ThienNhien.Net – Với chủ đề “Phòng chống và cứu trợ thiên tai nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu,” nước chủ nhà Việt Nam đã kêu gọi các nước thành viên trong khu vực Á-Âu cùng chung tay hành động mạnh mẽ ngay từ ngày hôm nay để có thể phòng chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.
Phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị cao cấp ASEM (diễn đàn hợp tác Á-Âu) về phòng chống và cứu trợ thiên tai sáng 18/11, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh: Là một diễn đàn liên khu vực quan trọng hội tụ 51 thành viên của hai châu lục Á-Âu với tiềm năng công nghệ và kinh tế đáng kể, ASEM hoàn toàn có khả năng và có trách nhiệm đóng góp vào nỗ lực chung trong ứng phó thiên tai.
“Bài học thực tiễn cho thấy, mặc dù chúng ta chưa đủ sức để chế ngự các diễn biến bất thường của thiên nhiên, nhưng nếu chúng ta phối hợp chính sách, hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau kịp thời, chúng ta có thể giảm thiểu đáng kể các thiệt hại về người và của,” Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng khẳng định, Việt Nam là một trong những quốc gia nông nghiệp thường chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu và thiên tai, Việt Nam coi trọng và cam kết mạnh mẽ hợp tác quốc tế trong phòng chống và giảm nhẹ thiên tai. Đây là một nội hàm quan trọng của “Chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020”, “Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020” và “Luật Phòng, chống thiên tai” vừa được thông qua tháng 6/2013.
“Chúng tôi chủ trương tích cực tham gia và đóng góp vào nỗ lực chung trên mọi cấp độ hợp tác quốc tế, trong đó có Diễn đàn toàn cầu về giảm nhẹ rủi ro thiên tai, các khuôn khổ hợp tác ASEAN, ASEM, APEC và song phương. Trong tháng 10, chúng tôi vừa tổ chức Diễn tập ASEAN ứng phó thảm họa và cứu trợ nhân đạo,” Phó Thủ Tướng nêu rõ.
Trên cơ sở đó, Phó Thủ Tướng mong rằng tại Hội nghị lần này, các nước thành viên của ASEM sẽ cùng nhau trao đổi, tìm ra những kinh nghiệm điển hình, những bài học thực tiễn và những chính sách hữu ích về giảm nhẹ rủi ro thiên tai.
Bên cạnh đó, Phó Thủ Tướng hy vọng các nước thành viên tham dự Hội nghị cũng sẽ đóng góp những đề xuất phương hướng, xác định các biện pháp cụ thể, những hoạt động thiết thực nhằm sớm triển khai hợp tác ASEM trong lĩnh vực này đồng thời trao đổi, nghiên cứu khả năng sớm thiết lập mạng lưới kết nối các trung tâm, các viện nghiên cứu và các hệ thống cảnh báo sớm thiên tai của các thành viên ASEM với nhau cũng như giữa hai châu lục và với các cơ chế khu vực và quốc tế.
“ASEM cần có hành động chung cụ thể và mạnh mẽ hơn trong việc triển khai ‘Khuôn khổ hành động Hy-ô-gô’ của Liên hợp quốc,” Phó Thủ Tướng nhấn mạnh.
Phát biểu tại Hội nghị bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú Liên Hợp quốc tại Việt Nam cho rằng, trong thế giới toàn cầu hóa, thiên tai không chỉ làm gián đoạn hoạt động của doanh nghiệp tại một địa phương hay một quốc gia, mà còn làm gián đoạn chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu kéo dài nhất trong hơn một thế kỷ qua cũng đang làm giảm đáng kể nguồn lực và khả năng của khu vực trong việc ứng phó và giảm nhẹ thiên tai.
Bà Pratibha Mehta cho rằng, thảm họa thiên tai sẽ là một trong những thách thức an ninh phi truyền thống gay gắt nhất trong thế kỷ này, cản trở nỗ lực nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, phục hồi kinh tế và phát triển kinh tế-xã hội bền vững của từng quốc gia cũng như liên kết kinh tế quốc tế.
Trong 2 ngày (18 và 19/11) diễn ra, Hội nghị tập trung thảo luận về giảm thiểu rủi ro thiên tai và chương trình nghị sự phát triển sau năm 2015, gắn kết nghiên cứu, chính sách và thực tiễn, sáng tạo trong việc xây dựng năng lực phục hồi, và tăng cường hợp tác Á – Âu trong ứng phó thiên tai.
Hội nghị cao cấp ASEM về phòng chống và cứu trợ thiên tai là hoạt động triển khai sáng kiến do Thủ Tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đề xuất và được thông qua tại Hội nghị cấp cao Á-Âu (ASEM) lần thứ 9 tổ chức tại Viêng Chăn (nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào), tháng 11/2012. Đây là sáng kiến ASEM có các thành viên tham gia đồng bảo trợ nhiều nhất, gồm: Philippines, Lào, Indonesia, Đan Mạch, Đức, Hà Lan, Liên minh châu Âu và Pakistan. Hội nghị đã thu hút sự quan tâm và tham dự của khoảng 120 đại biểu từ các thành viên ASEM, chuyên gia của Liên hợp quốc và các cơ quan thuộc Liên hợp quốc và các tổ chức khu vực như Trung tâm giảm nhẹ thiên tai châu Á, Viện chuyển đổi xã hội và môi trường và Cơ quan phát triển của Nhật Bản; cùng đông đảo các Đại sứ, đại diện các Đại sứ quán thành viên ASEM tại Hà Nội. |