ThienNhien.Net – Để giải quyết tình hình ngập úng trên địa bàn, TPHCM cần có nhiều giải pháp, như quy hoạch chi tiết thoát nước, kế hoạch đầu tư, thời gian và vốn thực hiện… Trong đó bước quy hoạch đóng vai trò quan trọng nhất.
Theo Quy hoạch tổng thể thoát nước của TPHCM được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, giai đoạn từ 2001-2020, Thành phố sẽ xây dựng và phát triển hệ thống thoát nước với 27 hệ kênh, rạch. Trong đó, có 4 tuyến vùng trung tâm; 23 tuyến cho 5 vùng ngoại vi (Tây, Nam, Bắc, Đông Bắc, Đông Nam); hệ thống thoát nước dài khoảng 6.000km hiện và đã thực hiện khoảng 60%.
Tình trạng úng ngập có nguyên nhân khách quan, chủ quan
Bên cạnh công tác phát triển hệ thống thoát nước theo quy hoạch, Thành phố cũng đã triển khai quy hoạch về thuỷ lợi cho chống ngập úng với mục tiêu kiểm soát triều, hạ mực nước tại các kênh rạch chính kết nối với các sông Sài Gòn, Đồng Nai và Nhà Bè để giải quyết tiêu thoát, phát huy tối đa khả năng làm việc của hệ thống thoát nước trong Thành phố.
Công tác xoá, giảm ngập trong hơn 2 năm vừa qua đạt được nhiều kết quả. Thành phố đã đưa vào vận hành 246 tuyến cống thoát nước với chiều dài 333,4km; thực hiện 219 hạng mục công trình cấp bách để xóa, giảm các điểm ngập hiện hữu tại khu trung tâm như mở thêm hướng thoát nước, lắp đặt thêm trạm bơm tăng cường; tách dòng, chia lưu lượng thoát nước cho khu vực ngập…
Cuối năm 2010, Thành phố có 58 điểm ngập do mưa (khu vực trung tâm 31 điểm và 27 điểm vùng ngoại vi), đến nay đã xử lý được 43/58 điểm, bên cạnh đó, 23/26 điểm ngập do triều đã được khắc phục.
Tuy nhiên, diễn biến thời tiết trên địa bàn thời gian qua đã gây nhiều bất lợi cho công tác chống ngập. Tổng lượng mưa trên địa bàn TPHCM năm 2001 là 1.634,3mm, tháng cao nhất đạt 410,4mm, nhưng đến năm 2012 lượng mưa trong năm đã tăng lên 2.002,1mm và tháng cao nhất lên đến 526,5mm.
Không những thế, đỉnh triều cường trên sông Sài Gòn cũng năm sau cao hơn năm trước. Từ năm 2001 đến nay, đỉnh triều luôn vượt mức báo động cấp II (1,40m). Đặc biệt, trong 5 năm trở lại đây, đỉnh triều luôn vượt mức báo động cấp III (1,50m). Năm 2009, đỉnh triều cao 1,56m; năm 2010, đỉnh triều cao 1,55m; năm 2011, đỉnh triều cao 1,59m; năm 2012 đỉnh triều cao 1,62m và ngày 20/10/2013, đỉnh triều đã đạt 1,68m, tăng 28cm so với đỉnh triều tháng 10/2001.
Trong đợt ngập do mưa kết hợp triều những ngày giữa tháng 10 vừa qua, trên địa bàn có đến 19 tuyến đường thường xuyên bị ngập với độ sâu ngập từ 0,1-0,44m, trong đó có nhiều điểm ngập mới.
Nhận định về nguyên nhân tình trạng ngập úng, tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố ngày 26/10 vừa qua, Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải cho rằng, ngoài những nguyên nhân khách quan thì nguyên nhân chủ quan của Thành phố là rất lớn. Đặc biệt là vấn đề chất lượng quy hoạch đô thị, quy hoạch sử dụng đất còn bất cập; còn tình trạng tự phát trong đô thị hóa, san lấp, lấn chiếm sông, kênh, rạch; cơ chế chính sách chưa khuyến khích tăng mảng xanh, hạn chế bê tông hóa trong phát triển đô thị…
Quy hoạch đóng vai trò quyết định
Ông Tất Thành Cang, Giám đốc Sở GTVT TPHCM, cho biết việc lượng mưa liên tục tăng trong khi hệ thống thoát nước của Thành phố được thiết kế không theo kịp là một trong những nguyên nhân dẫn đến ngập úng. Thêm vào đó, quá trình phát triển đô thị đã làm thu hẹp và mất dần các thể tích chứa nước tự nhiên như ao hồ, kênh rạch và quá trình bê tông hóa đã làm giảm đáng kể diện tích thấm. Việc tính toán trên cơ sở khoa học để triển khai, ứng phó kịp thời với sự biến đổi khí hậu chưa hiệu quả. Công tác nghiên cứu điều chỉnh các quy hoạch thoát nước, xây dựng hồ điều tiết chưa được quan tâm đúng mức.
Giải pháp cho vấn đề này, theo ông Tất Thành Cang, Thành phố cần nhanh chóng cải tạo, nâng cấp và mở rộng hệ thống thoát nước với nhiều giải pháp như quy hoạch chi tiết thoát nước, kế hoạch đầu tư, thời gian và vốn thực hiện, trong đó bước quy hoạch đóng vai trò quyết định.
Công tác xóa 7 điểm ngập thực hiện trong năm 2013 phải hoàn thành trong quý I/2014 (hiện đã kiểm soát được 3/7 điểm). Năm 2014-2015, xóa 11 điểm ngập còn lại. Song song đó, đẩy nhanh tiến độ dự án nâng cấp đô thị, ưu tiên ngân sách, tận dụng các nguồn vốn ODA, nguồn vốn biến đổi khí hậu để giải quyết căn cơ vấn đề này.
Bên cạnh đó, cần quan tâm và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các quy hoạch chi tiết thoát nước Thành phố; quy hoạch hồ điều tiết. Hiện các khu vực được qui hoạch làm hồ điều tiết đa số đã không còn được giữ lại. Do đó, cần ban hành ngay các quy định bắt buộc về phát triển đô thị kết hợp mạng lưới hồ điều tiết tại chỗ.
Tập trung nghiên cứu các kịch bản biến đổi khí hậu cho Thành phố để có điều chỉnh kịp thời quy hoạch chi tiết và tính toán xây dựng các công trình giao thông, hạ tầng kỹ thuật đô thị cho phù hợp.