ThienNhien.Net – Sau thảm họa thiên nhiên kinh hoàng vừa xảy ra ở Philippin, thế giới đang nín thở hướng về Hội nghị Thượng đỉnh Liên Hợp quốc về Biến đổi Khí hậu lần thứ 19 (COP 19) mong chờ một cái kết có hậu, đưa COP ra khỏi những bế tắc trong lịch sử.
Một trong những vấn đề được hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận trong phiên họp lần này là quyết định liên quan đến phương thức hỗ trợ các nước dễ bị tổn thương bởi tác động của biến đổi khí hậu, nhất là vấn đề huy động tài chính cho Quỹ Khí hậu Xanh (GCF), cơ chế hoạt động của các quỹ đền bù và thích ứng biến đổi khí hậu. Đặc biệt, Hội nghị năm nay được kỳ vọng sẽ thông qua giai đoạn cam kết thứ hai của Nghị định thư Kyoto sau khi Nghị định thư này hết hạn vào năm ngoái.
Tại Hội nghị, đại diện các quốc gia đang và kém phát triển tham dự COP 19 cũng kêu gọi các nước phát triển vốn được cho là nguyên nhân chủ yếu gây nên tình trạng nóng lên toàn cầu loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch, chuyển hướng sang các loại hình năng lượng tái tạo, ứng dụng công nghệ sử dụng hiệu quả năng lượng và nỗ lực cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Môi trường Ba Lan Marcin Korolec, Chủ tịch mới của COP 19, nhìn nhận rằng biến đổi khí hậu sẽ thực sự biến thành một vấn nạn nếu chúng ta không phối hợp hành động, ngược lại, nó sẽ trở thành cơ hội nếu chúng ta đoàn kết lại. “Một đất nước hay một nhóm nước liên kết lại có thể không tạo ra sự thay đổi, song cả nhân loại cùng đoàn kết thì không có gì là không thể” – ông khẳng định.
Bangladesh – một trong những nước dễ bị tổn thương nhất trước những tác động của biến đổi khí hậu – cũng hy vọng tương lai của GCF sẽ được ấn định tại Hội nghị lần này và mong muốn các vấn đề về quỹ đền bù và tái định cư cho những nạn nhân chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu sớm được các bên thống nhất.
Thêm một tiếng nói thu hút sự quan tâm của COP 19, đồng thời thức tỉnh lương tri của cả nhân loại tiến bộ là bài phát biểu đầy xúc động của ông Yeb Saño, trưởng đoàn đàm phán Philippin. Cố nén đau thương sau những gì siêu bão Haiyan gây ra với người dân Philippin, ông kêu gọi COP phải theo đuổi đến cùng mục tiêu khí hậu cho tới tận khi đạt được những kết quả ý nghĩa nhất: “Đây là Hội nghị các bên lần thứ 19 nhưng chúng ta có lẽ không nên đếm nữa, bởi vì đất nước tôi không chấp nhận việc chúng ta cần đến COP 30 hay COP 40 mới giải quyết biến đổi khí hậu”.
Trưởng đoàn Philippin cũng đồng thời thể hiện niềm tin vào ý chí chính trị cũng như những nỗ lực tuyệt đối của các nhà lãnh đạo tại Vacsava: “Chúng ta phải dùng tiền đúng lúc đúng chỗ. Tôi kêu gọi các bạn hãy dẫn dắt chúng tôi. Và để Ba Lan mãi được biết đến là nơi chúng ta thật sự quan tâm tới việc chấm dứt sự điên rồ này. Liệu nhân loại có tận dụng được cơ hội này? Tôi vẫn tin chúng ta có thể”.
TS Alicia Ilaga, thành viên phái đoàn Philippin, trong một cuộc họp báo về những kỳ vọng của xã hội dân sự với COP 19, cho biết mỗi năm, đất nước của bà phải hứng chịu khoảng 22 trận bão. “Vì thế, chỉ có tài chính khí hậu mới có thể giúp chúng tôi tiếp tục khắc phục những tổn thất, thiệt hại. Các nước phát triển đã hết lòng ủng hộ và sẻ chia nỗi đau cùng chúng tôi sau siêu bão Haiyan, song điều chúng tôi cần hơn là những hành động thực tế và hữu ích”.
Bà Tasneem Essop, đại diện Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF), cũng chia sẻ sự đồng tình với quan điểm của TS Alicia Ilaga. Bà cho rằng giờ đây tất cả chúng ta đều không muốn thấy sự chùn bước mà chỉ muốn nhìn thấy sự công bằng và kêu gọi Vacsava nhanh chóng gây dựng lại lòng tin đã mất giữa các quốc gia dễ bị tổn thương và các nước đủ tiềm lực hỗ trợ họ.
Các vòng đàm phán đầu tiên của COP 19 đang được khởi động đúng lúc nhân loại vừa phải chứng kiến hậu quả khủng khiếp từ một thảm họa thiên nhiên. Hy vọng nhiều nhưng thách thức cũng không ít. Liệu COP 19 có vượt qua được mối bất đồng lợi ích giữa các quốc gia để đạt được những bước tiến nổi bật không hay tiếp tục lặp lại thất bại của 18 Hội nghị trước? Đây vẫn còn là câu hỏi lớn đang được chờ đợi tại COP 19 này.
Chính sách phát triển nhiệt điện của nước chủ nhà bị chỉ trích Tại một cuộc họp báo bên lề COP 19, Chính phủ Ba Lan đã bị chỉ trích nặng nề về việc cho phép các công ty nhiên liệu hóa thạch tham gia các cuộc đàm phán vào tuần tới. Theo bà Julia Michalak thuộc Mạng lưới Khí hậu Toàn cầu (CAN), nếu Chính phủ Ba Lan muốn gây dựng lại tín nhiệm trên trường quốc tế, nước này phải chứng minh được vai trò của mình trong các cuộc đàm phán năm nay bằng cách từ bỏ kế hoạch xây các mỏ than mới, ủng hộ hành động khí hậu của Liên minh Châu Âu (EU), bao gồm cả những cuộc thảo luận xoay quanh mục tiêu giảm ô nhiễm các-bon đầy tham vọng vào năm 2030. Bà cho hay, hiện có tới 70% người Ba Lan ý thức được rằng cần phải gìn giữ môi trường vì tương lai của các thế hệ sau nhưng Chính phủ của họ thì chẳng buồn bận tâm về điều đó. “Họ đang đại diện cho doanh nghiệp thay vì cho nhân dân” – bà nói. Đáp lại những chỉ trích trên, tại một cuộc họp báo khác trong khuôn khổ COP 19, bà Beata Jaczewska, trưởng đoàn đàm phán của nước chủ nhà Ba Lan, phân trần: Đối với một nước phụ thuộc vào than như Ba Lan thì khó có thể thay đổi được gì chỉ trong một sớm một chiều. Ba Lan đang nỗ lực sử dụng năng lượng hiệu quả thông qua việc cắt giảm ô nhiễm ở những nhà máy điện cũ, lạc hậu và xây các nhà máy điện mới sử dụng công nghệ sạch hơn, thân thiện hơn với môi trường. Mặc dù vẫn theo đuổi các loại hình nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt là than, song cũng phải thừa nhận trong vòng 25 năm qua, cùng với bước tăng trưởng đáng kể về kinh tế, Ba Lan cũng đã đạt được một số thành tựu nhất định trong việc cắt giảm lượng phát thải CO2. |