ThienNhien.Net – Nhằm triển khai hiệu quả các hoạt động bảo tồn động vật quý hiếm nói chung và loài gấu nói riêng, Viện Dược liệu Trung ương (Bộ Y tế) đã phối hợp Hiệp loài cây thuốc ở Việt Nam tổng hợp các loài cây thuốc và bài thuốc chữa bệnh với công dụng tương tự như công dụng của mật gấu.
Theo đó, đến nay các nhà khoa học đã tổng hợp được 46 loài cây thuốc và một số bài thuốc tiềm năng có thể thay thế. Đây được coi là hướng triển khai trong tương lai nhằm góp phần thiết thực tìm ra các loài cây thuốc có tiềm năng sử dụng thay thế cho sừng tê giác, nhằm giảm thiểu nhu cầu sử dụng tê giác và góp phần bảo tồn loài động vật quý hiếm này.
Thực tế có nhiều người cho rằng, sừng tê giác, cao hổ cốt… là những sản phẩm có giá trị. Chính vì thế những loài động vật này đang bị tận diệt trong tự nhiên, thậm chí còn làm xuất hiện tình trạng buôn bán trái phép các sản phẩm này và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ.
Theo đánh giá của Hiệp hội bảo vệ động vật thế giới (WSPA) sở dĩ nhiều người muốn mua và sử dụng sừng tê giác là bởi họ tin vào những thông tin quảng cáo rằng sừng tê giác có tác dụng chữa bách bệnh, thậm chí cả bệnh ung thư, rồi “cải lão hoàn đồng” làm tăng sắc đẹp cho phụ nữ, đàn ông sử dụng khả năng tình dục tăng lên gấp bội…
Được biết, Viện Dược liệu là đơn vị nghiên cứu toàn diện về lĩnh vực dược liệu cũng chưa có những nghiên cứu đánh giá về tác dụng của sừng tê giác ở Việt Nam. Vì vậy, việc sử dụng sừng tê giác vào mục đích chữa bệnh và bảo vệ sức khỏe cần phải căn cứ trên những cơ sở khoa học.
Việt Nam có nguồn cây thuốc rất phong phú, khoảng hơn 4.000 loài cây. Đây là nguồn nguyên liệu tiềm năng để nghiên cứu chiết xuất các hoạt chất phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân, đồng thời giúp thay thế được việc sử dụng các bộ phận của các loài động vật hoang dã và có nguy cơ tuyệt chủng như hổ, gấu, tê giác…