ThienNhien.Net – Một trong những thành quả lớn nhất của Hội nghị Thượng đỉnh Liên Hợp quốc về Biến đổi Khí hậu lần thứ 15 (COP 15) năm 2009 tại Copenhagen (Đan Mạch) là cam kết đầu tư tài chính lập quỹ thích ứng và giảm thiểu để giúp các quốc gia đang phát triển khắc phục những hậu quả không thể tránh khỏi của biến đổi khí hậu. Các nước tài trợ đã nhất trí cung cấp một khoản tài chính bổ sung trị giá 30 tỷ USD cho các nước nghèo trong giai đoạn 2010 – 2012, phân bổ đều vào hai mục tiêu giảm thiểu và thích ứng; đồng thời cam kết huy động 100 tỷ USD/năm kể từ năm 2020.
Tuy nhiên, đằng sau thỏa thuận ấy vẫn còn nhiều điều chưa được ngã ngũ: Làm cách nào phân bổ tài chính cân bằng giữa thích ứng và giảm thiểu? Mức độ cân bằng nên chia đều 50/50 hay phụ thuộc vào nhu cầu của từng quốc gia? Tài chính khí hậu có nên bao gồm các khoản đầu tư của cả khu vực công và tư không?
COP 19 diễn ra ở Vacsava (Ba Lan) từ ngày 11 – 22/11/2013 được kỳ vọng sẽ giải đáp được những câu hỏi này. Song bất kể COP 19 đưa ra quyết định phân bổ tài chính như thế nào cũng không thể thay đổi một thực tế là nguồn đầu tư tài chính dành cho thích ứng cần phải tăng lên trong thời gian tới.
Cam kết 100 tỷ USD/năm
Cam kết về gói tài chính khí hậu trị giá 100 tỷ USD/năm kể từ năm 2020 được đưa ra nhằm giải quyết nhu cầu của các nước đang phát triển, nhưng những nhu cầu này thường không giống nhau. Đơn cử, các nước chậm phát triển nhất và các quốc đảo nhỏ đang phát triển – vốn chỉ chiếm khoảng 6% tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu (năm 2010) – cần rất nhiều tiền để khắc phục hậu quả của biến đổi khí hậu, song lại không có nhiều nhu cầu về nguồn tài chính đầu tư cho phát triển các-bon thấp.
Thỏa thuận tại COP 15 chỉ rõ rằng tài chính khí hậu sẽ đến từ nhiều nguồn khác nhau: khu vực công, tư nhân, song phương, đa phương cùng các nguồn tài chính thay thế. Trong đó, các nước phát triển nhấn mạnh cần nỗ lực huy động các khoản đầu tư của khối tư nhân để hoàn thành cam kết 100 tỷ USD. Ngoài ra, vai trò quan trọng của khối này trong hoạt động đầu tư vào công tác giảm thiểu cũng được khẳng định trong báo cáo Toàn cảnh Tài chính Khí hậu năm 2013.
Tuy nhiên đến nay, hiểu biết của chúng ta về phương thức đóng góp của khối tư nhân cho công tác thích ứng ở các nước phát triển vẫn còn hạn chế. Theo nghiên cứu của Viện Môi trường Stockholm, nhìn chung, nguồn tài chính từ khối tư nhân được phân bổ không đồng đều và thường không giải quyết được những nhu cầu cấp thiết nhất của phát triển. Thêm nữa, vì các dự án thích ứng có đặc thù là cung cấp các hàng hóa, dịch vụ thích ứng như giúp phòng chống lũ hoặc tăng khả năng chống chịu… nên càng khó thu hút đầu tư của khối tư nhân.
Làm sao để đạt được sự cân bằng?
Thực tế cho thấy, tài chính từ khu vực công rõ ràng không đạt được sự cân bằng giữa các cam kết giảm thiểu và thích ứng. Theo Báo cáo của Mạng lưới Khí hậu Mở thuộc Viện Tài nguyên Thế giới (WRI), trong số 35 tỷ USD mà các nước đầu tư cho mục tiêu khí hậu, chỉ có 17% dành cho công tác thích ứng.
Trong khi đó, theo thông tin từ trang tin Cập nhật Quỹ Khí hậu, 77% nguồn tiền từ các quỹ đặc biệt, 81% nguồn tiền từ các ngân hàng phát triển đa phương, 56% nguồn tiền từ các nhà tài trợ thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đều đổ vào công tác giảm thiểu.
Mặc dù đang tồn tại một sự mất cân bằng lớn trong những cam kết về tài chính khí hậu, song lộ trình xóa bỏ sự mất cân bằng này vẫn còn hết sức mơ hồ. Cho đến tận bây giờ, các nước vẫn đang cố gắng định nghĩa như thế nào là cân bằng. Để đạt được một kết quả khả quan hơn, các nhà đàm phán tại COP 19 có lẽ nên cân nhắc ba lựa chọn sau:
Thứ nhất, cam kết phân bổ cho hoạt động thích ứng và giảm thiểu từ các nguồn tài chính công theo tỷ lệ 50/50: Đây là cách tiếp cận đơn giản nhất nếu muốn theo dõi và phân bổ tài chính khí hậu trên quy mô toàn cầu. Thế nhưng căn cứ vào dữ liệu gần đây, các nước phát triển về cơ bản sẽ cần tăng thêm nguồn tài chính thích ứng mới mong đạt được sự cân bằng.
Thứ hai, huy động tài chính thích ứng và giảm thiểu theo tỷ lệ 50/50 từ khu vực công và tư nhân: Nguồn đầu tư từ khu vực công thường là động lực thúc đẩy đầu tư tài chính từ khối tư nhân và cả hai đều được đưa vào đánh giá cân bằng. Tuy nhiên, vai trò của khối tư nhân trong việc cung cấp các hàng hóa và dịch vụ thích ứng vẫn còn là một ẩn số bởi theo báo cáo Toàn cảnh Tài chính Khí hậu, không có nhiều thông tin về các dòng đầu tư thích ứng của tư nhân và dường như dòng đầu tư vào giảm thiểu của họ vẫn lớn hơn nhiều so với thích ứng. Do đó, để đạt được sự cân bằng chung, khu vực công nên đầu tư nhiều vào công tác thích ứng thay vì giảm thiểu.
Thứ ba, cân bằng dựa trên nhu cầu: Nghĩa là mức độ cân bằng có thể được xác định ở cấp độ quốc gia. Theo cách tiếp cận này, ở các nước dễ bị tổn thương bởi tác động của biến đổi khí hậu, tài chính khí hậu sẽ chảy vào nhiều dự án thích ứng hơn, còn ở các nước có lượng phát thải cao, tài chính khí hậu sẽ tập trung vào khâu giảm thiểu. Muốn vậy, các quốc gia phải làm rõ họ cần bao nhiêu tiền cho thích ứng, bao nhiêu tiền cho giảm thiểu, nếu không sẽ rất khó nắm bắt và phân bổ tài chính khí hậu trên quy mô toàn cầu.
Cần một định nghĩa hợp lý về cân bằng
Nếu ngày hôm nay chúng ta đầu tư vào công tác giảm thiểu có nghĩa là ngày mai chúng ta sẽ ít phải đầu tư cho thích ứng hơn. Hướng đến một sự cân bằng theo thời gian thay vì theo danh mục đầu tư có vẻ thuyết phục về lý thuyết. Tuy nhiên, một sự cân bằng như vậy cũng không thể làm lu mở sự cần thiết phải đầu tư cho thích ứng.
Ngay cả khi hôm nay chúng ta ngừng phát thải thì nhiệt độ Trái đất vẫn sẽ tăng lên, do đó chúng ta vẫn sẽ cần thích ứng với những tác động của biến đổi khí hậu. Đáng nói là vì các nhu cầu thích ứng ở mỗi quốc gia không giống nhau nên việc theo đuổi một sự cân bằng theo thời gian thay vì địa lý có thể tạo ra những bất công mới giữa các nước. Cộng đồng thế giới phải đưa ra được một định nghĩa hợp lý về cân bằng nhằm đảm bảo các nhu cầu thích ứng được giải quyết thỏa đáng.
Các nhà đàm phán cần đảm bảo rằng sự cân bằng giữa tài chính thích ứng và giảm thiểu ở cấp độ quốc gia là dựa trên nhu cầu cấp thiết của từng nước. Các quỹ toàn cầu như Quỹ Thích ứng hay Quỹ Khí hậu Xanh (GCF) có thể đóng vai trò đáng kể trong việc đảm bảo sự cân bằng này ở cấp độ quốc gia. Tại COP 19, các nhà đàm phán sẽ thảo luận về tương lai của Quỹ Thích ứng và quy mô của quỹ này. Sử dụng Quỹ Thích ứng để tăng hỗ trợ tài chính cho thích ứng và bảo đảm GCF có được nguồn tài chính vững mạnh cho thích ứng là giải pháp hữu hiệu giúp khôi phục sự cân bằng ở cấp độ quốc gia.
Cân bằng giữa thích ứng và giảm thiểu quả là không dễ dàng, song dẫu có cân bằng được hay không thì chúng ta vẫn phải đối mặt với thách thức của biến đổi khí hậu. Trước mắt, các nước phát triển phải tăng động lực tài chính nhằm đáp ứng cam kết 100 tỷ USD/năm vào năm 2020. Và việc định nghĩa “sự cân bằng” một cách đúng đắn chính là bước đi quan trọng giúp đạt được các mục tiêu toàn cầu về tài chính khí hậu.