ThienNhien.Net – Tổ chức Human Rights Watch vừa công bố một báo cáo nghiên cứu, trong đó cho biết tình trạng khai thác gỗ bất hợp pháp và quản lý rừng yếu kém của ngành lâm nghiệp đã khiến Indonesia thất thu ngân sách tới 7 tỷ USD trong giai đoạn 2007-2011, nhiều hơn khoản chi nhà nước dành cho ngành y tế.
Một trong những tác giả chính của báo cáo trên, Emily Harwell, nhấn mạnh rằng vấn đề thiệt hại nói trên sẽ càng đáng lưu tâm khi biết rằng nó không bao gồm khoản thất thu từ gỗ xuất khẩu lậu, và trong cùng kỳ ngân sách của Chính phủ Indonesia chỉ thu được 300 triệu USD tiền thuế từ khai thác gỗ và tái trồng rừng.
Báo cáo còn cho biết, quản lý yếu kém của ngành lâm nghiệp cũng đã góp phần không nhỏ vào thất thu ngân sách của quốc gia lớn nhất Đông Nam Á và đông dân thứ tư thế giới này, khi lên tới hơn 2 tỷ USD năm 2011 – một con số còn cao hơn chi ngân sách nhà nước cho ngành y tế trong cùng kỳ.
Trong sự quản lý yếu kém còn có tác động không nhỏ của yếu tố tham nhũng, mà theo xếp hạng năm 2012 của Tổ chức Minh bạch Thế giới, Indonesia đứng khá thấp ở vị trí 118 trong tổng số 178 quốc gia được khảo sát.
Cuộc điều tra cũng trong năm 2012 của Ủy ban Chống Tham nhũng Quốc gia Indonesia (KPK) cho thấy trong số 20 cơ quan chính phủ ở trung ương, Bộ Lâm nghiệp là cơ quan duy nhất có điểm số thấp hơn tiêu chuẩn tối thiểu về cung cấp dịch vụ công.
Người phát ngôn bộ này, Sumarto Suharno, trong cuộc họp báo về vụ tham nhũng trị giá gần 1 triệu USD liên quan đến khai thác bất hợp pháp và buôn lậu gỗ tại Papua mới đây, cũng đã thừa nhận có sự móc ngoặc giữa cảnh sát và quan chức chính quyền, và những vụ việc như vậy khá phổ biến ở các địa phương giàu tài nguyên rừng ở Indonesia. Tuy nhiên, quan chức này nói rằng thiệt hại nhà nước từ khai thác gỗ bất hợp pháp hiện đã được thu hẹp xuống còn chưa đầy 1.000 tỷ rupiah (87,6 triệu USD) mỗi năm, từ mức 30.700 tỷ rupiah năm 2002, nhờ áp dụng biện pháp giấy chứng nhận xuất xứ đối với gỗ giao dịch trên thị trường.
Ngoài ra, trong báo cáo của mình, Human Rights Watch còn cảnh báo về xu hướng gia tăng chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng ở Indonesia, nhất là phá rừng để khai thác khoáng sản hay trồng cọ dầu.
Chính nhờ mở rộng diện tích trồng cọ dầu mà Indonesia đã trở thành nhà sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới với sản lượng 26 triệu tấn năm 2012, và dự kiến sẽ nâng con số này lên 26,7-27 triệu tấn năm 2013, chưa kể mục tiêu nâng gấp đôi công suất các nhà máy hiện nay vào năm 2015 của ngành công nghiệp giấy Indonesia. Các động thái này sẽ tác động sâu sắc, lâu dài đến rừng, đa dạng sinh học của rừng cũng như đời sống của những cộng đồng sống gần gũi và có sinh kế dựa vào rừng ở Indonesia.