Giữa chừng bị thu hồi đất rừng cao su

ThienNhien.Net – Hơn 20 năm đầu tư, các hộ dân bỗng dưng bị UBND tỉnh Tây Ninh ra văn bản thu hồi gần 150 ha cao su đang thu hoạch để làm… khu dân cư

Vừa qua, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh đã tổ chức buổi họp với các hộ dân đang trồng gần 150 ha cao su tại ấp Bùng Binh, xã Hưng Thuận, huyện Trảng Bàng để thông báo văn bản của UBND tỉnh Tây Ninh về chủ trương thu hồi mảnh đất trên làm khu đô thị dịch vụ Bùng Binh. Theo đó, các hộ dân chỉ được ký hợp đồng thuê đất với UBND huyện Trảng Bàng đến hết tháng 6-2017.

Hợp đồng 50 năm, chỉ còn 25 năm

Từ năm 1992, ông Hà Minh Đỏ, Giám đốc Nông trường Cao su Bời Lời (huyện Trảng Bàng) ký hợp đồng kinh tế với nhiều hộ dân về việc giao đất trồng cao su ở ấp Bùng Binh. Thời hạn giao đất bằng chu kỳ tăng trưởng của cây cao su là 50 năm. Theo hợp đồng, nông trường giao đất rừng tái sinh và thiết kế lô hoàn chỉnh, hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng và khai thác. Người dân phải đầu tư san ủi mặt bằng, trồng, chăm sóc, khai thác đúng quy trình kỹ thuật và bán toàn bộ sản phẩm cho nhà nước; ngoài ra, nộp phí quản lý 1%/năm cho nông trường.

Rừng cao su được người dân đầu tư nhiều công sức nhưng sắp bị thu hồi để làm khu dân cư (Ảnh: www.nld.com.vn)
Rừng cao su được người dân đầu tư nhiều công sức nhưng sắp bị thu hồi để làm khu dân cư (Ảnh: Hồng Thúy/www.nld.com.vn)

Sau hơn 20 năm đầu tư, đến nay, các hộ dân trồng cao su được UBND tỉnh Tây Ninh thông báo sau thời hạn tháng 6-2017, UBND huyện Trảng Bàng sẽ thu hồi khu đất trên để thực hiện quy hoạch chi tiết khu đô thị dịch vụ Bùng Binh. Theo UBND tỉnh Tây Ninh, hợp đồng kinh tế giữa Nông trường Cao su Bời Lời và các hộ dân về việc giao đất để trồng cao su với thời hạn 50 năm là không đúng thẩm quyền theo quy định của Luật Đất đai.

Về vấn đề trên, ông Hà Minh Đỏ cho rằng nếu theo Luật Đất đai thời điểm hiện tại thì sai nhưng chính quyền nên xem xét hoàn cảnh vào thời điểm năm 1992. Lúc đó, nếu không có sự chỉ đạo của huyện thì nông trường sẽ không dám ký hợp đồng giao đất cho người dân. Trong khi trước đó, khu đất này chỉ trồng cây điều, mía và không có hiệu quả. “Trong suốt quá trình làm giám đốc nông trường đến khi bàn giao việc quản lý đất khu vực Bùng Binh cho UBND huyện Trảng Bàng, không thấy ai nói tôi sai. Hơn 20 năm sau mới nói đến việc này thì tôi đành chịu” – ông Đỏ nói.

Cần giải quyết hợp cả tình lẫn lý

Sau khi có thông báo của UBND tỉnh Tây Ninh, phần lớn hộ dân đang thuê đất ở khu vực Bùng Binh không chịu ký lại hợp đồng với UBND huyện Trảng Bàng. Ông Nguyễn Quang Bội, người trồng cao su, nói: “Nếu ký hợp đồng với thời hạn 3 năm thì vô tình chúng tôi phủ nhận hợp đồng cũ có thời hạn 50 năm. Chúng tôi đã đầu tư biết bao tiền của, công sức vào mảnh đất này. Đến khi vườn cao su đang thu hoạch thì bỗng dưng bị thu hồi đất, chúng tôi phải sống thế nào?”.

Theo ba Huỳnh Thị Lan Phương, người trồng cao su, hợp đồng giữa gia đình bà với Nông trường Cao su Bời Lời có giá trị pháp lý. Nếu nông trường sai thì nhà nước có trách nhiệm giải quyết. “Hơn 20 năm đầu tư hàng tỉ đồng để mảnh đất khô cằn thành vườn cao su tươi tốt mà nay bị thu hồi thì quá thiệt thòi cho chúng tôi” – bà Phương bức xúc. Nhiều hộ dân khác đặt vấn đề nếu UBND tỉnh Tây Ninh cho rằng hợp đồng giao đất không đúng thẩm quyền thì sao không sớm chỉ ra để người dân khỏi phải tốn bao công sức gầy dựng vườn tược. Sau 20 năm mới nói hợp đồng sai thì cuộc sống sau này của người dân sẽ như thế nào?

Được biết năm 2000, UBND tỉnh Tây Ninh đã có văn bản đề nghị Nông trường Cao su Bời Lời giao cho UBND huyện Trảng Bàng quản lý khu đất trên và đã yêu cầu huyện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho người dân. Thế nhưng, suốt 13 năm qua, việc cấp sổ đỏ cho người dân vẫn không được chính quyền huyện Trảng Bàng thực hiện. Trong khi đó, nhiều mảnh đất tại đây đã được người dân sang nhượng với sự chứng nhận của chính quyền xã Hưng Thuận.

Thắc mắc của người dân về vấn đề sẽ thu hồi đất vào năm 2017 vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng. Các hộ dân trồng cao su tại ấp Bùng Binh kiến nghị UBND tỉnh Tây Ninh nên có chính sách đền bù thỏa đáng cho họ nếu thu hồi đất hoặc cho họ tiếp tục trồng cây cao su và có nghĩa vụ đóng thuế đối với nhà nước.

Lãnh đạo huyện đều bận họp và học

Chiều 6-11, phóng viên Báo Người Lao Động mang những thắc mắc của các hộ dân trồng cao su đến gặp ông Nguyễn Văn Lam, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Trảng Bàng, thì bị từ chối trả lời. “Chúng tôi chỉ là người “gác cổng” cho UBND huyện, không được phép trả lời, có gì thì làm việc với chánh văn phòng UBND huyện” – ông Lam nói.

Thế nhưng, khi phóng viên Báo Người Lao Động đến UBND huyện Trảng Bàng thì không được lãnh đạo nào tiếp vì tất cả đã… đi họp hoặc đi học.