ThienNhien.Net – Sau khi bão lũ đi qua, người dân vùng bị thiên tai khẩn trương khắc phục hậu quả, song đang phập phồng lo sợ dịch bệnh bùng phát vì môi trường và nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm nghiêm trọng. Rác từ các nơi theo nước lũ đổ về. Hàng chục ngàn tấn rác tấp vào bờ biển khiến bãi biển bị ô nhiễm trầm trọng. Do vậy việc xử lý nước phục vụ ăn uống và sinh hoạt là việc làm cấp bách.
Mới đây các nhà khoa học Viện Công nghệ Môi trường đã đưa ra công nghệ xử lý nước cho người dân vùng lũ bằng công nghệ nano bạc gắn trên vật liệu silica. Máy lọc nước này có giá thành thấp, không cần điện, chỉ cần có áp lực tự nhiên của nước là máy có thể làm việc bình thường. Cần có những đánh giá thực tế để lựa chọn công nghệ phù hợp và an toàn này, so với sử dụng Chloramine B khử trùng như lâu nay.
Nhiều năm nay người dân vùng lũ thường lọc nước theo cách truyền thống là dùng phèn và chloramine B. Trước tiên cho phèn vào nước để làm sạch nước, sau đó lọc qua vải rồi mới cho chloramine B để khử trùng. Cách này rẻ, xử lý nhanh và dễ sử dụng. Song cần tuân thủ đúng hướng dẫn kỹ thuật, trước khi dùng chloramine B phải dùng phèn làm sạch nước trước. Nếu dùng chloramine B mà không dùng phèn sẽ không hiệu quả. Cũng không sử dụng đồng thời cả phèn và chloramine B. Không lạm dụng và chỉ nên dùng trong thời gian có mưa lũ. Khi mưa lũ rút, cần nhanh chóng thau rửa giếng để đảm bảo có nguồn nước sạch sử dụng.
Tổng cục Môi trường vừa cảnh báo nguồn nước ngầm chiếm 35 – 50% tổng lượng nước cấp sinh hoạt cho các đô thị trên toàn quốc hiện đang suy giảm trữ lượng và ô nhiễm nghiêm trọng. Đó là lý do cần phổ biến tới người dân vùng lũ, cả ở thành phố và nông thôn cách bảo quản giếng nước, nguồn nước trước khi bão lũ.
Hiện nước ngầm đang phải đối mặt với xâm nhập mặn trên diện rộng, ô nhiễm vi sinh, ô nhiễm kim loại nặng, dấu hiệu ô nhiễm coliform vượt quy chuẩn cho phép từ hàng trăm đến hàng nghìn lần. Tình trạng ô nhiễm phốt phát (P-PO4) cũng có xu hướng tăng theo thời gian.
Để bảo vệ nguồn nước, các chuyên gia môi trường nước cho rằng: Cần lập hành lang bảo vệ nước, gồm hồ chứa thủy điện, thủy lợi; hồ tự nhiên, nhân tạo ở các đô thị, khu dân cư; hồ, ao lớn có chức năng điều hòa; đầm, đầm phá; sông, suối, kênh, rạch là nguồn cấp nước, trục tiêu nước hoặc có tầm quan trọng… UBND tỉnh sẽ chịu trách nhiệm cắm mốc chỉ giới và quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước, xác định và công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt trong phạm vi địa phương theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Chính quyền phải công bố thông tin chất lượng nguồn nước sinh hoạt, cảnh báo hiện tượng bất thường về chất lượng các nguồn nước…