Khai thác khoáng sản: Cấp phép tràn lan, quản lý chồng chéo

ThienNhien.Net – Việc quản lý tài nguyên khoáng sản ở Việt Nam đang tồn tại nhiều bất cập khiến tài nguyên cạn dần, nguy hại hơn, sức công phá đối với môi trường không hề nhỏ.

Cấp phép tràn lan

Báo cáo của Bộ Tài Nguyên và Môi trường cho thấy, hiện cả nước phát hiện được khoảng 5.000 mỏ, điểm quặng với trên 60 loại khoáng sản. Tính đến tháng 5-2013, cả nước có 79 giấy phép thăm dò khoáng sản do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp; 503 giấy phép khai thác khoáng sản do các cơ quan Trung ương cấp còn đang hoạt động, chưa kể 4.200 giấy phép do UBND các tỉnh, thành cấp đang có hiệu lực.

Theo báo cáo của Viện Giám sát nguồn thu (RWI) về chỉ số quản trị tài nguyên năm 2012, đánh giá sự minh bạch và trách nhiệm của ngành khai thác khoáng sản tại 58 quốc gia, Việt Nam xếp thứ 43, với 41 điểm trên thang điểm 100.

Số lượng giấy phép được cấp nhiều như vậy nhưng theo ông Lại Hồng Thanh, Cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường), chỉ khoảng 30-40% số DN, tổ chức và cá nhân khai thác khoáng sản báo cáo định kỳ, song ngay cả thông tin trong báo cáo cũng chưa đầy đủ, chưa chính xác. Bởi vậy, Nhà nước không kiểm soát được sản lượng khai thác thực tế của DN, đồng nghĩa với việc không nắm được thực trạng tài nguyên khoáng sản, nguồn lực phát triển đất nước.

Số lượng giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản đang khá lớn, nhưng lực lượng, kinh phí cho công tác thanh tra, kiểm tra của Trung ương cũng như địa phương chưa đáp ứng yêu cầu. Do đó, trung bình 2 năm mới thanh tra, kiểm tra định kỳ một lần nên hoạt động khai thác khoáng sản trái phép còn diễn ra khá phổ biến ở nhiều địa phương.

071113_bieudo

Nhấn mạnh đến vai trò cấp phép của địa phương, ông Phạm Gia Túc, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, các dự án khai thác khoáng sản chủ yếu do địa phương cấp phép, nhưng khả năng quản lý giám sát của địa phương lại rất yếu.

Dẫn chứng cho nhận định của mình, ông Túc cho hay, trong chuyến làm việc tại Tuyên Quang, lãnh đạo tỉnh cho biết có DN khai thác tại địa phương mỗi năm chỉ nộp ngân sách 5 tỷ đồng, nhưng con đường đi qua khu mỏ đó thì bị hỏng nặng. Tỉnh này lại phải bỏ ra 30 tỷ đồng để sửa chữa. “Hiện các hoạt động điều tra thăm dò cơ bản chưa tốt, cấp phép có vấn đề, quản lý giám sát bị buông lỏng gây tác động tiêu cực đến môi trường và hiệu quả kém”, ông Túc nói.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Mai Xuân Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy Ban kinh tế của Quốc hội cho biết, sau khi khảo sát ở nhiều nơi khai thác khoáng sản, các đại biểu Quốc hội nhận thấy ở đâu có hoạt động khai thác khoáng sản thì ở đó môi trường bị tàn phá, hạ tầng yếu kém dần và đời sống người dân nghèo đói. Nguyên nhân của tình trạng này được ông Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Công an lý giải rằng, việc phân cấp quản lý tài nguyên khoáng sản như hiện nay dẫn đến việc khó quy trách nhiệm.

“Bất cập là ở chỗ luật pháp không làm rõ trách nhiệm quản lý tài nguyên khoáng sản cho ai. Không cá nhân nào phải chịu trách nhiệm trước dân”, ông Lê Văn Cương cho hay.

Gắn trách nhiệm cho từng cấp

Với tình trạng quản lý chồng chéo như hiện nay, các chuyên gia cho rằng, nên thống nhất việc quản lý tài nguyên khoáng sản về một mối. “Việc gì cũng cần một đầu mối, một cơ quan và người đứng đầu phải có trách nhiệm. Việc quản lý này phải giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường”, ông Lê Văn Cương nói. Theo đó, khi đã gắn trách nhiệm phải giao đủ quyền cho họ và dứt khoát phải tạo điều kiện để tập thể, cá nhân đó thực hiện, nếu làm không tốt thì sẽ xử lý nghiêm.

Bên cạnh đó, theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, quản trị tài nguyên khoáng sản hiệu quả đang là một xu thế mà nhiều quốc gia trên thế giới đang nỗ lực thúc đẩy. Sáng kiến minh bạch ngành công nghiệp khai khoáng (viết tắt là EITI) được xem như là một trong những công cụ hữu ích để giúp các quốc gia quản lý tốt hơn tài nguyên thiên nhiên.

Ông Phạm Quang Tú, Phó Viện trưởng Viện Tư vấn phát triển thì cho rằng, khi tham gia EITI sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam như: Quản lý tài nguyên khoáng sản tốt hơn, sử dụng tốt hơn, hiệu quả hơn; tăng nguồn thu/giảm thất thoát cho ngân sách quốc gia; nâng cao vị thế của Việt Nam, tăng khả năng cạnh tranh và thúc đẩy đầu tư nước ngoài; tạo được hệ thống cơ sở dữ liệu tốt cho ngành khai khoáng; hỗ trợ tích cực trong thực hiện các chủ trương, chính sách về minh bạch, trách nhiệm giải trình, phòng chống tham nhũng… ở Việt Nam.

Khai thác khoáng sản trái phép tại huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (Ảnh: ThienNhien.Net)
Khai thác khoáng sản trái phép tại huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (Ảnh: ThienNhien.Net)

Mặc dù EITI được cho là một giải pháp khá tích cực trong giai đoạn hiện nay đối với công tác quản trị tài nguyên khoáng sản nhưng theo nhiều các chuyên gia, muốn tham gia EITI, Việt Nam cần phải có quyết tâm chính trị như: Cần có cá nhân “cao cấp”, có uy tín thúc đẩy EITI, hay nói cách khác cần một cá nhân của một cơ quan đi theo suốt quá trình EITI để hiểu và thực thi quá trình này ở Việt Nam, sau đó là quyết định và cam kết của Chính phủ (tài chính, pháp lý và sự tham gia của nhóm đa bên) về EITI.

Ông Matthieu Solomon, Quản lý chương trình Đông Nam Á, Viện Giám sát nguồn thu (RWI) khuyến nghị một số biện pháp nhằm cải thiện minh bạch và trách nhiệm giải trình như: Xây dựng chính sách yêu cầu công khai thông tin trong lĩnh vực dầu khí, khoáng sản; đảm bảo các cơ quan xây dựng pháp luật công bố đầy đủ và đúng hạn báo cáo về hoạt động dầu khí, khoáng sản; công khai các hợp đồng ký kết với công ty khai khoáng, yêu cầu và công bố báo cáo tác động môi trường và xã hội, giải quyết các hạn chế trong quản trị DN nhà nước và minh bạch…

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh: 

Có vấn đề lợi ích nhóm trong khai thác khoáng sản. Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép ít nhưng địa phương cấp phép nhiều. Đặc biệt nhiều mỏ, nếu xét về tổng thể là mỏ lớn, phải được Trung ương đồng ý, nhưng người ta lách luật bằng cách chia nhỏ ra để địa phương cấp. Năng lực giám sát yếu, pháp luật chưa hoàn thiện đang làm cho tài nguyên chảy vào túi một nhóm người chứ không phải là tất cả. Khai thác khoáng sản vừa làm cho người dân phải chịu ô nhiễm môi trường, đói nghèo, trong khi tài nguyên bị lấy đi thì khai thác để làm gì, cho ai.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Linh Ngọc:

Chính phủ, các bộ, ngành liên quan trong lĩnh vực khoáng sản trong thời gian tới cần tiếp tục ban hành các văn bản hướng dẫn, xây dựng các cơ chế, chính sách, hoàn thiện thể chế, bộ máy quản lý đến việc thực thi của các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản. Bằng những hành động thiết thực, cụ thể, nguồn tài nguyên khoáng sản được quản lý có hiệu quả mới thực sự phát huy vai trò quan trọng của các loại tài sản này cho sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.