ThienNhien.Net – Liên quan đến những lời đồn thổi “sử dụng sừng tê giác có thể chữa bách bệnh, hay thể hiện đẳng cấp của đại gia,” sáng 22/10, Cơ quan Quản lý Công ước buôn bán các loài động thực vật hoang dã (CITES) phối hợp với Hội Phụ nữ Hà Nội đã tổ chức lớp tập huấn nâng cao nhận thức giảm cầu tê giác, nhằm cứu loài thú này khỏi nguy cơ bị hủy diệt.
Theo ông Đỗ Quang Tùng, Giám đốc CITES Việt Nam, từ đầu năm 2013 tới nay đã có hơn 746 cá thể tê giác bị chết dưới bàn tay của các kẻ săn trộm ở Nam Phi-nơi có quần thể tê giác lớn nhất trên thế giới. Điều đó có nghĩa là mỗi ngày có từ 2-3 cá thể tê giác bị giết hại để lấy sừng đem đến châu Á tiêu thụ, trong đó có Việt Nam.
Những lời thêu dệt về công dụng chữa bệnh của sừng tê giác đã làm cho một số người, trong đó có một bộ phận lớn phụ nữ tin rằng đây là một liều thuốc chữa bách bệnh hoặc giảm sốt. Một số người còn sử dụng để giải rượu, làm quà tặng hay thể hiện đẳng cấp.
“Tuy nhiên, theo kết quả nhiều nghiên cứu áp dụng công nghệ cao đã cho thấy, sừng tê giác không có tác dụng chữa bệnh và chỉ có chất keratin và các thành tố khác có hại cho sức khỏe con người,” ông Tùng khẳng định.
Đồng tình quan điểm trên, bà Nguyễn Thanh Huyền, Trưởng khoa Tài nguyên Dược liệu, Viện Dược liệu, cho biết mặc dù đã có những thông tin về sử dụng sừng tê giác trong dân gian. Nhưng, thực tế chưa có công trình nghiên cứu khoa học nào công bố về các tác dụng của sừng tê giác có lợi cho sức khỏe con người.
“Vì vậy, việc chúng ta sử dụng sừng tê giác vào mục đích chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cần phải căn cứ trên những cơ sở khoa học. Và quan trọng nhất là đừng vì tin đồn mà bỏ ra hàng trăm triệu đồng để đổi lấy một gam sừng tê giác không có lợi cho sức khỏe,” bà Huyền khuyến nghị.
Nhìn nhận ở góc độ đơn vị tuyên truyền giảm cầu sừng tê giác, bà Trần Thị Phương Hoa, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội cho biết, qua những thước phim ghi lại hoạt động săn bắn và buôn bán sừng tê giác trái phép, cũng như số liệu cơ quan chức năng cung cấp gần đây, có thể khẳng định “loài tê giác đang bị đe dọa nghiêm trọng.”
“Vì vậy, việc tuyên truyền vận động cộng đồng, đặc biệt là các tầng lớp phụ nữ giảm thiểu nhu cầu sử dụng sừng tê giác có vai trò hết sức quan trọng, góp phần bảo tồn các quần thể tê giác ở Nam Phi và mọi nơi trên thế giới khỏi nguy cơ bị hủy diệt,” bà Hoa nhấn mạnh.
Theo số liệu thống kê của Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), từ đầu năm 2008 đến giữa tháng 8/2013, toàn ngành hải quan đã bắt giữ được 13 vụ vận chuyển sừng tế giác trái phép, với số lượng xấp xỉ 121,5kg qua đường hàng không.Tuy nhiên, thực tế số vụ vi phạm liên quan đến sừng tê giác có thể còn lớn hơn, do việc xác minh các doanh nghiệp trong nước đứng tên các lô hàng vi phạm rất khó. Trong khi đó, việc xác minh các đối tượng nước ngoài gửi hàng hóa vào Việt Nam gặp nhiều khó khăn do sự khác biệt về hệ thống pháp luật. |