục vụ mục tiêu phát điện khiến “thượng điền tích thủy, hạ điền khan”, gây hạn hán; việc xả lũ chỉ để bảo vệ hồ chứa mà không tính tới những mất mát sau đó thì khó mà thuyết phục được dân.
Quy trình phê duyệt thủy điện, quy trình tích nước và xả lũ chỉ có ý nghĩa khi trong quy trình ấy lợi ích của người dân, của xã hội và môi trường cho tương lai được bảo vệ tương đương hoặc cao hơn lợi ích trước mắt của nhà đầu tư. Không thấy quyền lợi của dân trong quy trình thì cái giá phải trả cho thủy điện không chỉ là những cơn lũ.