Malaysia xây đập Baram: Dân “run” lập cập

ThienNhien.Net – Hàng trăm người dân các bộ lạc thiểu số ở Malaysia tuần trước đã phong tỏa khu vực xây dựng một con đập mới, do lo ngại bị mất nhà mất đất của cha ông để lại, mất cả công ăn việc làm và có thể là mạng sống do “lũ đập” gây nên.

Tự phản kháng

Đập Baram là con đập mới nhất ở Sarawak trên đảo Borneo, trong một loạt tranh cãi về các đập thủy điện khổng lồ theo kế hoạch của chính quyền bang Sarawak nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế tại một trong những bang nghèo nhất của Malaysia.

Biểu tình chống xây đập Baram (Ảnh: internationalrivers.org)

Những bộ tộc Kenyah, Kayan và người Penan bắt đầu chặn đường chính vào vị trí của đập và khu vực nơi nhà xây dựng đập, Công ty quốc doanh Sarawak Energy (SEB), đã được lưu tập trung máy móc hạng nặng vào một ngày trước đó, theo tổ chức phi chính phủ Hãy cứu mạng lưới sông ngòi Sarawak (SSRN).

Chủ tịch SSRN Peter Kallang nói trong một trạng thái Facebook đăng hôm thứ tư tuần trước, rằng các tộc người bản địa đã cắm trại ngăn chặn lối vào khu xây dựng đập, cho thấy sự quyết liệt của họ trong việc ngăn chặn con đập có thể gây lũ lụt này. Ông cho biết cuộc biểu tình là sự nhân rộng từ một cuộc biểu tình hồi tháng trước chống lại việc tích nước vào con đập Murum ở gần đó. Phó chủ tịch SSRN Raymond Abin cho biết tới cuối tuần trước việc phong tỏa con đập vẫn đang diễn ra. “Họ kêu gọi dừng dự án và tất cả hoạt động xây dựng liên quan vì SEB đã bắt đầu khảo sát địa chất”, ông Abin nói.

Thừa điện vẫn xây đập

Việc thả nổi xây dựng các con đập thủy điện đã trở thành đề tài tranh cãi dai dẳng khi các nhà hoạt động cáo buộc chúng là kết quả của các hoạt động tham nhũng lớn, trong khi người dân bản địa kêu ca chúng gây ra lũ lớn ở các khu rừng nhiệt đới và khiến hàng chục ngàn người phải rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn bao đời qua của họ.

Trong khi đập Baram dự kiến sẽ tạo ra 1.200MW điện, các nhà hoạt động cho rằng nó sẽ làm ngập 400km vuông của khu rừng nhiệt đới và khiến 20.000 người dân bộ lạc phải di dời tái định cư. Nhưng chính quyền tỉnh giàu tài nguyên Sarawak cho biết họ hy vọng một nguồn cung cấp dồi dào từ thủy điện của những con sông trong rừng sẽ thu hút mạnh mẽ các ngành công nghiệp mới. Công ty Sarawak Energy khẳng định những hộ dân bị di dời đang được đền bù thỏa đáng.

Các nhà hoạt động của tổ chức Bruno Manser Fund có trụ sở ở Thụy Sĩ, tổ chức nhiều lần cáo buộc Tổng trưởng Sarawak Taib Mahmud ăn hối lộ, cho biết cuộc phản đối sẽ làm xấu thêm những ghi nhận về nhân quyền ở Malaysia. “Việc phong tỏa mới nhất sẽ tăng thêm áp lực lên chính phủ Malaysia trước cuộc họp quan trọng của Liên Hiệp Quốc tại Geneva. Thành tích nhân quyền của Malaysia sẽ được thảo luận vào ngày mai bởi Hội đồng Nhân quyền“, Bruno Manser Fund nói trong một tuyên bố hôm thứ tư.

Những bộ lạc bản địa ở Sarawak đã tổ chức các cuộc biểu tình và phong tỏa đường xá ngày càng thường xuyên trong những năm gần đây để phản đối các dự án đập thủy điện. Bản thân Tổng trưởng Sarawak Taib đối mặt với rất nhiều cáo buộc làm giàu bản thân và người thân, vắt kiệt tài nguyên đất nước. Sarawak là nơi tọa lạc của con đập Bakun 2.400mW đã đi vào vận hành, mà tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) gọi là “một thảm họa tham nhũng, hối lộ”. Dù đập Bakun đang cung cấp hơn gấp đôi nhu cầu điện năng hiện nay của Sarawak, hàng loạt con đập khác vẫn đang được xây dựng.

Không tuân thủ luật pháp quốc tế

Chính quyền liên bang Malaysia tiết lộ hồi đầu tháng rằng họ đã phải chi 133 triệu USD để bồi thường cho các nhà cung cấp vì chậm trễ trong dự án Bakun trị giá 2,3 tỷ USD. Đập thủy điện Baram là dự án nằm trên dòng sông Baram River, cách thành phố Miri (thành phố lớn thứ 2 ở Sarawak) 250km.

Con đập dự tính cao 162m và khu vực tích nước bao phủ diện tích 39.000ha. Ít nhất 20.000 người dân thuộc 25 dân tộc khác nhau sẽ phải rời bỏ đất đai nhà cửa do cha ông để lại nếu dự án được xây dựng. Thứ trưởng Bộ Ngoại thương và công nghiệp Malaysia Jacob Dungau Sagan bị cáo buộc đã ra sức ủng hộ dự án đập Baram sau khi đạt được các hợp đồng trị giá 63 triệu ringit.

Baram là 1 trong 12 con đập đã lên dự án ở Sarawak. Cho đến nay, ngoài chủ đầu tư là công ty quốc doanh SEB, danh sách các công ty tham gia xây dựng con đập vẫn chưa được công bố, nhưng đa số tin tức cho rằng đó sẽ là các Công ty China Three Gorges Corporation hoặc Sinohydro của Trung Quốc. Đây là 2 công ty quốc doanh Trung Quốc chuyên về xây đập. 2 công ty này mới đây đã tham gia xây dựng đập Murum.

Theo các nguồn tin đáng tin cậy, 2 công ty này sẽ chuyển các máy móc xây dựng của họ đến Baram sau khi hoàn tất đập Murum vào năm 2013. Việc xây dựng sẽ khởi công trong năm 2014. Hiện vẫn không có dấu hiệu cho thấy chính quyền Sarawak có ý định tìm kiếm sự tự nguyện, sự đồng ý trước của cộng đồng trước khi bắt đầu xây dựng con đập, theo yêu cầu của luật pháp quốc tế. Vào tháng 8.2013, chính quyền Sarawak tiến hành những bước đầu tiên để tước quyền sử dụng đất của người dân bản địa sống gần khu vực dự án đập mà không cần sự đồng ý của họ.