ThienNhien.Net – Để ứng phó hiệu quả, giảm thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra, ngay trong năm 2014, ngoài việc phân bổ ngân sách cho các công trình quan trọng như bệnh viện, giao thông chưa hoàn thành, thành phố ưu tiên tập trung vốn cho các công trình chống ngập úng.
Ngày 26/10, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hồ Chí Minh đã thông qua Chương trình hành động với 5 nhóm giải pháp nhằm ứng phó có hiệu quả với tình biến đổi khí hậu trên địa bàn.
Thời gian qua, tình hình thời tiết trên địa bàn thành phố diễn biến rất phức tạp, khó lường và cực đoan, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Bão và áp thấp nhiệt đới có xu hướng ảnh hưởng nhiều đến các tỉnh Nam Bộ, trong đó có TP Hồ Chí Minh. Tần suất xuất hiện những trận mưa lớn nhiều hơn nên đã gây tình trạng ngập, úng trên diện rộng.
Tổng lượng mưa trên địa bàn TP Hồ Chí Minh năm 2001 là 1.634,3mm, tháng cao nhất đạt 410,4mm, đến năm 2012, tổng lượng mưa trong năm đã tăng lên 2.002,1mm và lượng mưa tháng cao nhất đã lên đến 526,5mm.
Đỉnh triều cường trên sông Sài Gòn luôn năm sau cao hơn năm trước. Từ năm 2001 đến nay luôn vượt mức báo động cấp II (1,40m). Đặc biệt, trong 5 năm trở lại đây đỉnh triều luôn vượt mức báo động cấp III (1,50m). Năm 2009, đỉnh triều cao 1,56m; năm 2010, đỉnh triều cao 1,55m; năm 2011, đỉnh triều cao 1,59m; năm 2012 đỉnh triều cao 1,62m và ngày 20/10/2013 vừa qua, đỉnh triều đã đạt 1,68m, tăng 28cm so với đỉnh triều tháng 10/2001.
Mặc dù thành phố đã quan tâm và tập trung nhiều biện pháp ứng phó như công tác quy hoạch, xây dựng đô thị, xây dựng cơ sở hạ tầng thoát nước, chống ngập; ban hành các chương trình đột phá về giảm ngập nước, giảm ô nhiễm môi trường; huy động nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp hệ thống hạ tầng đô thị…
Tuy nhiên, công tác ứng phó với biến đổi khí hậu đến nay mới triển khai một số hoạt động bước đầu, còn bị động, lúng túng, việc quản lý, sử dụng tài nguyên chưa bền vững; tình trạng ngập nước nội thị, ô nhiễm môi trường vẫn nghiêm trọng, có mặt ngày càng gay gắt hơn, ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội, sức khỏe và đời sống nhân dân.
Theo Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải, những hạn chế, bất cập trong ứng phó với biến đổi khí hậu của thành phố thời gian qua ngoài những nguyên nhân khách quan như do thời tiết khí hậu thay đổi, nước biển dâng… thì nguyên nhân chủ quan là rất lớn.
Ông Lê Thanh Hải cho rằng, vẫn còn một số cấp ủy, chính quyền nhận thức chưa sâu sắc, chưa đầy đủ, đúng mức về tầm quan trọng của công tác ứng phó với biến đổi khí hậu đến sự phát triển bền vững của thành phố; chất lượng quy hoạch đô thị, quy hoạch sử dụng đất chưa đạt yêu cầu, hiệu quả quản lý quy hoạch còn hạn chế, tình trạng tự phát trong đô thị hóa, san lấp, lấn chiếm sông, kênh, rạch; cơ chế chính sách chưa khuyến khích tăng mảng xanh, hạn chế bê tông hóa trong phát triển đô thị…
Bên cạnh đó, việc thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, khai thác và sử dụng tài nguyên chưa làm tốt; cơ chế phối hợp liên ngành, liên vùng trong ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường chưa phát huy hiệu quả.
Với mục tiêu giải quyết hiệu quả tình trạng ngập úng hiện nay, thành phố đề ra 5 nhóm giải pháp chủ yếu, gồm: Tăng cường, đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng cường quản lý nhà nước về ứng phó với biến đổi khí hậu; ưu tiên bố trí tài chính và thu hút đầu tư đáp ứng yêu cầu ứng phó với biến đổi khí hậu; mở rộng hợp tác, hội nhập quốc tế trong lĩnh vực này.