ThienNhien.Net – Các thủy điện có công suất trên 30 MW đều đã do EVN đầu tư. Hầu hết dự án thủy điện còn lại đều là vừa và nhỏ, đóng góp ít vào sản lượng điện của cả nước nhưng tác động tiêu cực đến môi trường rất lớn
Mới đây, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên phối hợp với Ủy ban Kiểm tra trung ương tổ chức đoàn giám sát việc quy hoạch, đầu tư xây dựng các nhà máy thủy điện ở khu vực Tây Nguyên và các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND các địa phương nói trên không thực hiện cấp phép đầu tư, xây dựng các dự án thủy điện mới cho đến khi thực hiện xong việc rà soát quy hoạch.
Đã mất rừng lại tốn thêm tiền
Có dự án sau một thời gian vướng mắc khâu đền bù giải phóng mặt bằng trong khi chủ đầu tư đã bỏ nhiều tiền vào các hạng mục khác nên tỉnh phải bồi thường cho doanh nghiệp. Chẳng hạn, năm 2008, UBND tỉnh Đắk Nông đã đồng ý cho Công ty CP Năng lượng Trung Thành Hưng (TP HCM) đầu tư xây dựng dự án Khu Du lịch sinh thái, văn hóa Liêng Nung kết hợp Nhà máy Thủy điện Đắk Nia. Tuy nhiên, sau khi giao dự án cho doanh nghiệp thì vướng mắc phát sinh, nhất là trong khâu giải phóng mặt bằng nên dự án bị tắc.
Mới đây, UBND tỉnh Đắk Nông đã ra quyết định thu hồi dự án trước thời hạn với lý do “để triển khai thực hiện chủ trương của UBND tỉnh đầu tư xây dựng công viên vui chơi giải trí Liêng Nung”. Điều đáng nói là ngoài việc giao dự án thì UBND tỉnh Đắk Nông cũng giao cho chủ đầu tư quản lý, bảo vệ gần 13 ha rừng tự nhiên tại khu vực thác Liêng Nung.
Theo biên bản bàn giao rừng, tại thời điểm dự án được chuyển về cho Công ty CP Năng lượng Trung Thành Hưng, toàn bộ gần 13 ha rừng có mật độ che phủ và trữ lượng gỗ khá cao. Sau khi dự án hoàn thành, toàn bộ diện tích rừng này sẽ được đầu tư, mở rộng để chuyển thành rừng đặc dụng nhằm bảo tồn thiên nhiên, hệ sinh thái. Thế nhưng, đến đầu năm 2011, toàn bộ diện tích rừng tại khu vực thác Liêng Nung hầu như đã bị xóa sổ hoàn toàn do chủ rừng không quản lý, bảo vệ. Ngoài việc mất trắng gần 13 ha rừng, mới đây, UBND tỉnh cũng đã phải bồi hoàn hơn 25,6 tỉ đồng cho Công ty CP Năng lượng Trung Thành Hưng do đã đầu tư xây dựng một số hạng mục. Đây là một trong nhiều dự án thủy điện thiệt đơn thiệt kép ở Tây Nguyên. Vì vậy, thời gian qua, UBND tỉnh Đắk Nông đã rà soát, loại bỏ 8 dự án thủy điện có tổng công suất 25,7 MW ra khỏi quy hoạch.
Chính quyền địa phương nương tay
Trong báo cáo mới đây gửi đến Ủy ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, đánh giá về dự án thủy điện La Hiêng 2 (xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân) và dự án thủy điện Đá Đen (xã Hòa Mỹ Tây, huyện Tây Hòa), UBND tỉnh Phú Yên cho rằng cả 2 dự án đều triển khai rất chậm. Dự án thủy điện La Hiêng 2 do Công ty CP VRG Phú Yên làm chủ đầu tư với công suất 18 MW, khởi công năm 2009, kế hoạch hoàn thành năm 2011 nhưng đến nay vẫn chưa xong đường hầm dẫn nước.
Còn dự án thủy điện Đá Đen với công suất 9 MW do Công ty CP Đầu tư Năm Bảy Bảy làm chủ đầu tư, được khởi công từ tháng 8-2005, được UBND tỉnh Phú Yên cho phép gia hạn rất nhiều lần nhưng đến nay vẫn chỉ mới dừng lại với hạng mục đường dẫn vào rừng để thi công với chiều dài khoảng 5 km. Tại công trường thủy điện vắng hoe, bên trong cánh cổng sắt đóng kín mít chỉ có một người bảo vệ với vài chiếc xe ủi, xe múc nằm gỉ sét ở chân núi. Người bảo vệ cho biết mọi hoạt động thi công đã dừng từ nhiều tháng nay.
Trong khi đó, những cánh rừng ở 2 dự án thủy điện này đang bị đốn hạ không thương tiếc. Không chỉ 84 ha rừng phòng hộ nằm trong phạm vi bị ngập ở dự án thủy điện La Hiêng 2 và 10 ha ở dự án thủy điện Đá Đen bị mất mà việc ủi đường luồn sâu vào rừng để thi công của 2 dự án này đã tạo điều kiện cho lâm tặc vào những khu lân cận để đốn gỗ.
Khi đến thủy điện Đá Đen vào giữa buổi sáng, chúng tôi bắt gặp hàng đoàn xe máy đang rú ga theo con đường vừa được mở để chở gỗ. “Ban đêm còn khiếp hơn. Xe chở gỗ từ núi Đá Đen xuống cứ ầm ầm, không ai dám ra đường” – ông Nguyễn Văn Tùng, người dân ở xã Hòa Mỹ Tây, kể.
Ông Hoàng Trọng Trọng, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Phú Yên, cho biết vì dự án thủy điện Đá Đen triển khai quá chậm nên năm 2012, Sở Công Thương có đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị UBND tỉnh Phú Yên thu hồi nhưng sau đó, UBND tỉnh Phú Yên lại tiếp tục cho gia hạn dự án đến cuối năm 2013. “Nhu cầu về điện năng là cần thiết nhưng không thể chấp nhận nhà đầu tư làm ăn kiểu như thế. Chúng tôi sẽ tiếp tục đề nghị thu hồi” – ông Trọng quả quyết. Lý giải về việc gia hạn, ông Huỳnh Xuân Sơn, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Phú Yên, cho rằng do chủ đầu tư của dự án là doanh nghiệp nhà nước, đã chi ra một số vốn đầu tư ban đầu, nếu thu hồi sẽ mất vốn nhà nước. “Nhưng lần này, nếu dự án tiếp tục ì ạch thì phải kiên quyết thu hồi chứ không du di nữa” – ông Sơn nói.
Ngưng dự án, dân ăn mừng!
Đến xã Sơn Giang, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên, đề cập đến việc dự án thủy điện Sơn Giang bị dừng triển khai, người dân tỏ ra hết sức vui mừng. Theo đánh giá của UBND tỉnh Phú Yên thì đây là một dự án ít tác động môi trường nhất trong số các dự án thủy điện ở tỉnh này do sử dụng lại nguồn nước từ thủy điện Sông Hinh nhưng nếu xây dựng thủy điện sẽ có trên 30 ha đất nông nghiệp màu mỡ bên dòng sông Con bị chôn vùi dưới lòng hồ. “Sống dưới cái túi nước khổng lồ làm sao yên tâm được. Nhiều nơi đã phải bỏ làng lên rừng vì thủy điện rồi” – ông Hoàng Văn Hùng, người dân ở xã Sơn Giang, nói. Trong khi đó, tại xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên, khi nghe việc dự án thủy điện Khe Cách bị thu hồi, người dân đã mổ heo ăn mừng. Ban đầu khi dự án được đưa ra, đến hơn nửa buôn của xã phải di dời vì bị ngập nên UBND tỉnh Phú Yên yêu cầu giảm công suất còn 6 MW. Tuy nhiên, với công suất này dự kiến cũng phải có hơn 20 ha rừng bị biến mất nếu dự án triển khai. |