ThienNhien.Net – Trao đổi với Báo Người Lao Động, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định: Quan điểm của Chính phủ là liên tục rà soát, kiểm soát các hồ thủy điện, thủy lợi; dứt khoát loại bỏ những hồ có hệ quả xấu.
Phóng viên: Tuần này, Chính phủ sẽ có Báo cáo quy hoạch tổng thể về thủy điện trước Quốc hội, qua đó, thông điệp chính của Chính phủ đối với vấn đề thủy điện là gì, thưa Phó Thủ tướng?
– Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: Thông điệp chính của Chính phủ một lần nữa thể hiện rõ trong lần báo cáo này. Chúng ta phải thừa nhận là phát triển các hồ thủy điện, thủy lợi là việc phải làm và cần thiết phải làm. Trước hết, vì Việt Nam là quốc gia thiếu nước, rất cần nước cho sinh hoạt và cho sản xuất. Nếu những hồ chứa nước này kết hợp được đa mục tiêu là điều tốt nhất, có hiệu quả rất lớn cho vùng tiểu khí hậu, bảo đảm phát triển bền vững…
Có ý kiến cực đoan, nếu bỏ hết các hồ chứa là đỡ phải lo nhưng khi đó lấy nước đâu mà phục vụ cho đời sống và sản xuất. Thực tế, nhiều địa phương thiếu nước, nếu không có hồ chứa sẽ thế nào? Trong khi đó, hết mùa mưa là mực nước ngầm xuống thấp, giếng phải đào rất sâu mới có nước đáp ứng cho nhu cầu cuộc sống của người dân.
Nhưng mặt trái của các hồ chứa nước thủy điện là gây “lũ kép” hay vì sản xuất điện mà quên việc cấp nước vào mùa khô…?
– Những mặt trái của hồ thủy điện đúng là vậy, vì thế phải hạn chế tối đa những mặt tiêu cực. Để hạn chế tiêu cực của các hồ thủy điện, thủy lợi, Chính phủ đã giao các Bộ Công Thương, Nông nghiệp – Phát triển nông thôn tổng kiểm tra, rà soát toàn bộ các hồ trên toàn quốc. Từ đó, loại bớt những hồ không hợp lý, có vấn đề; hạn chế toàn bộ cách làm theo phong trào và tăng cường trách nhiệm của các chủ hồ.
Quan trọng hơn cả là để bảo đảm lợi ích chung và lợi ích cuộc sống của người dân thì phải đưa ra được quy trình vận hành cho các hồ, liên hồ. Tất nhiên, không phải có quy trình là hiệu quả ngay mà cần phải cập nhật, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn. Tập trung đưa việc quản lý các hồ vào nề nếp, gắn chặt trách nhiệm chủ hồ với cơ quản quản lý nhà nước. Các hồ chứa như “quả bom nước” nên chủ hồ, cơ quan quản lý nhà nước phải có nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát liên tục từ mùa khô đến mùa mưa lũ theo tiêu chí bắt buộc là phải bảo đảm an toàn thì mới cho tích nước.
Quan điểm của Chính phủ rất rõ là nếu hồ thủy điện, thủy lợi không đáp ứng được đa mục tiêu là dứt khoát bỏ, dừng. Thực tế, cơ quan chức năng đã loại bỏ hơn 400 hồ thủy điện trong thời gian qua. Cương quyết xử lý chủ đầu tư thiếu trách nhiệm, chỉ chạy theo lợi ích riêng.
Nhưng người dân và giới chuyên môn vẫn lo ngại những sự cố từ thủy điện, thủy lợi do chủ quan chưa xử lý nghiêm, thưa ông?
– Thực tế đã xử lý các chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn giám sát đối với các sự cố, sai phạm trong thi công, vận hành và quản lý các hồ thủy điện, thủy lợi. Trong đó có việc phải bồi thường cho người dân, địa phương bị thiệt hại. Tuy nhiên, những trường hợp chưa đủ mức xử lý hình sự thì không thể áp đặt mà phải theo pháp luật.
Vậy theo Phó Thủ tướng, tới đây Chính phủ có tiếp tục yêu cầu bộ, ngành chức năng rà soát loại bỏ thêm các hồ thủy điện?
– Quan điểm của Chính phủ là liên tục rà soát, kiểm soát các hồ thủy điện, thủy lợi. Nếu bộ, ngành, địa phương và người dân phát hiện các hồ đã, đang và sẽ xây dựng có vấn đề, sau đó cơ quan chức năng đánh giá có hệ quả xấu thì dứt khoát loại bỏ.
Quốc hội đánh giá tình hình kinh tế – xã hội Theo thông tin từ Văn phòng Quốc hội (QH), ngày 28-10, bước sang tuần làm việc thứ hai của kỳ họp thứ 6, liên quan tới công tác lập pháp, QH sẽ nghe và thảo luận về các dự án: Luật Hải quan (sửa đổi); Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Luật Tiếp công dân; Luật Công chứng (sửa đổi); Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật… Giữa tuần, QH sẽ thảo luận về báo cáo của các cơ quan tư pháp; báo cáo phòng, chống tham nhũng năm 2013; báo cáo quy hoạch tổng thể về thủy điện. Hôm nay, 28-10, QH sẽ nghe các báo cáo về công tác thi hành án, phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; kết quả thực hiện Nghị quyết số 37/2012/QH13 của QH về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của VKSND, của TAND và công tác thi hành án năm 2013. Trong 2 ngày 31-10 và 1-11, QH sẽ dành thời gian thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế – xã hội. Các phiên thảo luận sẽ được truyền hình trực tiếp. |