ThienNhien.Net – Để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, tỉnh Nam Định dự kiến đầu tư hơn 764 tỷ đồng thực hiện 22 đề án, chương trình thích ứng với biến đổi khí hậu.
Là tỉnh ven biển, hàng năm, Nam Định chịu nhiều thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra. UBND tỉnh Nam Định đã ban hành kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu đến năm 2020.
Theo đó, tỉnh sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp thích ứng với các tác động của biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai, khai thác sử dụng tài nguyên theo hướng hợp lý, hiệu quả và bền vững.
Đồng thời tỉnh cũngchú tr ọng khai thác, sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả nguồn tài nguyên nước; tăng cường công tác kiểm soát ô nhiễm nguồn nước; đảm bảo tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch là 100% ở thành thị và 95% ở nông thôn.
Bên cạnh đó đẩy mạnh phục hồi và trồng rừng mới, phấn đấu đến năm 2020 quỹ đất rừng của Nam Định đạt 5.713 ha. Tỉnh phấn đấu 100% các khu, cụm công nghiệp đi vào hoạt động có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn, 70% lượng nước thải ra môi trường lưu vực các sông được xử lý, tiêu hủy trên 85% chất thải nguy hại…
Trong số 22 đề án, chương trình mà tỉnh Nam Định sẽ triển khai, đáng chú ý là đề án tu bổ, nâng cấp hệ thống kè chống sạt lở đê trên toàn tuyến đê của tỉnh trong năm 2014 với tổng kinh phí 200 tỷ đồng; công trình thu gom, xử lý rác thải tại các đô thị loại IV trở lên, có kinh phí 150 tỷ đồng; đề án xây dựng các nhà máy nước sạch cho nhân dân các huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu và Giao Thủy với mức đầu tư 90 tỷ đồng…
Những năm qua, để thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ và phát triển sản xuất nông nghiệp, tỉnh Nam Định đã nâng cấp, kiên cố hóa 56,8/76,6 km đê biển, có khả năng chống bão cấp 10, tần suất 5%; xây mới 8 cống qua đê và 53 mỏ kè giữ bãi bảo vệ đê.
Tỉnh Nam Định đang xây dựng 21 mỏ kè mới; tiếp tục thi công tu bổ, nâng cấp 18,1 km đê biển xung yếu ở 3 huyện ven biển là Nghĩa Hưng, Hải Hậu và Giao Thủy.
Tỉnh Nam Định cũng đã xây mới 30 cống qua đê bảo đảm an toàn trong mùa mưa bão, nâng cấp hơn 30km đê sông, hơn 20km chiều dài kè bảo vệ đê và bê tông hóa mặt đê; đẩy mạnh công tác trồng rừng chắn sóng, giữ bãi. Đến nay, diện tích rừng ngập mặn của tỉnh đạt 3.600 ha.