ThienNhien.Net – Hàng trăm triệu người trên thế giới đang có nguy cơ nhiễm độc do ô nhiễm môi trường, theo báo cáo mới nhất của Viện Blacksmith – cơ quan giám sát môi trường có trụ sở tại Mỹ.
Viện Blacksmith phối hợp với Tổ chức Chữ Thập Xanh của Thụy Sĩ vừa công bố danh sách mới “10 địa điểm ô nhiễm nhất thế giới”. Danh sách này được đưa ra dựa trên hơn 2.000 báo cáo đánh giá về các khu vực ô nhiễm ở 49 nước trên thế giới.
Hãng tin Pháp AFP đã trích dẫn báo cáo và cho biết, điều đáng chú ý trong nghiên cứu năm nay là rác thải điện tử đang trở thành một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Năm nay, khu vực Agbogbloshie ở thủ đô Accra của Ghana – địa điểm tái chế rác thải điện tử lớn thứ 2 khu vực Tây Phi, đã lần đầu tiên có mặt trong danh sách những điểm ô nhiễm nhất trên thế giới.
Theo ước tính, mỗi năm, Ghana nhập khẩu khoảng 215.000 tấn đồ điện tử đã qua sử dụng, chủ yếu từ Tây Âu. Con số này dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm 2020. Trong quá trình tái chế rác thải điện tử ở Ghana, điều gây lo ngại về sức khỏe là việc đốt các sợi dây cáp để lấy lõi đồng ở bên trong. Theo báo cáo, các sợi dây cáp này thường chứa rất nhiều kim loại nặng, trong đó có chì. Các mẫu đất quanh khu vực Agbogbloshie đã cho thấy mức độ tập trung các kim loại độc hại cao gấp hơn 45 lần mức cho phép.
Sức khỏe của hơn 200 triệu người đang bị đe dọa bởi ô nhiễm ở các nước đang phát triển. |
“Rác thải điện tử đã thực sự trở thành thách thức. Lượng rác thải này đang gia tăng đột biến. Mỗi người đều muốn sở hữu một chiếc máy tính bàn, laptop hay các thiết bị điện tử hiện đại khác. Chúng ta mới chỉ đang thấy phần nổi của tảng băng” – ông Jack Caravanos, chuyên gia nghiên cứu của Blacksmith nói.
Xuất hiện trong danh sách năm 2013 có lưu vực sông Citarum ở Tây Java (Indonesia). Đây là khu vực sinh sống của hơn 9 triệu người, nhưng có tới 2.000 nhà máy. Theo báo cáo, dòng sông Citarum, vốn được sử dụng để phục vụ các nhu cầu hàng ngày của người dân nơi đây, trong đó có việc cung cấp nước tưới cho đồng ruộng, đã bị ô nhiễm bởi nhiều loại chất độc, trong đó có nhôm và mangan. Kết quả kiểm tra mẫu nước uống cho thấy hàm lượng chì vượt quá 1.000 lần mức tiêu chuẩn của Mỹ.
Một khu vực khác của Indonesia cũng nằm trong danh sách địa điểm bị ô nhiễm nhất thế giới là vùng Kalimantan trên đảo Borneo. Nguyên nhân ô nhiễm là do việc mở rộng các khu khai thác vàng thủ công ở quy mô nhỏ. Hầu hết những người đào vàng ở đây đã sử dụng thủy ngân để chiết xuất vàng, khiến chất độc này được đưa vào môi trường.
“Chúng tôi ước tính, sức khỏe của hơn 200 triệu người đang bị đe dọa bởi ô nhiễm ở các nước đang phát triển” – ông Richard Fuller- Giám đốc Viện Blacksmith nhấn mạnh.