ThienNhien.Net – Không thể phủ nhận những lợi ích mà hoạt động khai khoáng đem lại cho các địa phương, nhất là với những địa phương được đánh giá giàu tài nguyên khoáng sản như Bắc Kạn. Song, đi cùng với những ích lợi, hoạt động khai thác mỏ tại địa phương vùng Đông Bắc này cũng gây nhiều mất mát và để lại không ít hệ lụy khó bề giải quyết.
Ô nhiễm bủa vây
Từ những năm 2000, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn đã thực hiện “chiến dịch” cấp mỏ theo hình thức tận thu, theo đó hàng loạt các mỏ lần lượt được ra đời như: mỏ chì kẽm ở Ba Bồ, Nà Bốp, Pù Sáp (huyện Chợ Đồn); mỏ vàng sa khoáng ở Bản Giang, Tân An (huyện Na Rì); mỏ sắt ở Bản Cuôn và Sĩ Bình (huyện Bạch Thông)…
Tuy đem lại phần lợi ích cho một số nhóm đối tượng, song về phía người dân, từ khi các mỏ đi vào hoạt động, cuộc sống của họ thêm phần khó khăn hơn. Không chỉ phải sống chung với ô nhiễm trong nhiều năm, các gia đình còn đau đáu chuyện tìm kế sinh nhai sau khi diện tích đất sản xuất bị thu hẹp hoặc mất khả năng canh tác do hoạt động khai khoáng.
Câu chuyện tại xã Lạng San, huyện Na Rì là một trong những cái “mất” đáng đề cập tới. Hoạt động khai thác vàng sa khoáng của hai mỏ nằm trên địa bàn xã này đã khiến nguồn nước sinh hoạt của hàng trăm hộ dân trong vùng bị ô nhiễm nặng, đồng thời khiến hàng chục km sông Bắc Giang bị vẩn đục, hệ quả là hàng loạt gia súc, gia cầm vùng hạ lưu khi uống nước sông đã bị mắc bệnh và năng suất lúa của người dân địa phương cũng sụt giảm đáng kể. Khi bị người dân phản ánh và các cấp chính quyền có ý kiến thì các chủ mỏ mới làm bể lắng nước đục nhưng chỉ làm rất sơ sài nhằm che mắt dư luận.
Tương tự, hoạt động khai thác, vận chuyển quặng tại mỏ sắt Sĩ Bình, xã Sĩ Bình, huyện Bạch Thông cũng khiến môi trường khu dân cư lân cận bị ô nhiễm nghiêm trọng, trời nắng thì bụi bay mù mịt, còn khi mưa thì đường ngập ngụa bùn. Người dân phản ánh nhiều nhưng không thấu, họ chỉ mong mỏ sắt sớm nhanh khai thác hết để không còn phải lo chống chọi với ô nhiễm từng ngày.
Với hầu hết người dân ở các thôn Bản Giang, Vằng Khít, Pàn Xả thuộc xã Lương Thượng, huyện Na Rì thì nỗi canh cánh của họ không phải là vấn đề ô nhiễm nữa (vì mỏ đã dừng khai thác) mà là việc duy trì nguồn sinh kế lâu dài. Hoạt động khai thác mỏ vàng Ao Tây diễn ra từ năm 2007 đến 2010 tại địa bàn xã để lại bao hang hố khiến người dân nơi đây gần như bị mất ruộng vĩnh viễn bởi chỉ một phần đất sau hoàn thổ có thể tạm trồng ngô, khoai chứ không thể cày cấy được như xưa. Trong khi đó, với khoản tiền đền bù sản lượng thóc hàng năm từ chủ mỏ, người dân chỉ đủ cầm cự qua ngày, nhưng nay các chủ mỏ đã rút, người dân không còn nguồn trợ cấp nào khác, đành bôn ba, tha phương cầu thực.
Hạ tầng… tan nát
Trong một vài kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Kạn từ những năm 2008 đến năm 2010, nhiều ý kiến cử tri phản ánh tổng số thuế, phí thu được từ hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn đạt tỷ lệ quá thấp so với sự tàn phá của các mỏ. Trong hơn chục năm, tổng số thuế, phí tài nguyên thu được chỉ vỏn vẹn hơn chục tỷ đồng, không đủ tiền… thuê công nhân vá ổ gà cho các tuyến đường phục vụ xe chở quặng, chẳng hạn như Tuyến tỉnh lộ 254 nối huyện Ba Bể (tỉnh Bắc Kạn) và huyện Định Hóa (tỉnh Thái Nguyên) – vốn là con đường huyết mạch chở quặng chì, kẽm, sắt của huyện Chợ Đồn đi nơi khác.
Được biết, từ khi tỉnh Bắc Kạn được tái thành lập vào năm 1997, mỗi năm địa phương này chi đến cả trăm tỷ đồng để tiến hành sửa chữa, nâng cấp các tuyến đường giao thông. Riêng năm 2011, mức đầu tư nâng cấp, mở mới các Tuyến đường 257, 258 và Quốc lộ 3B lên tới hơn 5.000 tỷ đồng. Điều đáng nói là các loại xe chở quặng luôn là một trong những thủ phạm “đóng góp” tích cực nhất vào việc tàn phá đường.
Sở dĩ nguồn thu từ thuế, phí liên quan đến hoạt động khai khoáng tại Bắc Kạn đạt tỷ lệ thấp là do mức thu theo quy định cũ tương đối nhỏ, mặt khác, do nhiều doanh nghiệp cố tình chây ỳ, viện mọi khó khăn để trì hoãn. Vậy là trong khi vừa phải đầu tư kinh phí nâng cấp hạ tầng, đường sá, các ban, ngành ở Bắc Kạn lại vừa phải đốc thúc các doanh nghiệp khoáng sản nộp đủ thuế, phí theo quy định.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Kạn, tính đến ngày 20/10/2013, các công ty khai thác khoáng sản trên địa bàn vẫn còn nợ đọng hơn 200 tỷ đồng tiền thuế, phí, chiếm hơn 50% tổng số thu ngân sách địa phương. Trong đó, riêng Công ty Cổ phần Thương mại và Khoáng sản Nguyên Phát, doanh nghiệp khai thác mỏ vàng sa khoáng Bản Nghiềng – Vằng Ma tại xã An Thắng, huyện Pác Nặm nợ tới gần 180 tỷ đồng.
Công tác quản lý cần được thắt chặt
Với không ít những cái “mất” đã được đề cập, có lẽ đã đến lúc các ngành chức năng của tỉnh Bắc Kạn cần nhìn nhận lại nghiêm túc vấn đề quản lý tài nguyên và cấp mỏ, đặc biệt là với các mỏ đang trong quá trình khai thác và chờ cấp phép. Bởi nếu không đẩy mạnh và làm tốt công tác này, Bắc Kạn khó có thể giải quyết được thực trạng bất cập hiện nay là cấp phép khai thác mỏ nhưng không thu được thuế, phí hoặc không cấp mỏ thì cũng khó có thể bảo vệ được tài nguyên do nạn khoáng tặc lộng hành.
Mỏ vàng gốc Pác Lạng thuộc địa bàn hai xã Thượng Quan và Đức Vân (huyện Ngân Sơn) là một trong những điểm mỏ gây nhiều nhức nhối trong công tác quản lý. Mỗi năm, chính quyền Bắc Kạn chi khá nhiều tiền cho công tác bảo vệ tại mỏ, nhưng chưa bao giờ Pác Lạng vắng nạn khai thác vàng trái phép.
Do mỏ rộng, được bao bọc giữa rừng núi hiểm trở với hệ thống hang động rộng lớn cùng hàng trăm km đường hầm chằng chịt trong lòng núi, nên công tác truy quét khoáng tặc rất khó thực hiện hiệu quả. Các đối tượng thường lẩn khuất sâu trong rừng, trong hang và chỉ khai thác lén lút khi lực lượng chức năng rút khỏi, thậm chí nghề khai thác vàng trái phép ở đây mang tính “cha truyền con nối”. Gần khu vực mỏ còn hình thành cả một thôn có tên Khau Liêu, thuộc xã Thượng Quan với gần hai trăm nhân khẩu sống dựa vào việc lên các cửa hang vàng Pác Lạng nhặt sái sẩm để đổi lấy gạo ăn.
Tương tự, khu vực khai thác trái phép thuộc Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kim Hỷ (huyện Na Rì) cũng tồn tại như một lãnh địa riêng của vàng tặc. Hoạt động khai thác “chui” tại đây diễn ra từ những năm 1987, có lúc số lán trại trong vùng lõi lên tới con số hàng trăm. Mặc dù chính quyền đã nhiều lần tổ chức truy quét, song không thành vì chỉ được vài ngày là đâu lại vào đó. Thậm chí, vàng tặc ở đây có mối quan hệ mật thiết với người dân bản địa nên hễ lực lượng kiểm tra có động thái gì là các đối tượng đều được thông báo trước. Bất lực, chính quyền tỉnh Bắc Kạn đành “tạm quên” đi những nhóm vàng tặc này và mặc cho chúng ngang nhiên lộng hành trong Khu bảo tồn giá trị. Đây cũng là điều kiện để các nhóm vàng tặc bưng bít những sự cố xảy ra trong quá trình khai thác “chui” như sập hầm, công nhân chết ngạt. Phía chính quyền cũng khó nắm bắt được thực trạng, trừ phi các vụ việc bị bại lộ.
Không chỉ bất lực với nạn khai thác “chui” trong rừng sâu, các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Kạn còn khó quản lý chính những mỏ nằm sát cạnh đường nhựa. Điển hình là việc khai thác chì, kẽm trái phép tại khu mỏ Ba Bồ, xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn. Mỏ bị khai thác trái phép từ năm 2003, nay đã bị biến thành chiếc moong nước rộng lớn. Cuối năm 2012, tại khu vực thôn Nà Lếch, xã Lương Bằng, huyện Chợ Đồn, quặng tặc cũng san gạt cả một ngọn núi, vơ vét hàng nghìn tấn quặng sắt nhưng các cơ quan chức năng huyện vẫn không thể truy tìm được thủ phạm?!