Thảo cầm viên Sài Gòn đăng cai hội nghị vườn thú Đông Nam Á

ThienNhien.Net – Hội nghị thường niên lần thứ 21 của Hiệp hội các vườn thú Đông Nam Á với chủ đề “Các vườn thú Đông Nam Á cùng nhau phát triển” sẽ diễn ra tại TP.HCM từ ngày 18 đến 20.11.2013.

Đây là lần thứ 3, Thảo cầm viên Sài Gòn (TCV) đăng cai hoạt động này. Ngoài 80 đại biểu là các nhà khoa học và quản lý các vườn thú trong nước, sẽ có khoảng 80 đại biểu các vườn thú đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ đăng ký tham dự.

051113_thaocamvien1
Khách tham quan chuồng sư tử khánh thành sáng 1.6.2013 (Ảnh: sgtt.vn)

Các báo cáo khoa học chính của hội nghị sẽ xoay quanh những nội dung sau: Chăn nuôi thú y và thú y vườn thú; Tiếp thị và giáo dục vườn thú; Đa dạng sinh học và bảo tồn; Thiết kế vườn thú và làm phong phú môi trường; Tiêu chuẩn đạo đức trong chăm sóc động vật; Nhân giống và tập tính động vật…

Hiệp hội các vườn thú Đông Nam Á (SEAZA) là một tổ chức phi chính phủ, ra đời năm 1990 tại Bogor, Indonesia. Đến nay, đã có 12 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia thành viên, bao gồm: Brunei, Campuchia, Hong Kong, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Đài Loan, Thái Lan và Việt Nam.

Mục đích của SEAZA là tăng cường khả năng của các vườn thú khu vực Đông Nam Á phục vụ bảo tồn động vật hoang dã, giáo dục và giải trí cho công chúng, nhằm tăng cường tiêu chuẩn, tình trạng và hình ảnh đối với công chúng của các vườn thú này. Những hoạt động thường xuyên của tổ chức này hướng đến: Khuyến khích sự hợp tác giữa các vườn thú trong và ngoài khu vực; động viên và hỗ trợ phát triển các chương trình giáo dục nhằm nâng cao ý thức bảo tồn; khuyến khích các chương trình nhân giống bảo tồn; hỗ trợ các chương trình quản lý và nghiên cứu nguyên vị động vật hoang dã…

Khỉ sóc (tên khoa học Saimiri sciureus) sống ở rừng nhiệt đới dọc theo lưu vực sông Amazon (Nam Mỹ) được Thảo Cầm Viên tiếp nhận hồi cuối năm 2012 (Ảnh: sgtt.vn)
Khỉ sóc (tên khoa học Saimiri sciureus) sống ở rừng nhiệt đới dọc theo lưu vực sông Amazon (Nam Mỹ) được Thảo Cầm Viên tiếp nhận hồi cuối năm 2012 (Ảnh: sgtt.vn)

Theo ông Phan Việt Lâm – giám đốc TCV đồng thời là phó chủ tịch SEAZA, TCV là một trong những thành viên sáng lập SEAZA vào năm 1990. Từ năm 1999 đến nay, TCV luôn có đại diện là ủy viên Ban chấp hành của hiệp hội. Hàng năm, TCV đền có cử đoàn cán bộ khoa học tham gia các hội nghị do hiệp hội tổ chức, thực hiện một số trao đổi động vật giữa TCV và các vườn thú trong khu vực, tham gia các chương trình điều phối sinh sản động vật. Hiện nay, Thảo Cầm Viên Sài Gòn là nơi giữ sổ cái dữ liệu loài báo lửa của các vườn thú trong SEAZA.

Ngoài ra, TCV cũng thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học hỗ trợ cho việc bảo tồn nguyên vị động vật hoang dã như: nghiên cứu huyết học ở các loài gấu, nhân giống một số động vật quý hiếm như báo lửa, cầy vằn, trĩ sao, cá sấu nước ngọt, vượn má vàng… , tham gia nghiên cứu phục hồi động vật rừng ngập mặn Cần Giờ…

Ông Lâm cho biết thêm, TCV hiện đang nuôi dưỡng gần 1.000 động vật thuộc 120 loài. Đa số đều là những loài thú quý hiếm có tên trong danh sách đỏ Việt Nam và thế giới, có nguy cơ tuyệt chủng như báo lửa, hổ Đông Dương, trĩ sao, vượn má vàng, vọoc bạc, hươu cao cổ… Hàng năm nơi này đón khoảng 80.000 sinh viên học sinh đến tham dự các khóa học chuyên đề về động thực vật, nghe giảng dạy về các chương trình nghiên cứu động vật hoang dã và bảo tồn thiên nhiên…

Thảo cầm viên Sài Gòn thành lập năm 1864, là một trong số ít vườn thú lâu đời nhất tại các quốc gia Đông Nam Á.