ThienNhien.Net – Hepza từng đề nghị đình chỉ hoạt động công ty này nhưng Sở TN&MT không đồng ý.
Ngày 31/10, một tuần sau khi Công ty Hào Dương bị bắt quả tang bơm nước thải ô nhiễm ra sông Đồng Điền, Pháp Luật TP.HCM đã liên hệ được với lãnh đạo Ban Quản lý KCX-KCN TP.HCM (Hepza) và Sở TN&MT TP. Song hướng xử lý vi phạm của hai đơn vị chịu trách nhiệm chính về quản lý môi trường này lại ngược nhau hoàn toàn.
Hepza: “Đình chỉ ngay”
“Trước những vi phạm nghiêm trọng của Công ty Hào Dương, Hepza kiến nghị Thường trực Thành ủy, Thường trực UBND TP.HCM đình chỉ ngay hoạt động sản xuất của công ty này. Đồng thời, chỉ đạo Sở TN&MT TP rút giấy phép khai thác nước sông Đồng Điền của Công ty Hào Dương” – Hepza nhấn mạnh trong báo cáo gửi UBND TP ngày 31/10.
Theo Hepza, trong quá trình hoạt động sản xuất tại KCN Hiệp Phước, Công ty Hào Dương có nhiều vi phạm kéo dài, không khắc phục triệt để. Trong tháng 8-2012, Hepza đã tổng kiểm tra năm lĩnh vực môi trường, đầu tư, doanh nghiệp, xây dựng, lao động và nhận thấy Công ty Hào Dương vi phạm hầu hết các lĩnh vực này. Riêng về lĩnh vực môi trường, Công ty Hào Dương có bốn hành vi vi phạm, trong đó có xả nước thải vượt quy chuẩn đến 22,3 lần, khí thải vượt 13,7 lần, đồng thời còn xả nước thải vào hệ thống thoát nước mưa. Hepza đã lập biên bản vi phạm và trình UBND TP ra quyết định xử phạt hành chính đối với Công ty Hào Dương với mức phạt 340 triệu đồng.
“Với những vi phạm trên, ngày 28-8-2012 Hepza đã có văn bản kiến nghị chủ tịch UBND TP đình chỉ hoạt động của Công ty Hào Dương theo quy định tại Điều 48 Nghị định 117/2009. Tuy nhiên, sau đó Sở TN&MT TP có báo cáo riêng cho UBND TP và đề xuất không xử phạt vi phạm Công ty Hào Dương theo kiến nghị của Hepza” – một lãnh đạo của Hepza cho biết.
Sở TN&MT: “Chờ xem xét”
Theo tài liệu chúng tôi có được, ngày 8/11/2012, trong báo cáo UBND TP về hướng xử lý vi phạm của Công ty Hào Dương, Sở TN&MT cho rằng chưa thể áp dụng quy định buộc đình chỉ hoạt động công ty này.
“Công ty Hào Dương có quá trình vi phạm liên tục, kéo dài nhưng là thời điểm trước tháng 9/2010. Từ tháng 9-2010, công ty đã ký hợp đồng xử lý nước thải với KCN Hiệp Phước. Mặc dù công ty xả nước thải vượt tiêu chuẩn của KCN nhưng nước thải vẫn được đưa về nhà máy xử lý nước thải tập trung của KCN, không xả ra môi trường nên không thuộc đối tượng gây ô nhiễm… Hành vi vi phạm này không thể áp dụng quy định buộc đình chỉ hoạt động. Trường hợp Công ty Hào Dương cố tình xả nước thải trực tiếp ra môi trường, đề nghị Hepza chủ động trao đổi với Điện lực Hiệp Phước hỗ trợ xử lý ngắt điện” – Sở TN&MT TP lý giải.
Chiều 31-10, trả lời câu hỏi của Pháp Luật TP.HCM vì sao Sở TN&MT TP và Hepza lại bất đồng quan điểm trong xử lý vụ việc, ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở TN&MT TP, nói: “Ở góc độ cá nhân, nếu Công ty Hào Dương xả nước thải ra sông tôi sẽ “bứng” ngay công ty này. Nhưng ở góc độ quản lý nhà nước, vụ việc phải xử lý dựa trên cơ sở pháp luật”.
Vậy với hành vi cố tình xả nước ô nhiễm ra sông và vừa bị bắt quả tang, có thể đình chỉ hoạt động Công ty Hào Dương được không? Ông Kiệt nói: “Chúng tôi đã làm việc với phía Hào Dương, họ trình bày việc xả nước thải ra sông không phải cố ý mà do nhiều lý do khác. Song đây chỉ mới là ý kiến một chiều. Ngày 1-11, chúng tôi sẽ làm việc thêm với Hepza và KCN Hiệp Phước. Khi có thông tin đa chiều, đầy đủ, việc xem xét, xử lý mới chính xác. Quan điểm của Sở TN&MT là xử lý nghiêm nhưng phải đảm bảo đúng pháp luật”.
Có thể đình chỉ hoạt động Điều 48 và 49 Nghị định 117/2009 nêu cụ thể về hình thức tạm đình chỉ hoạt động đơn vị gây ô nhiễm. Theo đó, những bộ phận sản xuất gây ô nhiễm môi trường sẽ bị đóng cửa tạm thời. Với những vi phạm của Công ty Hào Dương, cơ quan quản lý nhà nước đã có thể áp dụng hình phạt này. Ngoài đình chỉ hoạt động, Công ty Hào Dương còn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính do xả nước thải vượt quy chuẩn cho phép; xử phạt về không vận hành hoặc vận hành không đúng quy trình hệ thống xử lý…; xử phạt về tội trốn nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp và bị truy thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp. Về trách nhiệm đối với cơ quan quản lý nhà nước, Luật Bảo vệ môi trường quy định ai thẩm định phê duyệt Báo cáo tác đánh giá tác động môi trường (ĐTM ) thì cơ quan đó có trách nhiệm thanh, kiểm tra. Do đó, với vụ bị bắt quả tang vừa rồi, Sở TN&MT TP phải kiểm điểm trách nhiệm. Về hướng xử lý hình sự đối với việc tổ chức xả nước ô nhiễm ra sông, hiện Luật Môi trường còn vướng hai vấn đề: Một là xác định vi phạm đối với cá nhân. Hai là xác định được gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Hai vấn đề này hiện chưa có hướng dẫn nên không có cơ sở xác định. Một cán bộ thanh tra Bộ TN&MT |