ThienNhien.Net – Lượng lương thực thế giới sản xuất mỗi ngày hoàn toàn đủ cho tất cả cư dân toàn cầu. Tuy nhiên, thực trạng hiện nay lại cho thấy một sự thật hoàn toàn ngược lại: một tỷ người vẫn đang bị đói, hai tỷ người khác nằm trong tình trạng suy dinh dưỡng.
Đó là những ước tính được nhắc đến tại Diễn đàn Đổi mới – sinh thái lần thứ 15 với chủ đề “Cắt giảm lãng phí: sử dụng hiệu quả nguồn lực và đổi mới sinh thái trong các chuỗi luơng thực bền vững”, khai mạc sáng 12/11 tại Hà Nội. Diễn đàn do Tổng cục Môi trường thuộc Uỷ ban châu Âu cùng với Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc (UNEP) phối hợp tổ chức.
Diễn đàn Đổi mới – sinh thái năm nay gồm 6 phiên, diễn ra trong hai ngày 12 và 13/11, tập trung giới thiệu 18 trường hợp nghiên cứu điển hình trong việc chế biến, đóng gói và bán lẻ lương thực tiêu biểu đã được triển khai trong các doanh nghiệp lương thực ở châu Âu và châu Á.
Trong phiên khai mạc hôm nay, 12/11, các diễn giả đi sâu vào vấn đề 1/3 khối lượng sản xuất lương thực tiêu dùng bị thất thoát, ngay từ khâu thu hoạch, chế biến đến tiêu dùng.
Theo TS Đặng Kim Sơn, Giám đốc Viện chính sách và chiến lược Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (IPSARD) Việt Nam, trong số các khu vực, châu Á có tỷ lệ thất thoát lương thực cao nhất, chiếm tới 56%.
Ông cũng cho biết: “Cách đây ít ngày, với việc chào đón công dân thứ 90 triệu, Việt Nam đã trở thành nước có dân số cao thứ 15 thế giới. Nghĩa là đang đối diện trước áp lực lớn về nhu cầu lương thực. Trước tình hình ấy, Việt Nam vẫn nỗ lực tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực và phát triển chuỗi giá trị nông sản bền vững”.
Từ góc nhìn đó, PGS Han Shi, Đại học City (Hồng Kông), đưa ra luận điểm về việc thúc đẩy sử dụng tài nguyên đúng cách sẽ đem lại “bước tiến lớn”, tạo ra phương hướng sử dụng nguồn lực hiệu quả. Ông nhận định: “Lấy người tiêu dùng làm trọng tâm chính là nền tảng cho việc đổi mới sinh thái”.
Các diễn giả khác cũng cho rằng việc đổi mới sinh thái và sử dụng hiệu quả nguồn lực có thể cắt giảm lãng phí lương thực, thực phẩm, nhằm tăng cường chính sách tập trung vào chuỗi cung ứng thực phẩm và tình trạng lãng phí lương thực.
Theo bà Rosa Rolle, cán bộ cấp cao của Tổ chức Nông Lương Liên Hợp quốc (FAO), việc giải quyết tình trạng lãng phí lương thực phải được ưu tiên hàng đầu trên toàn cầu.
“Để làm được điều đó, chúng ta cần đưa vào quá trình sản xuất những thiết bị công nghệ hiện đại trong việc chế biến lương thực, thực phẩm sạch và an toàn”, bà nhấn mạnh.
Ngày mai, Diễn đàn sẽ tiếp tục với hai phiên cuối: “Mở rộng quy mô sử dụng hiệu quả nguồn lực, đổi mới sinh thái” và “Nâng cao năng lực doanh nghiệp”.