Bài 1: Chủ của nhiều hecta rừng vẫn là hộ nghèo
ThienNhien.Net – Chán nản vì xin khai thác rừng không được, nhiều người bỏ mặc cho những cánh rừng tràm quá tuổi khai thác.
Tại U Minh Hạ đang tồn tại một nghịch lý: nhiều người dân là chủ của nhiều hecta rừng tràm đã quá tuổi khai thác nhưng không khai thác được vì vướng cơ chế xin-cho. Cũng có người không muốn khai thác vì sợ không thu được gì và chủ của nhiều hecta rừng tràm vẫn là những hộ “nghèo có sổ”…
Ở U Minh Hạ hiện có khoảng 4.000 ha đất rừng trồng đang bị cơ chế trói chặt, gây lãng phí hàng trăm tỉ đồng mỗi năm và người dân thì đang vất vưởng trong những khu rừng nghèo kiệt.
Có 5 ha đất vẫn là hộ nghèo
Ông Phan Văn Ổi (Năm Ổi) bơi xuồng ba lá đưa chúng tôi ra cánh rừng tràm đã 22 năm tuổi chưa khai thác. Đây là cánh rừng tràm của ông và người dân ấp 19, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, Cà Mau tự tay trồng, chăm sóc. Nó hoang tàn, xơ xác, cây tràm thưa thớt. Ông Năm và người dân ở đây gần như lãng quên không giữ gìn, không chăm chút. Chưa ai có một kế hoạch nào cho nó cả. “Hồi nào tới giờ dân ở đây xem cánh rừng là nơi ăn mót. Lúc ngặt quá thì vào đó đốn tràm về hầm than kiếm tiền mua gạo” – ông Năm Ổi nói tỉnh queo.
Ông Phạm Văn Chính, Trưởng ấp 19, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, xác nhận: Ấp có khoảng 350 ha đất rừng của gần 100 hộ dân. Từ nhiều năm trước, Nhà nước đã giao cho dân, mỗi hộ 5-7 ha. Theo quy định thì họ được sử dụng 30% số đất đó để trồng lúa, còn lại phải trồng rừng. Những hộ này đã canh tác trên 20 năm. Một số ít canh tác trên 10 năm do mua lại và một vấn đề thật vô lý là trong số 32 hộ được cấp sổ hộ nghèo của ấp có một nửa là những hộ dân có đến 5 ha đất.
Chị Huỳnh Thị Trắng, một hộ nghèo tại đây, kể: “Tôi có 5 ha nhưng chỉ có bốn công ruộng (4.000 m2) là làm có ăn, còn rừng thì coi như không. Chúng tôi phải đi buôn bán thêm mới đủ sống”. Năm ngoái, một đoàn từ thiện từ TP.HCM về U Minh Hạ cho tiền, cho gạo. Sau đó, họ về vận động xin tiền cho năm hộ cất nhà, mỗi hộ 25 triệu đồng. Vợ chồng chị Trắng cũng được một căn. Nhờ vậy mà vợ chồng chị qua được cái cảnh nửa đêm thức dậy trốn mưa vì nhà dột.
Những hộ có rừng tại ấp này không ai khai thác được tiềm năng của đất rừng. Trưởng ấp Phạm Văn Chính lý giải: “Từ rất nhiều năm nay, Nhà nước cấm cơ giới vào khu vực này nên đâu có ai quy hoạch phát triển kinh tế rừng được. Bây giờ cũng vậy, xã báo là Nhà nước đang thực hiện chủ trương mới, gọi là “bố trí sắp xếp lại cư dân dưới rừng tràm” nên bà con phải chờ, không được đầu tư lớn…”. Ông Chính thấy rõ những bất hợp lý đó, tức sự thay đổi xoành xoạch quy hoạch dân cư của tỉnh, gây khó, khổ cho dân. Tuy nhiên, những đề xuất về trên có đi mà không có lại khiến người dân cứ mãi trong tình trạng sống lây lắt chờ “bố trí, sắp xếp lại”.
Khi nghe ông Chính nói, bà Phạm Thị Ba, 72 tuổi bất chợt nói: “Dời đi nữa hả bay?”. Ai cũng nghe rõ giọng của bà Ba lạc đi, chơi vơi, hụt hẫng.
Ăn vạ cùng rừng
Bên cạnh hàng ngàn hecta rừng nghèo kiệt đang nằm chờ đầu tư như ở xã Nguyễn Phích, rừng U Minh Hạ hiện còn gần 1.000 ha rừng già.
Ông Nguyễn Văn Liếu, ấp 4, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, đưa chúng tôi đến khu rừng già 50 ha của ông. Khu rừng được trồng từ 22 năm trước. Cây rừng nay đã quá lứa, mất giá nhưng chưa thấy cơ may được khai thác. Ông Liếu biết rõ để rừng già như vậy là thiệt thòi, là mất mát, ông nói: “Nếu thu hoạch đúng lứa, tức tám đến 10 năm tuổi thì mỗi hecta bán được khoảng 30 triệu đồng. Còn như bây giờ, cây quá lớn không thể làm cừ trong xây dựng được nữa, chỉ có thể làm củi. Hôm rồi, nhiều hộ kêu người ta bán 25 triệu đồng/ha người ta cũng chịu mua”. Nếu tính ở hai chu kỳ, cánh rừng 50 ha của ông đã bị thiệt hại 35 triệu đồng/ha, tức tổng thiệt hại lên đến gần 2 tỉ đồng. Ông Liếu buồn nói: “Ngó cánh rừng mà đau lòng nhưng khai thác làm gì, không được tiền mà còn có nguy cơ bị Nhà nước lấy đất lại”.
Không chỉ ông Liếu mà có nhiều hộ khác cũng để rừng già đến 18-20 tuổi. Đó là các hộ: Châu Chí Tâm, 43 ha; Trần Thị Bé, 40 ha; Nguyễn Thanh Dân, 78 ha; Nguyễn Minh Phúc, 59 ha; Nguyễn Hoài Tâm, 76 ha; Châu Thái Biết, 34 ha… Cộng sơ qua chỉ một xã Khánh Bình Tây Bắc đã có 380 ha rừng già. Trước đó, chúng tôi đã đến khu rừng già ở xã Khánh Thuận, huyện U Minh đo đếm được còn trên 100 ha. Những chủ rừng này cho biết hoặc là vì xin khai thác nhưng Nhà nước không cho, hoặc bản thân hộ dân không muốn khai thác.
Nghịch lý nữa là những hộ dân không muốn khai thác rừng trồng. Ông Liếu lý giải: “Bảy năm trước, tôi được cho khai thác 10 ha được 80 triệu đồng nhưng tôi không được đồng bạc nào hết. Lâm ngư trường Trần Văn Thời trừ các khoản thuế, khoán… dù trên hợp đồng nói tôi được 50%. Vậy thì khai thác làm gì!”. Ông Nguyễn Hoài Tâm nói thêm một lý do khác: “Quy định nếu sau khai thác 24 tháng không trồng lại rừng thì bị Nhà nước thu hồi đất. Khai thác xong không được chia đồng bạc nào, tiền đâu mà trồng lại rừng mới. Thôi thì cứ để cánh rừng già còn hơn là mất tất cả”.
Hóa ra việc không khai thác rừng được người dân chọn như một giải pháp để không bị thu hồi đất. Thiệt thòi thuộc về mình nhưng họ đã hết cách. Cũng như với những hộ dân xin khai thác rừng nhiều năm không được, thiệt hại rất rõ ràng và họ chỉ biết than thân.
Ông Lê Thanh Triều, Chủ tịch UBND huyện U Minh, Cà Mau, thừa nhận một sự lãng phí rất lớn đất rừng U Minh Hạ khi hàng ngàn hecta đất rừng không được đầu tư phát triển trong hàng chục năm trời. “Chúng tôi đã nhìn thấy sự lãng phí đó nhưng do phải chờ tỉnh xây dựng đề án bố trí sắp xếp lại dân cư rừng tràm nên những khu đất này chưa tác động gì được. Hiện tỉnh đang triển khai dự án, những khu đất này sắp được đầu tư phát triển. Còn việc không cho dân khai thác rừng đã đến tuổi, quá tuổi, chúng tôi sẽ kiểm tra và có đề xuất hợp lý. Trước giờ, vấn đề này huyện không phụ trách, do Công ty Lâm nghiệp U Minh Hạ và Sở NN&PTNT lo. Còn quan điểm của tôi là phải cho dân tự chủ trong khai thác” – ông Triều nói. |