ThienNhien.Net – Cairo và Addis Ababa có thể sớm đạt được thỏa thuận làm dịu cuộc tranh cãi liên quan đến đập thủy điện Renaissance trên sông Blue Nile ở Ethiopia. Mới đây, cả hai nước đều bày tỏ thiện chí và nhất trí đàm phán về dự án này. Ai Cập thậm chí còn đồng ý tham gia xây dựng đập tuy vẫn chưa nêu điều kiện. Theo mạng “Tin Trung Đông”, quyết định của Cairo xuất phát từ vị thế yếu ớt trong các cuộc đàm phán với Ethiopia.
Phát biểu tại một cuộc họp báo hôm 7/10, Thủ tướng Ethiopia Hailemariam Desalegn tuyên bố Addis Ababa hoan nghênh sự tham gia của Ai Cập và Sudan vào việc xây dựng con đập, đồng thời nhấn mạnh rằng chính phủ của ông coi con đập này thuộc sở hữu chung của Sudan, Ethiopia và Ai Cập. Ai Cập coi tuyên bố trên như một động thái tích cực nhằm đạt được sự đồng thuận về dự án vốn từng hứng chịu những lời chỉ trích gay gắt trước đó của Cairo.
Ngày 17/10, Bộ trưởng Tài nguyên nước và Tưới tiêu Ai Cập Mohamed Abdul Muttalib khẳng định: “Ai Cập không ngại cùng Ethiopia xây dựng con đập vì sự phát triển của nhân dân Ethiopia. Tuy nhiên, hai nước cần nhất trí và làm rõ nhiều vấn đề nhằm tránh khả năng dự án này gây thiệt hại cho phía Ai Cập. Chính phủ Ai Cập luôn ủng hộ hợp tác”. Ai Cập được quyền khai thác 55,5 tỷ m3 nước sông Nile mỗi năm theo một thỏa thuận được nước này ký kết với Sudan hồi năm 1959. Khoảng 85% “hạn ngạch” khai thác nước sông Nile của Ai Cập có nguồn gốc từ cao nguyên Ethiopia, đặc biệt là từ sông Blue Nile – nơi Addis Ababa đang có ý định xây dựng đập thủy điện Renaissance với hồ chứa có dung tích 63 tỷ m3 và tổng công suất 6.000 MW.
Ngày 16/10, một quan chức Ai Cập giấu tên tiết lộ rằng Cairo đã chuẩn bị một kế hoạch mới để đàm phán với Ethiopia về đập Renaissance. Đội ngũ các chuyên gia kỹ thuật và pháp lý đã được giao nhiệm vụ nghiên cứu các nội dung đàm phán để gửi cho phía Ethiopia trong cuộc họp sắp tới… Các đề nghị của Ai Cập bao gồm: tham gia đầy đủ vào việc xây dựng, quản lý và vận hành đập thông qua các kỹ sư của mình; ký kết một thỏa thuận với Ethiopia về việc cử một phái bộ giám sát thường xuyên tại địa điểm xây dựng; làm trung gian nhằm tìm kiếm các nguồn tài trợ và các khoản vay quốc tế phục vụ cho việc xây đập.
Báo cáo mới đây của Ủy ban kỹ thuật ba bên (gồm các đại diện của Ai Cập, Sudan và Ethiopia) đã đưa ra nhiều nhận định về tác hại của dự án đập thủy điện Renaissance đối với Ai Cập. Theo đánh giá của phía Ai Cập được nêu trong báo cáo này, việc xây dựng và vận hành đập Renaissance không có lợi cho hai nước hạ nguồn là Ai Cập và Sudan, đồng thời sẽ tạo điều kiện cho Ethiopia kiểm soát hoàn toàn dòng chảy sông Blue Nile. Ngoài ra, việc tích nước vào hồ chứa trong 3 năm đầu sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến Ai Cập. Nghiên cứu bản thiết kế hiện tại có thể thấy một số khiếm khuyết ảnh hưởng đến an toàn của đập phụ Saddle cũng như đập High Dam của Ai Cập ở hạ nguồn. Phần lớn các nghiên cứu của Ethiopia được cho là quá sơ bộ. Hơn nữa, hiện vẫn chưa có các báo cáo đánh giá tác động đối với môi trường và xã hội của các nước ở hạ nguồn. Do vậy, nhiều chuyên gia tỏ ra rất băn khoăn về quyết định đột ngột của Chính phủ Ai Cập tham gia dự án này, đồng thời cho rằng Cairo đã không xem xét đầy đủ các hậu quả của quyết định này.
Một nguồn tin ngoại giao tham gia các cuộc đàm phán giữa Cairo, Khartoum và Addis Ababa cho biết: “Thông báo bất ngờ về việc Ai Cập tham gia xây đập có liên quan đến nhiều yếu tố vốn đang chi phối mối quan hệ giữa quốc gia Bắc Phi này với Ethiopia. Quyết định của Ai Cập không có nghĩa là quyền chia sẻ nguồn nước sông Nile của Cairo sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, trong giai đoạn tiếp theo, Ai Cập cần giữ vững lá bài gây áp lực của mình để không chấp nhận dự án nếu nó gây hại cho mình… Giới lãnh đạo nhận thức rõ ảnh hưởng nghiêm trọng của con đập đối với an ninh nguồn nước của Ai Cập. Do vậy, trước hết các nước liên quan phải nhất trí về các chính sách liên quan đến việc xây dựng và vận hành con đập trước khi ký kết thỏa thuận tham gia dự án, đồng thời phải tiến hành các nghiên cứu về kỹ thuật và môi trường nhằm tránh các tác hại cho Ai Cập và Sudan”.
Tuy nhiên, nguồn tin ngoại giao này cũng tiết lộ rằng hiện Ai Cập đang phải đối mặt với một tình thế rất phức tạp và không có nhiều lựa chọn trong đàm phán. Vị thế của Ai Cập là yếu nhất do quá phụ thuộc vào nguồn nước sông Nile. Đặc biệt, Ai Cập cũng có vị thế yếu ớt tại vùng Sừng châu Phi sau khi tư cách thành viên của nước này tại Liên minh châu Phi (AU) bị đình chỉ do cuộc đảo chính quân sự ngày 3/7 vừa qua. Do vậy, Cairo không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải chấp nhận tham gia xây đập. Trong khi đó, tháng 9 vừa qua, Chính phủ Ethiopia đã đi trước một bước khi thông báo hoàn thành 30% khối lượng công việc và sẵn sàng bắt tay xây dựng hạng mục chính của con đập. Về phần mình, Sudan đã từ bỏ liên minh với Ai Cập khi tuyên bố ủng hộ dự án với lập luận con đập sẽ giúp bảo vệ nước này trước tình trạng lũ lụt thường xuyên.
Trong khi chờ đợi các cuộc đàm phán sắp tới với Ethiopia và Sudan, Ai Cập đang phải cố thích nghi với tình hình mới. Họ cũng không giấu nổi lo lắng rằng các yêu cầu của mình sẽ không được đáp ứng trong bối cảnh quốc gia Bắc Phi này đang lún sâu vào bất ổn kể từ cuộc đảo chính hôm 3/7.