Cố tình xả thải gây ô nhiễm: Cần xử lý hình sự?

ThienNhien.Net – Dư luận vẫn băn khoăn vì nhiều công ty cố tình vi phạm nghiêm trọng nhưng không thấy bị xử lý nghiêm khắc.

Bị phạt tới 10 lần, nhưng có lẽ số tiền phạt quá ít, nên Công ty Hào Dương vẫn ngang nhiên tái phạm xả thải ra môi trường.

Tiếp sau vụ chôn thuốc trừ sâu gây ô nhiễm môi trường của Công ty Nicotex Thanh Thái đóng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, cái tên Công ty Hào Dương đang tiếp tục là tâm điểm chú ý của dư luận. Suýt soát 10 lần bị xử phạt do đổ nước xả thải gây ô nhiễm môi trường nhưng Công ty Hào Dương vẫn chứng nào tật ấy. Liệu đến lần tiếp theo vừa bị phát hiện, Công ty này có còn ngang nhiên thách thức pháp luật hay không?

Một động thái rất tích cực là UBND TP HCM vừa tổ chức họp báo và khẳng định, thành phố kiên quyết xử lý những sai phạm của công ty Hào Dương để quản lý, chứ không phải là vì sức ép của dư luận. Theo đó, trong vòng 6 tháng bị đình chỉ hoạt động, nếu Công ty Hào Dương không trang bị hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn, Công ty cổ phần Khu công nghiệp Hiệp Phước sẽ chấm dứt hợp đồng cho thuê đất với Hào Dương. Điều này có nghĩa là Công ty Hào Dương vĩnh viễn không được hoạt động sản xuất tại đây nữa. UBND thành phố cũng chỉ đạo UBND huyện Nhà Bè cưỡng chế 8.000m2 nhà xưởng do Hào Dương xây không phép mà UBND thành phố đã xử phạt.

Lãnh đạo thành phố cũng giao Thanh tra thành phố thanh tra toàn diện Hào Dương vì công ty có dấu hiệu có những vi phạm khác ngoài vấn đề môi trường.

Dư luận hy vọng, những động thái tích cực này sẽ buộc Công ty Hào Dương phải nghiêm túc nhìn nhận những sai phạm và chấm dứt những hành vi coi thường pháp luật của mình.

 

Công ty Hào Dương xả thải gây ô nhiễm môi trường
Công ty Hào Dương xả thải gây ô nhiễm môi trường

Nhìn lại những lần vi phạm của Công ty này mới thấy một kẽ hở rất lớn trong quản lý. Tính từ năm 2009 tới nay, Công ty này bị xử phạt hành chính về các hành vi liên quan tới vi phạm pháp luật về môi trường ít nhất 9 lần.

Lần nặng nhất là vào tháng 8/2012, UBND TP HCM từng ra quyết định phạt công ty này 340 triệu đồng đối với 4 vi phạm về bảo vệ môi trường, trong đó lỗi bị phạt cao nhất 120 triệu đồng vì để lò nấu mỡ vi phạm về xả thải vượt tiêu chuẩn cho phép trên 5 lần. Gần đây nhất, trong tháng 10/2013, UBND TPHCM tiếp tục xử phạt Công ty Hào Dương 75 triệu đồng.

Bị phạt tới 10 lần, lần nào cũng bị phạt tiền, nhưng có lẽ “số tiền” quá ít, không thấm tháp gì so với lợi nhuận mà công ty này thu được và dường như đó chỉ là “phạt cho tồn tại” nên Công ty này vẫn ngang nhiên tiếp tục tái phạm.

Điều đáng nói là hành vi vi phạm của Hào Dương hết sức bài bản. Theo lời khai nhận của một trong số những người trực tiếp vận hành hệ thống xả thải của Công ty Hào Dương thì mỗi khi các bể lắng đầy, người điều hành Công ty ra lệnh qua bộ đàm yêu cầu vận hành đường ống xả thải. Mỗi đêm xả từ lúc 22h, xả liên tục trong 3-4 giờ, với lượng nước thải độc hại chưa qua xử lý ước tính khoảng hàng trăm mét khối một đêm.

Chỉ như vậy cũng đủ hình dung mức độ nguy hại mà Công ty này gây ra cho môi trường và sức khỏe của người dân xung quanh nghiêm trọng đến mức nào. Nhưng thật đáng tiếc là các hình thức xử phạt lại quá “nhẹ”, không đủ sức răn đe.

Từ vụ việc của Công ty Hào Dương, lật lại những vụ việc trước đây như vụ nổi cộm Vedan- gây ô nhiễm môi trường trên sông Đồng Nai hay vụ TungKuang- Hải Dương hay mới đây nhất là vụ Nicotex Thanh Thái, cho thấy, dường như chưa vụ nào bị xử lý hình sự nên các doanh nghiệp vẫn ngang nhiên coi thường pháp luật và thách thức công luận.

Hiện nay, chúng ta đã có luật để xử lý hình sự các vụ vi phạm môi trường nghiêm trọng nhưng dư luận vẫn băn khoăn, không hiểu vì sao những người có trách nhiệm lại hầu như không xử lý hình sự các vi phạm pháp luật về môi trường? Đây cũng điều mà đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa – đoàn TP HCM đưa ra trước Quốc hội.

Với động thái tích cực của TP HCM và với những nội dung mà Quốc hội đang bàn thảo, trong đó có các vấn đề xã hội, dư luận kỳ vọng vào những biện pháp xử lý mạnh đối với các Công ty Hào Dương và Nicotex Thanh Thái. Có như vậy mới làm gương cho những công ty khác và không có đất cho những hành vi vô tư xả thải gây ô nhiễm môi trường, công khai thách thức, coi thường pháp luật.