ThienNhien.Net – Với 424 dự án thủy điện bị loại bỏ khỏi quy hoạch, 136 dự án tạm dừng, 158 dự án tiếp tục được đánh giá rà soát và 172 vị trí tiềm năng không được xem xét đưa vào quy hoạch, vấn đề quy hoạch thủy điện bộc lộ nhiều vấn đề lớn.
Sáng 26/10, Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội họp phiên toàn thể thẩm tra báo cáo của Chính phủ về rà soát quy hoạch tổng thể thủy điện theo nghị quyết số 40/2012/QH13 của Quốc hội.
Loại 424 dự án khỏi quy hoạch, thiệt hại “không nhiều”?
Theo báo cáo của Bộ Công thương, kết quả rà soát quy hoạch thủy điện cho thấy đã loại bỏ 424 dự án (trong đó gồm 6 thủy điện bậc thang 395 MW và 418 dự án thủy điện nhỏ 1.174 MW), chiếm 34,2% tổng số dự án đã quy hoạch.
Hai dự án thủy điện bậc thang thu hút sự chú ý của dư luận trong thời gian qua là Đồng Nai 6 và 6A cũng bị loại khỏi quy hoạch.
Như vậy trên cả nước hiện còn lại 815 dự án, công trình thủy điện (24.334 MW). Trong số đó có 268 dự án đang vận hành (14.240MW), 205 dự án đang thi công xây dựng và dự kiến khai thác từ nay đến 2017 (6.198MW).
ĐB Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) nêu: “Thủy điện bị loại bỏ khỏi quy hoạch thì tốn kém với Nhà nước bao nhiêu, với doanh nghiệp bao nhiêu?”. Đây cũng là câu hỏi được nhiều ĐB khác đưa ra.
Các ĐB cho rằng việc dừng, loại bỏ dự án chắc chắn gây thiệt hại đối với Nhà nước, doanh nghiệp và yêu cầu Chính phủ phải có báo cáo rõ ràng về con số thiệt hại, tuy nhiên báo cáo Chính phủ không đưa ra được thông tin này.
Ngay trong phần phát biểu khai mạc phiên họp, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đã nhấn mạnh đến vấn đề Chính phủ cần làm rõ hậu quả mang lại từ việc hủy bỏ, dừng và điều chỉnh các dự án thủy điện.
Trong phần trình bày của mình, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh chỉ nói chung chung rằng “nhiều dự án bị loại hiện chưa có nhà đầu tư đăng ký để lập dự án đầu tư nên chi phí liên quan chủ yếu là ngân sách lập quy hoạch chung, nhưng không nhiều”!
Bức xúc thủy điện xả lũ
Ông Bùi Nguyên Súy, Phó trưởng ban Dân nguyện của QH đặt câu hỏi: “Dừng như vậy thì trách nhiệm của người có thẩm quyền phê duyệt và đầu tư sẽ thế nào? Cái này không thấy nêu trong báo cáo”.
Còn ông Danh Út (Phó chủ tịch Hội đồng dân tộc) thì thẳng thắn: “Ai quyết định quy hoạch, đầu tư sai thì trách nhiệm ra sao? Chính phủ không đề xuất mạnh mẽ vấn đề này thì tôi không đồng tình”.
ĐB Huỳnh Minh Thiện (TP HCM) cho biết thực tế có ĐBQH còn phản ánh có hiện tượng “nhân bản quy hoạch” trong quy hoạch thủy điện, khiến tình trạng rơi vào thế nở rộ, khó kiểm soát như hiện nay.
ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) thì đề nghị ai phê duyệt dự án sai thì nghỉ hưu rồi vẫn phải chịu trách nhiệm.
Ngoài ra, các ĐBQH bức xúc về việc thủy điện xả lũ gây ngập cho hạ du làm dân thiệt hại nặng, không trồng rừng thay thế theo đúng quy định, đời sống người dân bị di dời phục vụ cho nhà máy thủy điện không đảm bảo, tác động kinh tế – xã hội – môi trường chưa được chú trọng đúng mức.
Trước những bức xúc của ĐBQH, ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết nguyên nhân dẫn đến thực trạng hiện nay của các dự án thủy điện (quy hoạch kém, môi trường bị ảnh hưởng…) có nhiều nhưng nguyên nhân của mọi nguyên nhân có lẽ là từ khi bùng phát thủy điện nhỏ.
“Chúng ta đã xây các thủy điện lớn như Thác Bà, Hòa Bình, .. nhưng không có nhiều vấn đề như bây giờ. Mọi vấn đề phát sinh chủ yếu từ khi có thủy điện nhỏ (do UBND tỉnh phê duyệt – PV). Việc xã hội hóa, phân cấp xây dựng, phê duyệt quy hoạch thủy điện nhỏ có tác động to lớn tới tình trạng như hiện nay, khiến quan hệ phối hợp, năng lực cán bộ có vấn đề”, ông Khánh nói.