ThienNhien.Net – Rừng phòng hộ Dầu Tiếng ở huyện Tân Châu (Tây Ninh) đang bị người dân ngày đêm lấn chiếm nhưng lực lượng giữ rừng gần như bất lực.
Theo chân lực lượng tuần tra rừng, chúng tôi vào tiểu khu 43. Khi đến gần vùng lõi, chúng tôi đã nghe tiếng máy cày ầm vang giữa rừng. Chợt một chiếc xe máy trơ khung xương rú ga vượt lên mất hút. Mấy phút sau, tiếng máy cày im bặt.
Trong tiểu khu 43, chúng tôi gặp những rẫy mì xanh mướt giữa rừng. Gần đó là một cái chòi tạm, máy cày còn ướt đất, những đường cày mới tinh kéo dài từ rẫy tới ruộng lúa dưới trảng ngập nước nhưng không thấy ai.
Các lực lượng giữ rừng được giao nhiệm vụ không để xảy ra các vụ lấn chiếm mới nhưng rừng vẫn bị lấn chiếm, các rẫy mì tiếp tục mở rộng theo kiểu “dầu loang”. Từ các rẫy cũ, người dân lấn chiếm bằng cách khoanh vỏ cây, rong nhánh cây rừng làm cây rừng chết dần. Khi cây chết khô, họ đốn hạ, bứng gốc, san bằng rồi trồng mì lan ra.
Tại tiểu khu 43, quanh các rẫy mì có nhiều cây khô đã bị đốn hạ nhưng chủ rẫy chưa kịp dọn dẹp. Nhiều cây rừng mới vừa bị cắt vỏ, rong nhánh đang héo dần, có những cây có đường kính gần nửa mét… Những cây này sẽ chết từ từ và sẽ bị xóa sổ vào một đêm nào đó. Trong các tiểu khu 44, 47, 49, 48, 37, 522, tình trạng diễn ra tương tự. Nhiều khoảng trống vừa được dọn sạch cây rừng, những vạt mì non vừa được trồng mới. Đi đến đâu chúng tôi cũng không gặp một bóng người, dù dấu vết cày cuốc còn rất mới.
Anh Phùng Văn Mết, người giữ rừng, cho biết: Người dân thường vào rừng vào ban đêm, làm từ rẫy này qua rẫy khác theo kiểu đổi công, phân công người cảnh giới. Họ có mạng lưới “tình báo” dày đặc, cử người theo dõi các chốt 24/24, nhất cử nhất động của chốt gần như đã bị bắt bài. Nếu may mắn bắt được lâm tặc, khi trở ra có khi vỏ xe, ruột xe đã bị cắt, thậm chí xe bị đốt, dính bẫy đinh…
Trong số các rẫy mì, ruộng lúa nói trên có cái đã tồn tại trước khi thành lập rừng phòng hộ (năm 1986) nên các ngành chức năng huyện Tân Châu khó xử lý dứt điểm. Ông Nguyễn Văn Liêm, trưởng ấp Con Trăn (xã Tân Hòa), cho biết: Ấp có 134 hộ dân thì có hơn 90% hộ có “truyền thống” làm rẫy trái phép trong rừng phòng hộ và tiếp tục mở rộng diện tích xâm lấn đất rừng. Xã có vận động nhưng không có kết quả. Nếu bứt họ khỏi rừng, chưa biết sẽ ổn định cuộc sống của họ như thế nào.
Trong rừng phòng hộ Dầu Tiếng, ngoài những rẫy mì, lúa của người dân còn có nhiều héc-ta cao su “vô chủ” mà chúng tôi từng đề cập. Tuy nhiên, đến nay những “rẫy” cao su vẫn mặc nhiên tồn tại cùng với việc người dân ngày đêm lấn chiếm đất rừng, với đà này không biết bao lâu nữa thì rừng phòng hộ bị xóa?
Năm 2011, tỉnh Tây Ninh chủ trương giao cho các hộ dân trồng rừng để giải quyết việc làm và không phá rừng. Tuy nhiên, nhiều hộ dân sau khi hợp đồng trồng rừng đã ra tay rong nhánh, chặt cây rừng để lấy đất trống trồng mì, cao su. Nhiều người khác cũng ăn theo, vào rừng chặt cây, lấn chiếm đất.
Khi bắt quả tang người dân phá rừng, cơ quan chức năng cũng khó xử lý, thường chỉ xử phạt hành chính. Nếu nhổ bỏ mì trên đất lấn chiếm phải lập đoàn cưỡng chế đủ các thành phần nên rẫy cũ chưa xử lý xong, nhiều rẫy mới đã xuất hiện. |