Bài 1: Một đêm, hàng ngàn tấn than bị trộm
ThienNhien.Net – Phóng viên chứng kiến đoàn xe chở than lậu từ mỏ lên bãi là đoàn xe của công ty có hợp đồng bốc đất đá trong mỏ.
Ngày 23/10, Công an tỉnh Quảng Ninh ập vào bãi than giáp với băng tải chuyển than của Nhà máy nhiệt điện Mông Dương bắt giữ hơn 500 tấn than vô chủ. Lúc này bãi than không người, không xe, không xác định được số than trên thuộc sở hữu của đơn vị nào. Công an đã tạm giữ số than trên và bàn giao vụ việc cho Công an TP Cẩm Phả điều tra làm rõ nguồn gốc.
Nhưng cũng chính tại bãi than này trước đó khoảng 10 ngày, PV Pháp Luật TP.HCM chứng kiến cảnh tuồn than từ moong H10 thuộc phần quản lý của Công ty Cổ phần Than Mông Dương ra ngoài tấp nập với số lượng hàng ngàn tấn chỉ trong một đêm…
Công trường than lậu
8 giờ tối 13/10, PV theo chân T., một người khá thông thổ địa bàn, đến địa điểm mật phục chọn từ đêm trước. Đây là mô đất lau sậy um tùm, nằm sát con đường nội bộ dẫn từ moong H10 (moong than đang khai thác của Công ty Than Mông Dương) về bãi than giáp ranh với đầu băng tải của Nhà máy nhiệt điện Mông Dương. Nơi này được nhóm trộm than chọn làm bãi trung chuyển than để xuất ra bên ngoài.
Đoạn đường đến điểm mai phục chỉ chừng chưa đầy cây số nhưng chúng tôi mất gần 90 phút men theo lưng đồi, có những đoạn dốc dựng đứng, phải bám chặt tay vào những khóm lau, cỏ tranh, bụi gai cây mắc cỡ để tránh trượt ngã. Tôi nằm rạp xuống bụi lau, trùm áo mưa lên người để ngụy trang, đồng thời dùng dao khoét một cái lỗ bằng nắm tay để đặt ống kính máy quay. T. giấu mình trong bụi cây ngồi cảnh giới.
Cứ chừng 5 phút, một chiếc xe “hổ vồ” (xe tải Howo của Trung Quốc) loại 70 tấn lại chạy từ phía moong H10 về bãi than trung chuyển. Từ màn hình camera đặt chế độ quay đêm, tôi nhìn rõ lấp lánh những mẩu than kíp lê trộn lẫn than cám chở đầy ắp trên thùng xe. Ước chừng khối lượng than chở mỗi xe tầm 40 khối, tương đương 40 tấn/chuyến. Toàn bộ số xe này đều không mang biển số, chỉ đánh số hiệu bằng sơn trắng hai bên sườn và trước mũi xe.
Theo lời T., toàn bộ đội xe đang lên than này là của một doanh nghiệp có hợp đồng bốc xúc đất đá, làm đường nội bộ trong mỏ với Công ty Than Mông Dương. Theo quy định, những xe này chỉ được phép chở đất đá tại khai trường mỏ để đổ vào các bãi thải đã chỉ định, có quy hoạch trước, tuyệt đối không được chở than.
Đến khoảng 11 giờ tối, các hoạt động lên than tạm dừng 30 phút nghỉ ăn đêm. Trong thời gian 1 tiếng rưỡi ghi hình, chúng tôi nhẩm đếm phi đội “hổ vồ” đã lên than gần 30 chuyến, tương đương hơn 1.000 tấn than đã được đưa từ mỏ lên bãi trung chuyển để tuồn ra ngoài.
Bãi đất này được Vinacomin (Tập đoàn Than Khoáng sản VN) bàn giao cho Công ty Than Đông Bắc để làm đường nội bộ trong khai trường mỏ nhưng chưa kịp triển khai làm đường thì những đối tượng làm than lậu đã tạm chiếm làm trạm trung chuyển. T. cho biết vào thời gian cao điểm, chưa kịp xuất, bãi chứa hàng vạn tấn than.
Những chiếc “hổ vồ” màu đỏ liên tục tiến vào bãi than, hếch đầu lên dốc, lùi đít vào bãi than và xuống ben, than đổ rào rào. Chiếc máy xúc Komatsu PC 750 nhanh chóng xúc than lên những chiếc “hổ vồ” màu trắng có trọng tải nhỏ hơn để xuất than đi. Đống than lậu vơi đi một chút lại được tiếp đầy ngọn.
Đoàn xe chở than lậu của ai?
Sáng 14/10, chúng tôi trở lại bãi trung chuyển than lậu, chỉ còn đống than lù lù ước chừng vài ngàn tấn nằm chơ vơ giữa bãi đất hoang. Toàn bộ người, máy xúc, xe tải tấp nập của đêm trước như biến mất. Lần theo những mẩu vụn than rơi vãi, vòng qua mấy khúc cua chừng một cây số, chúng tôi tiếp cận với lòng moong H10. Tại đây, chúng tôi bắt gặp đoàn xe “hổ vồ” màu đỏ chở than lên bãi trung chuyển than lậu đêm trước đang chở đất từ rìa moong H10 ra đổ thải giữa lòng moong.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, toàn bộ dàn xe này của Công ty Cổ phần Thiên Nam có trụ sở tại TP Cẩm Phả, do ông Vũ Đình Kiên làm giám đốc. Công ty này đăng ký 46 phương tiện hoạt động theo hợp đồng bốc xúc đất đá tại mỏ Mông Dương. Trong đó có 11 chiếc xe hiệu “hổ vồ” loại trọng tải 70 tấn, không có biển số, chỉ được đánh số hiệu hàng chục bên sườn xe bằng sơn trắng và ba chiếc máy xúc Komatsu PC 750 SE (loại máy xúc PV chứng kiến bốc than tại bãi trung chuyển than lậu).
Sáng 29/10, làm việc với PV, ông Vũ Ngọc Xuân, Trưởng phòng Thanh tra bảo vệ quân sự, Công ty Than Mông Dương, cho biết: Theo quy định của công ty, loại xe này chỉ được dùng để chở đất, đổ thải theo lộ trình, bãi thải đã được chỉ định và tuyệt đối không được chở than. “Hoạt động đổ thải được kiểm tra, giám sát bởi lực lượng bảo vệ mỏ, bộ phận thống kê ghi chép để tính khối lượng đổ thải. Cách khu vực Công ty Thiên Nam đang bốc xúc đất đá 100 m có một chốt bảo vệ có người trực 24/24 giờ, đồng thời có tổ bảo vệ sáu người tuần tra liên tục mỗi ca” – ông Xuân khẳng định.
Ông Xuân cũng khẳng định không có chuyện xe bốc xúc đất đá của Công ty Thiên Nam chở than từ moong than do Công ty Than Mông Dương quản lý. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, bằng cách nào, đội xe “hổ vồ” trên đã được chở than lên bãi trung chuyển than lậu vài chục chuyến trong đêm 13 rạng sáng 14-10 như chúng tôi đã chứng kiến.
Vỏ bọc
Đ., người phụ trách một phân xưởng than của một doanh nghiệp nhà nước đóng trên địa bàn mỏ Mông Dương, cho biết: “Hợp đồng bốc xúc đất đá ngay trong khai trường mỏ chính là kẽ hở để nhóm than lậu lợi dụng trộm cắp, tuồn than từ mỏ ra ngoài. Trên lý thuyết thì mỏ có một hệ thống giám sát… Tuy nhiên, khi người của mỏ “bắt tay” với đơn vị bốc xúc đất đá, làm đường trong khai trường mỏ thì việc tuồn than từ mỏ trở nên dễ dàng”. Theo Đ., hầu hết phương tiện của các đơn vị bốc xúc đất đá, làm đường trong khai trường mỏ than đều hoạt động rất gần các vỉa than. “Chỉ cần sục gầu máy xúc qua lớp đất mỏng là phát hiện các vỉa than. Ba gầu đất, một gầu than hoặc ba xe đất họ làm một xe than thì ai biết đấy là đâu” – Đ. nói. “Thủ đoạn khai thác than thổ phỉ, đào lò chui so với hình thức ăn cắp than bằng vỏ bọc hợp đồng làm đường nội bộ, dự án bốc xúc, vận chuyển đất đá cho các doanh nghiệp than nhà nước giống như tiểu tặc so với đại tặc. Với phương tiện hiện bốc xúc, chuyên chở hiện đại, họ có thể lên hàng ngàn tấn than trong vòng một đêm” – Đ. nói.
Ngày 22/10/2013, ông Nguyễn Trọng Minh, Chủ tịch UBND TP Cẩm Phả, đã ký văn bản số 1927/UBND về việc tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện xử lý đối với hoạt động khai thác than, vận chuyển, chế biến và tiêu thụ than trái phép trên địa bàn TP. Nội dung văn bản yêu cầu các cơ quan chức năng chủ động kiểm tra, giám sát chặt chẽ các dự án xây dựng đường giao thông, đường vận chuyển than chuyên dùng của Vinacomin, các dự án có san gạt đất đá… Trong quá trình thi công nếu phát hiện có tài nguyên than, phải yêu cầu dừng thi công và phối hợp với doanh nghiệp quản lý tài nguyên than tiến hành bảo vệ và tận thu tránh thất thoát hoặc lợi dụng công việc khai thác than trái phép gây mất an ninh trật tự. Đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh than thuộc Tập đoàn Vinacomin trên địa bàn TP phải tăng cường công tác quản lý khu vực của đơn vị, doanh nghiệp ngoài ngành than vào bốc xúc đất đá, móc nối tuồn than ra ngoài… |