Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Vẫn còn nhiều nội dung cần làm rõ

ThienNhien.Net – Sáng 6/11, Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Các quy định liên quan đến thu hồi đất, định giá đất, và bồi thường, tái định cư cho người bị thu hồi đất vẫn là những nội dung nhận được nhiều ý kiến của các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH).

ĐB Bùi Sỹ Lợi cho rằng Luật Đất đai đủ điều kiện thông qua nhưng vẫn cần phải tiếp tục nghiên cứu thêm (Ảnh: Anh Đức/Báo Hải Quan)
ĐB Bùi Sỹ Lợi cho rằng Luật Đất đai đủ điều kiện thông qua nhưng vẫn cần phải tiếp tục nghiên cứu thêm (Ảnh: Anh Đức/Báo Hải Quan)

Trước khi các ĐBQH thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo về việc tiếp thu, chỉnh lý dự Luật. Đây là lần thứ ba, Dự thảo Luật được đưa ra bàn thảo trước QH và gửi xin ý kiến đóng góp của nhân dân với hơn 6,9 triệu lượt ý kiến tham gia. Dự kiến, Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ 6 này.

Về cơ bản, dự thảo Luật trình QH lần này nhận được sự đồng thuận của đông đảo cử tri và ĐBQH. Nhiều nội dung quan trọng đã được xem xét chỉnh sửa theo kiến nghị của cử tri và ĐBQH. Tuy nhiên, vẫn còn một số nội dung được các ĐBQH quan tâm, đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ thêm để đảm bảo công bằng cho người dân khi bị thu hồi đất.

Lo ngại khiếu kiện khi khái niệm thu hồi đất chưa rõ ràng

Theo ĐBTrần Ngọc Vinh (TP Hải Phòng), mặc dù dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được xem xét qua 2 kỳ họp và hàng trăm hội nghị, hội thảo với rất nhiều ý kiến góp ý của nhân dân, các chuyên gia và các ĐBQH, tuy nhiên, đề nghị không thu hồi đất để sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế – xã hội mà nên đưa phương thức trưng mua quyền sử dụng đất đối với các dự án này, nhằm đảm bảo hài hòa, chia sẻ lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân, đến thời điểm này vẫn chưa nhận được sự đồng thuận của cơ quan soạn thảo.

“Đất đai vẫn là vấn đề phức tạp và chúng ta cũng chưa thể kỳ vọng rằng khi Luật Đất đai lần này có hiệu lực pháp luật thì chúng ta có thể giải quyết một cách căn bản được những vấn đề tồn tại hiện nay. Chúng tôi cho rằng việc triển khai xây dựng luật là rất quan trọng nhưng quá trình tổ chức triển khai thực hiện, tuyên truyền phổ biến pháp luật đến nhân dân còn quan trọng hơn rất nhiều. Trong dự thảo luật này chúng tôi thấy rất cơ bản và có thể thông qua được trong kỳ họp này nhưng cũng phải nói còn nhiều điều trong dự thảo Luật vẫn đang còn có sạn cần phải nghiên cứu tiếp”.

ĐB Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa)

ĐB Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hoá) cho rằng nếu Luật Đất đai (sửa đổi) lần này vẫn giữ nguyên quy định các trường hợp thu hồi đất phục vụ phát triển kinh tế – xã hội quy định tại Điều 62 của dự thảo luật thì “vấn đề khiếu kiện về đất đai vẫn là điểm nghẽn chưa có lời giải”.

ĐB đề nghị: “Ban soạn thảo cần làm rõ khái niệm thu hồi đất phục vụ mục đích kinh tế – xã hội. Đây là một khái niệm không thật rõ ràng, cần được làm rõ để tránh lợi dụng và tạo ra các bất bình xã hội”.

ĐB Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) cũng đồng tình với quy định chỉ thu hồi đất cho dự án phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Bởi vì với các dự án phục vụ phát triển kinh tế – xã hội mà quy định chung chung như dự thảo Luật sẽ dẫn đến tùy tiện trong cơ chế áp dụng. “Thực tế ở Hà Nội có khá nhiều dự án bị ách tắc do cơ chế đền bù giải phóng mặt bằng và theo đó là đơn thư, là khiếu kiện vô cùng phức tạp. Đã có dự án nhà thầu đòi phạt chủ đầu tư đến hàng trăm tỷ đồng do chậm bàn giao mặt bằng thi công. Do đó, đề nghị quy định thành một điều riêng về các trường hợp nhà nước thu hồi đất cho dự án phát triển kinh tế – xã hội”, ĐB Hồng Hà nói.

ĐB Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) cho rằng quy định phải rõ ràng hơn nữa, làm cho thoát ý, công trình hệ thống dẫn chứa xăng dầu, khí đốt, nếu vì mục đích dự trữ quốc gia thì có thể chấp thuận theo quy định của dự thảo luật, nhưng nếu vì lợi ích của doanh nghiệp, do doanh nghiệp xăng dầu đầu tư thì cần phải thỏa thuận với người dân thỏa đáng trước khi bị thu hồi.

ĐB Vũ Xuân Trường (Nam Định) lại đồng tình với chủ trương nhà nước thu hồi đất trong 3 trường hợp vì lợi ích an ninh quốc gia, lợi ích công cộng và mục đích phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, với quy định tại Điều 64 dự thảo quy định về các trường hợp thu hồi đất do vi phạm Luật Đất đai, ĐB cho rằng còn chưa thỏa đáng và có thể thiếu tính khả thi.

Vì thực tế trong thời gian qua việc không ít các doanh nghiệp, nhà đầu tư sau khi được giao đất vì các lý do có thể chủ quan và kể cả khách quan mà chậm hoặc không triển khai thực hiện dự án, bỏ đất trống kéo dài, gây lãng phí đất đai, bức xúc trong nhân dân, nhất là những người dân nơi bị thu hồi đất. Chính quyền các cấp có thẩm quyền cũng đã vào cuộc, đã ra các quyết định thu hồi đất theo luật định để giao cho đơn vị khác sử dụng nhưng trên thực tế quyết định thu hồi đất cũng không thực hiện được, vì hai bên không thỏa thuận được việc bồi thường.

“Chính quyền dựa vào đâu để nói giá đất đã tính đúng, tính đủ?”

Liên quan đến quy định về giá đất, một vấn đề được các ĐBQH quan tâm nhiều nhất, ĐB Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) cho rằng, quy định như dự thảo luật là quá chung không giải quyết được mong muốn của người dân có đất bị thu hồi. “Mặc dù, Ban soạn thảo đã tiếp thu, bổ sung về nguyên tắc và phương pháp định giá đất nhưng quy định như vậy thì cũng không ăn thua và rất mong Ban soạn thảo nghiên cứu quy định thêm”, ĐB này tỏ chính kiến.

Theo ĐB Hương, việc xác định giá đất khi nhà nước thu hồi đất thì phải tính đến phần lợi nhuận hình thành trong tương lai khi quyền sử dụng đất của người dân bị thu hồi. ĐB Đàng Thị Mỹ Hương phân tích thêm: “Làm sao đó để tìm được bồi thường đất cho người dân phải đảm bảo cho người dân khi bị thu hồi đất phải có cuộc sống bình thường hoặc bằng hoặc tốt hơn so với trước đây. Vấn đề này là chủ trương của Đảng và nhà nước đã nêu từ lâu rồi nhưng có mấy nơi nào đã làm đúng làm tốt, làm cho người dân bị thu hồi đất hài lòng với chính sách được đền bù đâu. Đa phần người dân bị thua thiệt và bức xúc dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện”.

ĐB đề nghị Ban soạn thảo, Ủy ban thường vụ Quốc hội nghiên cứu cho bổ sung quy định mang tính nguyên tắc, ngoài việc mang tính nguyên tắc xác định về giá đất. Khi nhà nước thu hồi đất của người dân phải công bằng với giá đất của thị trường. Đồng thời còn phải tính đến phần lợi nhuận hình thành trong tương lai cho người dân có đất bị thu hồi để có điều kiện tái hiện lại cuộc sống của mình.

Ảnh minh họa: Tạp chí Tài chính
Có ý kiến cho rằng quy định về giá đất như dự thảo luật là quá chung, không giải quyết được mong muốn của người dân có đất bị thu hồi (Ảnh minh họa: Tạp chí Tài chính)

ĐB Nguyễn Thị Hồng Hà cũng cho rằng, xác định giá đất trong dự thảo Luật chưa rõ ràng, cụ thể. Theo ĐB: “Thế nào là phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường là một câu hỏi khó cho các cơ quan nhà nước trong việc xác định giá đất, tính bồi thường cũng như đảm bảo quyền lợi cho người có đất bị thu hồi. Chính quyền dựa vào đâu để nói với người dân là giá bồi thường đã được tính đúng, tính đủ, người dân căn cứ vào đâu để thấy rằng quyền lợi của mình đã được đảm bảo”. Do đó, ĐB đề nghị dự thảo cần thể hiện rõ vai trò của các tổ chức tư vấn định giá đất đồng thời nhà nước cũng cần có cơ quan theo dõi diễn biến thị trường và công bố giá đất định kỳ để làm cơ sở tham chiếu trong xác định giá đất.

Cơ bản đồng tình với quy định về nguyên tắc, phương pháp định giá đất, nhưng ĐB Trần Ngọc Vinh vẫn băn khoăn nhất trong các quy định về giá đất là thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh còn quy định quá lớn, vừa giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất lại vừa có quyền quyết định giá đất sẽ làm cho giá đất được quyết định thiếu khách quan, minh bạch. Do đó, ĐB cho rằng, đây chính là nguyên nhân dẫn đến khiếu kiện về đất đai.

Để đảm bảo tính minh bạch về định giá đất ĐB đề nghị cần thiết phải thành lập một cơ quan có thẩm quyền quyết định về giá đất độc lập với cơ quan có thẩm quyền quản lý đất đai nhằm tách bạch cho được thẩm quyền quyết định về đất đai và thẩm quyền quyết định về giá đất. “Tránh tình trạng một cơ quan vừa đá bóng, vừa thổi còi dẫn đến tình trạng lạm dụng làm thiệt hại đến quyền lợi và lợi ích của người dân khi bị thu hồi đất”, ông Vinh thẳng thắn nói.

ĐB Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hoá) bày tỏ chính kiến: “Trong Điều 112, tôi thấy chúng ta tự nhiên quy định Khoản 2, Chính phủ quy định phương án quy định giá đất. Trong một điều luật mà quy định như vậy thì không đề cập đến vấn đề nào là phương pháp xác định khung giá đất. Như vậy là tạo ra một khoảng trống về quy định của luật pháp. Do đó, Điều 112 cần phải quy định rõ phương pháp định giá đất như thế nào để Chính phủ căn cứ để hướng dẫn”.

Về khung giá đất, ĐB “thấy rất băn khoăn” vì quy định khung giá đất 5 năm là quá dài. “Hiện nay chúng ta đang quy định 1 năm mà vẫn nhiều khiếu kiện, thắc mắc. Vậy thì vấn đề này có cần thiết hay không, tôi nghĩ rằng trong điều kiện kinh tế-xã hội về mặt lâu dài chúng ta có thể như vậy, nhưng trong điều kiện hiện nay và tình hình giá đất đai hiện nay, tôi nghĩ rằng phải 2, 3 năm thì hợp lý hơn”.