ThienNhien.Net – Chưa có kết luận chính thức, song hàng chục người đã chết và đang mắc căn bệnh ung thư sống cạnh nhà máy sản xuất tấm lợp Fibro xi măng.
Như VTC News đã đưa tin, khoảng 17h30 ngày 14/10, khi Nhà máy sản xuất tấm lợp Thiên Lộc (phường Phả Lại, thị xã Chí Linh, Hải Dương) đang chạy thử dây chuyền sản xuất tấm lớp Fibro ximăng thì hàng trăm người dân kéo đến phản đối và yêu cầu dừng sản xuất.
Đồng thời, do bức xúc trước lời “đe dọa” của một cán bộ phường đã nghỉ hưu, người dân đã huy động 3 xe tải chở khoảng gần 20 khối đất đá đổ chặn ngay cổng, không cho xe chở nguyên vật liệu và công nhân ra vào nhà máy này, buộc nhà máy phải dừng sản xuất.
Thủ phạm gây ung thư?
Theo phản ánh của người dân, từ năm 1993-1994 Xí nghiệp tấm lợp Đông Anh thuộc Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng số 18 đi vào hoạt động đến năm 2010. Quá trình sản xuất hơn 15 năm, họ để bụi amiăng bay lên hòa với không khí, nước thải không qua xử lý xả thẳng ra môi trường, ngấm vào lòng đất gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Người dân sống xung quanh khu vực và cả người bán hàng tại chợ hít phải không khí, sử dụng nước ngầm đã mắc phải nhiều căn bệnh nan y như: ung thư, tiểu đường, viêm đường hô hấp…
Do sức ép của dư luận, Xí nghiệp tấm lợp Đông Anh đã phải dừng sản xuất, nhưng sau đó lại chuyển nhượng toàn bộ nhà máy cho Công ty TNHH Thiên Lộc. Sau khi tiếp quản, Công ty Thiên Lộc tiếp tục đầu tư nâng cấp máy móc cũ, xây dựng thêm nhà xưởng để sản xuất tấm lợp Fibro xi măng.
Theo người dân, việc chuyển nhượng này chỉ là “bình mới, rượu cũ”. Công suất của nhà máy trước đây chỉ 300.000-400.000 tấm/năm, thì nay nâng lên 1 triệu tấm/năm. Đồng nghĩa với việc mức độ ảnh hưởng ô nhiễm sẽ nghiêm trọng hơn.
Đặc biệt, khi sản xuất, bụi bột amiăng và bột thủy tinh nhà máy không được xử lý triệt để bay mù mịt vào nhà dân và bám vào thực phẩm, đồ ăn được bày bán trong chợ dân sinh Lục Đầu Giang nằm sát phía sau nhà máy, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân địa phương.
Cũng theo người dân, hơn 10 năm nay, chỉ tính riêng một dãy nhà dân với trên 30 hộ thì đã có trên 10 người chết vì bệnh ung thư; người già nhất 57 tuổi, người trẻ nhất là 31 tuổi. Lúc đầu, có một vài người chết bà con không để ý cho là bình thường, nhưng khi có nhiều người chết mới nghi ngờ thủ phạm gây nên cái chết cho nhiều người như vậy có liên quan đến việc nhà máy này sản xuất gây ô nhiễm môi trường.
Đơn cử như trường hợp gia đình anh Vũ Phúc Hòe chết vì ung thư năm 2010 khi mới 43 tuổi, sau đó vợ là chị Nguyễn Thị Doan, SN 1984, phát hiện mắc bệnh ung thư tử cung – Nhà nằm sát cạnh tường bao nhà máy. Có những hộ phải treo biển “Bán nhà” vì sợ không dám sống ở đây nữa.
Đến nay cũng chưa có cơ quan nào về đây để đánh giá, quan trắc và xác định xem những người dân chết vì bệnh ung thư tại đây có liên quan đến việc nhà máy này gây ô nhiễm hay không. Chỉ biết rằng, theo thống kê sơ bộ của người dân, tính đến thời điểm hiện tại đã có 28 người chết và 6 người đang mắc căn bệnh ung thư. Hầu hết những người này đều sống sát cạnh tường bao nhà máy.
Người dân đã nhiều lần làm đơn kiến nghị với nhà máy và chính quyền địa phương cũng như các cơ quan chức năng, không đồng tình cho việc sản xuất tấm lợp này, lo ngại gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, đề nghị nhà máy chuyển đổi ngành nghề kinh doanh khác.
Tuy nhiên, Công ty Thiên Lộc vẫn được các cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận đầu tư và giấy phép kinh doanh, cho sản xuất tấm lợp Fibro xi măng.
Có vi phạm pháp luật?
Trong buổi làm việc với đại diện nhà máy, ông Phạm Hữu Bình, cán bộ Phòng hành chính tổng hợp cho biết, các cơ quan chức năng tỉnh Hải Dương cho phép Công ty TNHH Thiên Lộc được sử dụng báo cáo đánh giá tác động môi trường lập năm 1997 của Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng số 18 làm cơ sở để được cấp giấy chứng nhận đầu tư và giấy phép kinh doanh để tiếp tục đầu tư vào sản xuất tấm lợp Fibro xi măng.
Sau khi tiếp nhận và cải tạo, nâng cấp dây chuyền cũ, công ty cho chạy thử đợt 1 từ ngày 16-23/9 nhưng không xin phép các cơ quan quan chức năng. “Chúng tôi chưa kịp mời” – Ông Bình thật thà chia sẻ.
Khi được hỏi, liệu dây chuyền sản xuất của nhà máy có đảm bảo về môi trường, ông Bình cho biết: “Chúng tôi không có khả năng đánh giá mà phải là các cơ quan chức năng”. Tuy nhiên, ông Bình cũng khẳng định: “Với dây chuyền sản xuất và công nghệ hiện nay của nhà máy thì đảm bảo tiên tiến, an toàn các điều kiện về bảo vệ môi trường”.
Làm việc với đại diện chính quyền phường Phả Lại, được biết, từ đầu năm 2013, tiếp thu những bức xúc của người dân phản ánh về việc nhà máy này chuẩn bị hoạt động, Hội đồng nhân dân phường đã thành lập đoàn giám sát và yêu cầu khi nhà máy chạy thử phải mời các cơ quan chức năng đến giám sát và quan trắc đánh giá tác động môi trường.
Tuy nhiên, công ty này đã không thực hiện nên ngày 21/9 khi nhà máy đang chạy thử UBND phường đã yêu cầu dừng, đồng thời yêu cầu công ty tổ chức đối thoại để nghe ý kiến phản ánh của người dân và các ban ngành đoàn thể. Chủ tịch phường đã yêu cầu dừng sản xuất.
Đến ngày 14/10, sau khi được chính quyền phường cho phép chạy thử 5 ngày, nhà máy tiếp tục chạy thử thì bị người dân phản đối và đổ đất đá, dựng lều trước cổng nhà máy để phản đối.
Được biết, đến chiều 23/10, người dân đã đồng ý chở khối đất đá, dỡ lều bạt đã dựng trước đó tại cổng nhà máy để đảm bảo an ninh trật tự địa phương, đồng thời đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc giải quyết những đề xuất kiến nghị của người dân.