ThienNhien.Net – Nhà nước chỉ thu cổ tức sau khi DN đã trích lập, cho cả Quỹ Đầu tư phát triển và vẫn đảm bảo quyền lợi của người lao động.
Ngày 12/11, Quốc hội đã thông qua hai nghị quyết quan trọng về điều chỉnh dự toán ngân sách 2013 và kế hoạch năm 2014. Trong đó, nội dung quan trọng là cho phép điều tiết nguồn cổ tức và lợi nhuận của doanh nghiệp nhà nước vào ngân sách.
Bên lề kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh trả lời báo chí làm rõ hơn một số nội dung còn có nhiều cách hiểu khác nhau.
PV: Quốc hội vừa thông qua nghị quyết về dự toán ngân sách, cho phép thu cổ tức, lợi nhuận của doanh nghiệp nhà nước về ngân sách. Chính phủ sẽ tiến hành hướng dẫn thu của các đối tượng nào, và thu những khoản gì, thưa Phó Thủ tướng?
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh: Có hai đối tượng điều tiết, thứ nhất là cổ tức được chia năm 2013 cho phần vốn nhà nước của các công ty cổ phần (CTCP) có vốn góp của nhà nước do Bộ, ngành, địa phương đại diện chủ sở hữu. Đồng thời, thu phần lợi nhuận còn lại sau khi trích nộp các quỹ theo quy định của pháp luật của các Tập đoàn, TCT nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ.
PV: Như vậy là các doanh nghiệp nhà nước hiện do Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đang làm đại điện vốn chủ sở hữu, không thuộc diện phải nộp tiền về cho ngân sách, đặc biệt là khoản tiền gửi tại ngân hàng như nhiều Đại biểu kiến nghị?
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh: Các doanh nghiệp nhà nước đang do SCIC đại điện vốn chủ sở hữu hầu hết là các DN nhỏ và vừa, cổ tức và phần thu về thực tế nếu có cũng không lớn. Trong nghị quyết của Quốc hội cũng đã nói rõ các DN này không thuộc diện phải điều tiết về ngân sách.
PV: Ngay trong năm 2013 này chúng ta sẽ thu được bao nhiêu và khi nào thu, thưa ông?
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh: Quốc hội đã có nghị quyết rồi thì ngay trong tháng này Chính phủ sẽ ra văn bản hướng dẫn, sau khi Bộ Tài chính trình. Nguồn tiền này mỗi năm một khác, phụ thuộc vào tình hình sản xuất, kinh doanh và làm ăn của doanh nghiệp. Năm nay trong bối cảnh khó khăn, dự kiến không lớn lắm, chỉ có khoảng 6.000 đến 6.500 tỉ đồng thôi.
PV: Liệu có khó khăn gì trong quá trình thu không, và nguồn tiền này được sử dụng như thế nào?
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh: Thực ra vấn đề này không có gì quá phức tạp. Nguồn tiền này là phần cổ tức và lợi nhuận của các doanh nghiệp sau khi trích lập các Quỹ như Đầu tư phát triển, Quỹ dự phòng… Trước kia theo nghị quyết Trung ương 3 quy định, nguồn vốn thu được từ cổ phần hóa doanh nghiệp, từ lợi nhuận không cân đối chi ngân sách mà tăng cường đầu tư cho doanh nghiệp, dành cho các đơn vị cần tăng vốn, giúp doanh nghiệp mạnh, làm ăn tốt lên, từ đó có sản phẩm phục vụ đất nước, nền kinh tế và có thêm nguồn lực đóng góp cho nền tài chính cho quốc gia. Tất nhiên, nguồn này doanh nghiệp muốn tăng vốn thì cũng phải xin phép, có sự phê duyệt mới được tăng, nay nó có sẵn ở đó rồi thì điều tiết về cho ngân sách để tăng cường đầu tư công, cho các công trình cần hoàn thành sớm, quan trọng.
PV: Chủ tịch Tập đoàn Than khoáng sản Trần Xuân Hòa lo ngại, nếu thu khoản này về thì các Tập đoàn, TCT không có tiền đầu tư, dự án được phê duyệt có nguy cơ bị chậm tiến độ, không hoàn thành. Như vậy ai chịu trách nhiệm?
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh: Nguồn tiền được thu về không “đụng” vào các quỹ của Tập đoàn, TCT hay các doanh nghiệp nhà khác. Chúng ta vẫn để nguyên, chỉ thu sau khi trích lập, trong đó có cả Quỹ Đầu tư phát triển rồi. Kể cả quyền lợi của người lao động tại các đơn vị này cũng không bị ảnh hưởng gì. Bởi như tôi đã nói, trước kia nó là nguồn tiền để nhà nước tăng vốn, tăng tiềm lực cho doanh nghiệp nhà nước thôi. Nay khó khăn, tạm thời chưa tăng, để dùng vào ngân sách, đầu tư công.
PV: Xin cảm ơn ông!
DN Nhà nước sẽ gặp khó với các dự án đầu tư trung hạn? Trước đó, Chủ tịch Tập đoàn Than Khoáng sản Trần Xuân Hòa bày tỏ băn khoăn khi thu khoản cổ tức này: “Chúng tôi hiểu sẽ thu cả những phần lợi nhuận dành cho đầu tư ở các tập đoàn, các tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước”. Ông Hòa dẫn chứng: 19 năm qua kể từ khi thành lập Tổng công ty than và nay là Tập đoàn công nghiệp than khoáng sản Việt Nam, từ chỗ với vốn điều lệ của nhà nước giao hơn 4.000 tỷ với sản lượng ban đầu là 4 triệu tấn than. Sau 19 năm, đến nay Tập đoàn Công nghiệp than khoáng sản đã sản xuất được hơn 40 triệu tấn than và nâng vốn chủ sở hữu lên gần 35.000 tỷ. Ngoài ra, còn hỗ trợ cho các ngành khác bằng việc bán 20 năm liền sản phẩm than dưới giá thành rất xa. Bây giờ chúng ta lại thu lại phần này sẽ làm cho vấn đề phát triển của các tập đoàn, tổng công ty doanh nghiệp nhà nước chắc chắn sẽ rất nhiều khó khăn và chúng ta lại quay lại cơ chế xin cho. Bởi vì kế hoạch hàng năm và kế hoạch 5 năm cũng như kế hoạch 10 năm Chính phủ đã phê duyệt cho các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước. Ví dụ, với Tập đoàn Than Khoáng sản, năm nay chúng tôi làm 42 triệu tấn than, 2015 theo kế hoạch là phải đảm bảo 50 triệu, 2020 là 60 triệu và 2025 là 65 triệu tấn than. Đồng thời, đầu tư cho 3 nhà máy điện lớn ở Nghệ An 1.200 MW, nhà máy điện ở Hải Phòng 2.400 MW. Ngoài ra, tổ hợp luyện kim sắt Thạch Khê, các dự án ở Tây Nguyên, dự án mở rộng gấp đôi công suất nhà máy đồng ở Lào Cai, nhà máy sản xuất Nitrat amon ở Thái Bình… cũng đang chờ vốn. “Với những dự án như vậy thì kế hoạch Chính phủ đã phê duyệt hàng năm tập đoàn phải đầu tư vào đó khoảng 36.000 – 40.000 tỷ đồng. Như vậy, chúng tôi phải có vốn đối ứng. Nếu chỉ 20% thôi thì đã là 8.000 tỷ. Bây giờ dự kiến bình quân lãi suất lợi nhuận hàng năm để lại thì chưa đáp ứng được 10% mà Chính phủ lại thu lại thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm trong việc đảm bảo các dự án đã được Chính phủ phê duyệt, thực hiện đúng tiến độ” – ông Hòa nói. |