Bài 1: Chuyện riêng Đất Mũi!?
ThienNhien.Net – Tự hào là vùng đất bồi màu mỡ, mỗi năm Đất Mũi Cà Mau lấn thêm ra biển tới mấy trăm mét kéo theo những cánh rừng ngập mặn dày đặc bảo vệ đất liền. Nhưng mấy năm trở lại đây, người dân khu vực đang bất lực nhìn đất đai của mình, sinh kế của mình dần mất đi do bị biển xâm lấn…
Đai rừng biến mất
Ngôi nhà nhỏ của ông Tư Sơn ở Xóm Mũi – cái xóm ở cực nam của tỉnh Cà Mau – mỏng manh như những ngôi nhà khác ở đây sau bốn lần di dời do đai rừng biến mất. Lần này, ông không còn đường lui vì đã tới ranh đất của vườn quốc gia rồi.
55 tuổi, quê ở Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu, ông Tư (Nguyễn Ngọc Sơn) về vùng đất cực nam dựng nhà sinh sống 20 năm nay. Năm lần “ngồi sui”, con cái ra riêng hết nên ông chuyển sang nghề làm lú thay vì làm nghề lưới cho phù hợp tuổi tác – lao động và những biến đổi khác thường từ ngoài biển.
Sắm 100 cái lú, tốn 30 triệu đồng, ông chỉ hy vọng thất cái này vẫn còn cái khác. Làm một giàn lú hoàn chỉnh tốn kém lắm, dù rất muốn nhưng ông không vay được tiền ở ngân hàng. Chòm xóm an ủi: khi mình sống ở vùng quá nhiều rủi ro thì chẳng ngân hàng nào dám cho mượn tiền, phải tự lo liệu thôi!
“Khoảng ba năm nay, bão to, sóng lớn thấy sợ lắm”, ông Tư nói. Dữ tợn như bão số 14 vừa rồi càng sợ hơn. Luôn ám ảnh ông Tư là cơn bão Linda (số 5), vì những cơn bão sau đó khiến cây cả ôm cũng bị tróc gốc. Cả đai rừng ở biển đông và biển tây bị sóng đánh riết tan hoang. Anh Võ Văn Đượm, trước đây làm việc ở công ty du lịch Minh Hải, lập gia đình ở Xóm Mũi từ năm 1990, nói: “Hơn 100 hộ dân sống ở đây luôn lo lắng vì nghề biển ngày càng khó sống, tôm cá ít đi, nhưng tệ nhất là sóng dâng cao và gió dữ tợn hơn… Trai tráng ngao ngán bỏ xứ đi Bình Dương, Đồng Nai kiếm sống khiến nguồn nhân lực tại chỗ đã nghèo càng nghèo hơn”.
Mùa này, con đường tráng nhựa ở Xóm Mũi ẩm ướt, có đoạn sạt lở ăn sâu 1/3 mặt lộ. “5 – 6 năm trở lại đây, triều cường lên cao ngập đường nội bộ khu du lịch Đất Mũi cả thước nước. Nhà cửa từ Xóm Mũi tới kênh Hai Thiện đều phải kê kích lên hết từ tháng 10 tới tết”, anh Đượm, dời nhà ba lần và từng chịu cảnh thức trắng từ 2 – 3 giờ tới sáng vì triều lên, sóng biển dâng cao, nước ngập không còn chỗ ngủ, nói.
Làm gì để có thu nhập và liệu có đê bao, đời bớt khổ hơn? Cả Đượm và ông Tư đều nói rằng có đê chắn thì bớt sợ sóng biển tràn vô nhà. Nhưng nếu sóng biển dâng cao hơn và phải làm đê cao hơn nữa thì chưa biết thế nào vì thách thức đã khốc liệt hơn rồi!
Nước dâng – đất lún
Phó chủ tịch UBND xã Đất Mũi, ông Võ Công Trường, tỏ ra lo lắng: Không biết biến đổi khí hậu sẽ diễn biến phức tạp đến chừng nào nữa? Hai năm vừa qua, mực nước triều đã lên khoảng 6 tấc và có ba trường hợp sạt lở ở khu vực Lạch Vàm, Kênh Đào, Rạch Tàu.
Nước lên hay đất lún? Thực ra khó nói chính xác, nhưng ông Trường có cảm giác cả hai trường hợp đó đều xuất hiện ở Đất Mũi. Dân chúng đã tự làm nhà cao cẳng để tránh cảnh ngập ngụa. Dù vậy, chỗ ở an toàn và sinh kế là chuyện khiến dân Đất Mũi luôn lo lắng khi nói về tương lai. “Ở Vàm Xoáy bị lở hai bên nhưng xã không có tiền để làm kè”, ông Trường cho biết, “Xã chỉ còn cách làm quy hoạch xin bố trí lại dân cư, nghiên cứu cách làm ăn sinh sống của 120 hộ cần dời nhà khỏi vùng nguy hiểm. Nhưng ngay việc thuyết phục dân dời nhà để tránh rủi ro đã khó, kiếm đất làm nền nhà càng khó hơn!”.
Thêm rắc rối
Xã Đất Mũi còn nhiều tài nguyên trên mặt đất như nghêu, sò, cua giống… Dân từ các nơi kéo về đây khai thác tự nhiên, xã không quản lý nổi. Tỉnh phải cho người xuống cơ sở giúp mới ổn định.
Toàn xã có 3.900 hộ dân, 18.000 – 19.000 dân. Khoảng 20% di dân tự do từ các nơi khác đến theo mùa, sống trên ghe hay len lỏi vào rừng tự đốn cây dựng nhà, làm đủ thứ nghề, bắt cá không được thì hầm than… Mọi thứ trở nên rắc rối khi bộ máy nhân sự đang quản lý vườn quốc gia mũi Cà Mau chỉ vỏn vẹn 78 người.
Ở khu vực Đất Mũi, trạm cấp nước phải khoan sâu 220m mới có nước ngọt. Việc khai thác nước ngầm đang là “nghi can” về mối nguy trực tiếp của sụp lún. Nhưng đó không phải chuyện riêng của Đất Mũi nữa. Cà Mau có 1,2 triệu dân, sống trên diện tích đất liền 5.294km2, chiếm 13% diện tích đồng bằng sông Cửu Long. Chương trình quản lý khai thác nước ngầm cho biết đến năm 2020, khối lượng nước ngầm được khai thác khoảng 153.000m3/ngày, trong đó khu vực công nghiệp và đô thị chiếm khoảng 100.000m3. Có vẻ như không ảnh hưởng lớn tới nông thôn?
Trong khi đó, viện Địa kỹ thuật Na Uy (NGI) cho rằng, với tổng lưu lượng bơm hiện nay: 373.000m3/ngày đêm (tổng số giếng: 109.096) có thể là mối đe doạ rất nghiêm trọng. Đặc biệt là khu vực phễu lún và do phân bố các giếng khoan trên diện rộng sẽ khiến Cà Mau ở dưới mặt nước biển trong vài thập kỷ tới. Vấn đề này không giới hạn ở tỉnh Cà Mau.
Tuy nhiên, các nhà khoa học NGI thận trọng nói rằng tình trạng này cần có nhiều dữ liệu khoa học hơn, chắc chắn hơn. “Dù lún hay không tỉnh cũng sẽ quản lý nước ngầm chặt chẽ hơn, sử dụng nguồn nước ngầm hợp lý hơn”, ông Nguyễn Long Hoai, chi cục trưởng chi cục Thuỷ lợi tỉnh Cà Mau, thuật lại câu chuyện của địa phương với các chuyên gia NGI.
(còn tiếp)