ThienNhien.Net – Chiều 6/11, trình bày tờ trình về Dự án Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) sửa đổi trước QH, Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang cho hay việc sửa đổi dự luật là hết sức cần thiết, nhằm kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.
“Đầu tư cho BVMT là đầu tư cho phát triển bền vững. Vì thế, cần phải khắc phục tư tưởng chạy theo các lợi ích trước mắt về kinh tế mà hy sinh những lợi ích lâu dài về môi trường” – ông Quang nhấn mạnh.
Ông Quang cũng cho hay dự thảo đã bổ sung quy định về việc định kỳ quan trắc, đánh giá chất lượng nước và trầm tích của các lưu vực sông. Đồng thời, quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành và chính quyền địa phương trong việc BVMT những dòng sông. Ngoài ra, để tránh tình trạng dự án sau khi có chủ trương đầu tư mới bị phát hiện tác động xấu đến môi trường buộc phải dừng, gây lãng phí cho xã hội và doanh nghiệp (dự án Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A là một điển hình), dự luật đã bổ sung quy định đối với các dự án lớn, có khả năng tác động nhiều mặt tới môi trường phải lập báo cáo đầu tư, việc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) cần được tiến hành hai bước: ĐTM sơ bộ và ĐTM.
Nêu quan điểm của cơ quan thẩm tra, Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường (KH-CN&MT) cho rằng cần nghiên cứu, rà soát quy định này để bảo đảm thực sự không phát sinh thủ tục hành chính và khắc phục được việc gây lãng phí cho chủ đầu tư và xã hội. Ủy ban KH-CN&MT cũng đề nghị cần nghiên cứu lại quy định về khởi kiện và bồi thường thiệt hại về môi trường. Bởi theo BLDS, thời hiệu khởi kiện về đòi bồi thường thiệt hại là hai năm kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân bị xâm phạm. Nhưng thực tế có nhiều thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây ra khi phát hiện thì đã hết thời hiệu khởi kiện. Vì vậy, Ủy ban trên đề nghị nên có quy định thời hiệu khởi kiện, yêu cầu bồi thường thiệt hại về môi trường trong luật này theo hướng: thời hiệu khởi kiện là hai năm tính từ thời điểm tổ chức, cá nhân phát hiện quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.
Cùng ngày, nêu quan điểm của cơ quan thẩm tra về quy định cấp giấy phép xây dựng trong Dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi, Ủy ban KH-CN&MT cho rằng việc dự thảo bổ sung quy định chặt chẽ hơn về cấp giấy phép xây dựng là cần thiết để làm cơ sở cho việc quản lý xây dựng công trình. Tuy nhiên, cũng cần phải bổ sung những quy định bảo đảm tạo điều kiện thuận lợi cho mọi tổ chức, cá nhân trong quá trình xin cấp giấy phép xây dựng. Đặc biệt phải công khai, minh bạch, bình đẳng, đơn giản hóa thủ tục hành chính.