ThienNhien.Net – Hiện các nông, lâm trường quản lý đất quá rộng, phải khoán cho người dân địa phương làm, còn người dân thiếu đất để sản xuất.
Khảo sát mới đây của Liên minh Đất đai (LANDA) cho thấy, hiện đất đai do các nông, lâm trường quản lý quá rộng, không sử dụng hết phải cho thuê hoặc giao khoán cho người dân địa phương, trong khi người dân thiếu đất để sản xuất. Đồng bào dân tộc thiểu số thiếu cả đất ở lẫn đất sản xuất, thiếu đói và Nhà nước thường xuyên phải hỗ trợ.
Theo ông Nguyễn Đức Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Cộng đồng Nông thôn (điều phối viên của LANDA), “thực tế này làm phát sinh tranh chấp nặng nề về đất đai trên diện tích rộng giữa nông, lâm trường với người dân ở địa phương”.
Lâm trường “ôm” quá nhiều đất, dân thiếu đất sản xuất
Đại diện LANDA dẫn ví dụ: Năm 2002, theo chương trình 661, cán bộ lâm trường về bản Khe Cát và Bên Đường (xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) gặp bà con và động viên trồng cây xóa đói giảm nghèo và hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật trồng rừng, quản lý, bảo vệ rừng. Bà con được thông báo rằng, sau khi trồng cây, bà con chăm sóc và được hưởng lợi khi thu hoạch.
Khi bà con đồng ý, lâm trường cho bà con cây giống và sau đó hỗ trợ cho bà con tiền nước để trồng cây. Vì thế, 17 hộ gia đình đã tham gia trồng rừng. Đến khi cây lớn, bà con thu hoạch cây để bán. Khi vận chuyển ra cửa rừng thì lâm trường chặn lại, không cho bán với lý do rừng trồng đó là thuộc quyền quản lý của lâm trường.
Lâm trường Thanh Hà quản lý khoảng 2.000 ha đất tại 13 xã của huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình, nhưng cán bộ lâm trường chỉ chưa đến 20 người. Lâm trường chỉ có thể trực tiếp sản xuất được 1/3 diện tích được giao. Còn lại, lâm trường khoán đất cho người dân trồng rừng và hằng năm nộp lại cho lâm trường một lượng sản phẩm hoặc số tiền tương ứng. Hiện có hơn 1000 hộ dân tham gia nhận khoán đất với lâm trường. Biết nhận khoán như vậy là thiệt thòi, nhưng họ vẫn phải làm vì thiếu đất sản xuất.Còn Lâm trường Tân Lạc (huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình) giữ 2.150 ha đất rừng mà chỉ có 10 cán bộ quản lý và 3 công nhân. Họ cũng phải giao khoán đất của lâm trường cho người dân địa phương để thu lợi.
(Nguồn: LANDA) |
Đến tháng 7/2010, lâm trường cho người lên khai thác cây, bà con dân bản đã chặn lại. Từ đó xảy ra tranh chấp giữa người dân và lâm trường.
Đến nay, việc tranh chấp giữa người dân với lâm trường về khu rừng trồng theo chương trình 661 chưa được giải quyết.
Về câu chuyện này, LANDA bình luận rằng, “lâm trường ít người nhưng sử dụng nhiều đất mà không hiệu quả, còn dân địa phương đông người nhưng thiếu đất sản xuất, tranh chấp là tất yếu”.
Vì vậy, theo đề xuất của LANDA, chính sách đất đai cần mạnh dạn giao đất của nông, lâm trường quốc doanh cho người dân thiếu đất, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số. Đây là cách tốt nhất để họ được ổn định cuộc sống và thoát nghèo bền vững.
Đề xuất này cũng trên cơ sở từ nguyện vọng của nhân dân. Bởi như chị Hồ Thị Con, bản Bên Đường, đại diện đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều, nói trong buổi tham vấn cộng đồng của LANDA về góp ý cho sửa Luật Đất đai, rằng: “Nói đất là vàng, nhưng không ăn được. Có đất thì mới trồng được cây để có cái ăn. Dân không cần giúp gạo, mà cần nhà nước tạo điều kiện cho dân có đất để tự làm ra cái ăn. Cây thì dân cũng trồng, lâm trường cũng trồng. Vì sao chỉ lâm trường có đất trồng cây mà dân không có đất? Như thế là không công bằng.”
Thận trọng khi giao đất từ lâm trường cho người dân
Cũng theo LANDA, UBND xã Trường Sơn (Quảng Ninh, Quảng Bình) đã đề nghị UBND tỉnh thu hồi diện tích 3.163 ha đất rừng các khu vực gần dân của lâm trường quản lý để giao cho bà con dân tộc Vân Kiều quản lý, bảo vệ và sản xuất trồng rừng kinh tế, nâng cao đời sống cho bà con.
Đề nghị này được chấp thuận và tỉnh đã cho thu hồi 2.112,69 ha đất rừng của lâm trường. Nhưng trong đó, chỉ 15% diện tích đúng theo đề nghị của bà con (đất sản xuất phù hợp, gần đường giao thông, gần khu dân cư, thuận tiện sản xuất), còn lại hơn 1.700 ha thuộc các tiểu khu khác không thuộc đề nghị giao và không thể sản xuất vì đồi dốc, xa khu dân cư, không có đường giao thông.
Với thực trạng nêu trên, ông Phạm Quang Tú, Phó Viện trưởng Viện Tư vấn Phát triển (CODE), cho rằng, nếu quyết định thu hồi đất từ lâm trường về giao lại cho người dân sử dụng mà chỉ nói “thu hồi đất lâm trường làm ăn không hiệu quả” là rất sơ hở. Bởi qua nghiên cứu thực tế cho thấy, có một số nơi đã thu hồi đất lâm trường và giao lại cho người dân. Đó toàn là đất xấu, đất đồi núi, xa dân cư thì giao lại cho dân. Khi đó, lâm trường giải thích đó là đất lâm trường làm ăn không hiệu quả, không làm được nên giao lại địa phương để địa phương giao cho dân.
“Rõ ràng, khi doanh nghiệp mà còn làm ăn không nổi lại đi đẩy cho dân thì sao làm nổi”- ông Tú lưu ý.
Chính vì thế, ông Tú đề nghị: “Việc giao lại đất lâm trường cho người dân phải quy định cụ thể đi liền với diện tích là chất lượng đất và khả năng tiếp cận đất đai của người dân”.
Bên cạnh đó, Liên minh Đất đai đề xuất: Phần lớn từ nguồn lực hơn 2,5 triệu ha đất sản xuất nông, lâm nghiệp do các nông, lâm trường quốc doanh đang nắm giữ cần được giao hẳn cho người dân địa phương. Đồng quan điểm này, ông Tú nhấn mạnh: “Mô hình người nông dân có đất và doanh nghiệp có vốn, có kỹ thuật, có trình độ quản lý, có thị trường mới là mối liên kết bền vững trong phát triển nông nghiệp chất lượng cao”.
Và, LANDA kiến nghị cần đưa vào Luật Đất đai sửa đổi nội dung: Mọi hình thức giao khoán đất dưới dạng “khoán” hay còn gọi là “phát canh thu tô hiện đại” đều phải được chuyển thành hình thức “Nhà nước giao hẳn đất sản xuất nông nghiệp, đất rừng sản xuất cho hộ gia đình đang nhận khoán với các nông, lâm trường”.