Việt Nam khởi xướng nghiên cứu tác động thủy điện dòng chính Mê Kông

ThienNhien.Net – Để có được những thông tin và kết luận khoa học về tác động của các công trình thủy điện dòng chính Mê Kông, giúp Việt Nam và các quốc gia thành viên Ủy hội sông Mê Kông (MRC) xem xét ra quyết định, Nghiên cứu tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông đã được Thủ tướng Chính Phủ giao Bộ Tài Nguyên và Môi trường chủ trì thực hiện.

Tập đoàn DHI của Đan Mạch đã được lựa chọn là nhà tư vấn độc lập thực hiện Nghiên cứu này. Đến nay, sau 4 tháng thực hiện, cơ quan tư vấn đã nộp bản thảo Báo cáo khởi đầu thực hiện Nghiên cứu.

Ngày 15/11/2013, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thảo góp ý cho Báo cáo khởi đầu. Đây là phiên thảo luận đầu tiên nằm trong 4 hội thảo dự kiến được tổ chức nhằm thu thập ý kiến, quan điểm của các cơ quan, bộ ngành trung ương; các địa phương Đồng bằng Sông Cửu Long; các chuyên gia trong nước, quốc tế và các tổ chức phi chính phủ về Báo cáo khởi đầu của cơ quan tư vấn. Đại diện bộ ngành và địa phương của Campuchia, đại diện của Lào, Ban thư ký MRC cũng được gửi Báo cáo khởi đầu để có ý kiến góp ý về nội dung rà soát số liệu, mô hình, phương pháp luận, nội dung và cách thức tổ chức thu thập số liệu bổ sung, cách thức thực hiện đánh giá tác động… của Nghiên cứu.

Trước đó, Dự thảo Đề xuất nghiên cứu đã được gửi tới Chính phủ Lào và Campuchia để mời đóng góp ý kiến và tham gia Nghiên cứu. Đáp lại, Chính phủ Campuchia ủng hộ và đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác nghiên cứu với Việt Nam; Chính phủ Lào cũng đã có phản hồi tích cực về đề xuất và đồng ý cử đại diện tham gia Nhóm Kỹ thuật của Nghiên cứu.

Nghiên cứu tập trung vào việc đánh giá các tác động tích hợp của toàn bộ bậc thang các dự án thủy điện trên dòng chính tại khu vực hạ lưu sông Mê Kông lên các hệ thống tự nhiên, kinh tế xã hội của vùng Đồng bằng sông Mê Kông thuộc Việt Nam và vùng Biển Hồ của Campuchia, có tính đến tác động của các dự án thủy điện dòng chính trên thượng nguồn phía Trung Quốc, các công trình chuyển dòng, biến đổi khí hậu và xu hướng sử dụng đất trên lưu vực.

Ba mục tiêu chính của Nghiên cứu bao gồm: xây dựng bộ thông tin, dữ liệu nền về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của lưu vực sông Mê Kông; đánh giá định lượng tác động của các dự án thủy điện được đề xuất trên dòng chính đối với hạ du; và hỗ trợ tìm kiếm sự đồng thuận khi xây dựng kết quả đánh giá tác động, đồng thời đề ra các giải pháp phòng tránh, giảm thiểu tác động.

Nghiên cứu sử dụng cách tiếp cận mô hình đa quy mô, kết hợp với khảo sát thực địa nhằm đặc tả được các đặc tính chung của vùng hạ lưu sông Mê Kông và phản ánh chi tiết tại những điểm khảo sát chuyên biệt.

Bản đồ hệ thống đập thủy điện trên dòng chính Mê Kông (Nguồn: TERRA)
Bản đồ hệ thống đập thủy điện trên dòng chính Mê Kông (Nguồn: TERRA)

Tại Hội thảo góp ý, các đại biểu đánh giá cao việc thực hiện nghiên cứu và cho rằng Báo cáo khởi đầu khá toàn diện, khoa học và chặt chẽ. Tuy nhiên, các ý kiến đặc biệt lưu ý rằng khâu thu thập thông tin và thực hiện khảo sát thực địa của Nghiên cứu cần có những tiêu chí lựa chọn rõ ràng và toàn diện hơn để có được những thông tin đầu vào đầy đủ và đáng tin cậy, làm cơ sở đưa ra kết quả chạy mô hình với độ chính xác cao.

Bên cạnh đó, các chuyên gia tại hội thảo nhấn mạnh sự cần thiết phải xem xét tất cả các yếu tố tác động trên cơ sở quan sát dòng chảy thay đổi ngày/đêm chứ không chỉ theo mùa; đồng thời Nghiên cứu cần có kịch bản các phương án vận hành liên hồ chứa trong bối cảnh mỗi dự án trong số 12 đập thủy điện được đề xuất trên dòng chính là do các nhà đầu tư nước ngoài khác nhau xây dựng và vận hành.

Chủ trì Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thái Lai đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu đối với cơ quan tư vấn về kết quả nghiên cứu. Theo đó, kết quả nghiên cứu phải tạo được cơ sở khoa học cho Việt Nam, Lào và Campuchia đưa ra những thay đổi về quy hoạch, phạm vi và thiết kế của từng dự án cũng như của toàn bộ hệ thống bậc thang nếu cần thiết nhằm đảm bảo tránh những tác động nghiêm trọng có thể xảy ra đối với hạ du.

Sau quá trình tham vấn, các ý kiến đóng góp sẽ được cơ quan tư vấn DHI ghi nhận để có những điều chỉnh cần thiết và dự kiến Báo cáo khởi đầu sẽ được phê duyệt vào cuối năm nay. Theo kế hoạch, Nghiên cứu sẽ được thực hiện trong thời gian 30 tháng, từ tháng 6 năm 2013 đến tháng 12 năm 2015.

Bạch Dương/Diễn đàn Đầu tư