ThienNhien.Net – Ông Huỳnh Giác, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận, nhận định như trên trước sự cố vỡ hồ bùn đỏ khi khai thác titan.
Chiều 19-11, đoạn đường bị bùn đỏ tràn ra đã được Công ty CP Đầu tư khoáng sản và Thương mại Bình Thuận cho công nhân dùng máy nạo vét bùn, sau đó phun nước rửa sạch. Tại rừng phi lao ven biển Thuận Quý, bùn bắt đầu khô để lại một lớp dày nhão đỏ rực. Các dòng nước bùn chảy ra biển cũng đang khô, bám dày trên mặt đất ít nhất 7-8 cm.
Trên bờ biển Thuận Quý, bãi cát dài khoảng 500 m bao phủ bởi lớp bùn đỏ đặc nhão, chỗ sâu nhất lên tới nửa mét, rất nguy hiểm cho người qua lại khu vực này vì dễ sụt lún.
Ông Huỳnh Giác, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tỉnh Bình Thuận, cho biết sau khi sự việc xảy ra, Sở đã lập tổ công tác tới hiện trường để khắc phục hậu quả vỡ hồ bùn đỏ và yêu cầu công ty khôi phục sự cố. Vì công ty bị ngừng hoạt động gần 6 tháng qua nên Sở không xác định được lượng bùn chảy ra bên ngoài. Cũng theo ông Giác, hồ bị vỡ có diện tích khoảng 1.500 m2 nhưng do trước ngày xảy ra sự cố có một trận mưa lớn nên cũng khó xác định được khối lượng nước chứa trong hồ.
Mặc dù lượng bùn đỏ đổ vào nhà dân gây ô nhiễm nặng nề nhưng ông Giác lại cho rằng đó là đất cát tự nhiên cộng với bùn thải lâu nay vẫn thải ra tự nhiên, không gây ảnh hưởng gì tới môi trường. “Nếu có ảnh hưởng thì cũng chỉ làm đục nước và ngấm vào mạch nước ngầm. Còn về lượng bùn đỏ trôi ra biển làm đục nước thì vài ba hôm nước sẽ lắng lại thôi” – ông Giác nói.
Về trách nhiệm vỡ hồ, ông Giác khẳng định thuộc về Công ty CP Đầu tư khoáng sản và Thương mại Bình Thuận. Công ty này đã không có bộ phận kiểm tra hồ khi mưa lớn, thậm chí chủ quan trong khắc phục vị trí xung yếu có nguy cơ vỡ. Trong khi đó, hồ chứa ở trên đồi cao 15-20 m, bờ moong (chứa nước để lọc titan) làm bằng bùn đất nên rất dễ sạt lở.
Bên hành lang Quốc hội ngày 19-11, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận, ông Lê Đắc Lâm, cho biết trước đây, ở Bình Thuận đã từng có sự cố vỡ hồ bùn đỏ titan và chủ đầu tư đã khắc phục. Nay lại vỡ hồ, tỉnh Bình Thuận yêu cầu chủ đầu tư phải khẩn trương khắc phục, tạo điều kiện người dân đi lại, sinh hoạt bình thường. Đồng thời phải kiểm tra chặt chẽ quy trình bảo đảm an toàn hồ chứa cũng như có phương án và phương tiện ứng cứu khi gặp sự số.
Suốt ngày 19-11, các phóng viên nhiều lần liên hệ với lãnh đạo Công ty CP Đầu tư khoáng sản và Thương mại Bình Thuận để tìm hiểu thêm thông tin nhưng rất khó tiếp cận. Cuối giờ chiều, khi chúng tôi gọi vào máy di động của ông Tô Tài Tích, tổng giám đốc công ty, thì ông trả lời vỏn vẹn là “đã báo cáo với UBND tỉnh Bình Thuận” rồi… cúp máy!
Trước đó, lúc 8 giờ ngày 18-11, hồ chứa nước thải titan của Công ty CP Đầu tư khoáng sản và Thương mại Bình Thuận (xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận) bất ngờ vỡ toang. Hàng ngàn mét khối bùn đỏ tuôn chảy như nước lũ khắp một vùng rộng khoảng 2 km2. Ba người dân địa phương khi lưu thông qua khu vực này suýt bị bùn cuốn trôi ra biển.
Hôm nay, 20-11, đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Bình Thuận sẽ làm việc với lãnh đạo Công ty CP Đầu tư khoáng sản và Thương mại Bình Thuận để xử lý vụ việc.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang: Bộ không thể ôm hết được! Vấn đề này thuộc về trách nhiệm của địa phương. Cái gì bộ cấp phép thì bộ lo trực tiếp chứ bộ không thể ôm hết được. Các vấn đề lớn thuộc quản lý của bộ như khoáng sản, môi trường phải có thanh tra chuyên ngành kiểm tra, giám sát thường xuyên nhưng nay tổ chức thanh tra chuyên ngành không có và quy định pháp luật hiện hành có vấn đề ở chỗ này. Rất may là chế biến titan cũng đơn giản, không sử dụng hóa chất độc hại mà chủ yếu dùng nước. Th.Dũng |