ThienNhien.Net – Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, trong 3 năm 2011 – 2013, các Bộ, ngành, địa phương đã triển khai được 57 nhiệm vụ khai thác và phát triển nguồn gen, trong đó 112 nguồn gen được đưa vào khai thác và phát triển.
Theo đánh giá của Bộ Khoa học và Công nghệ, trong bối cảnh cạnh tranh và hội nhập hiện nay, việc thu thập, bảo tồn và khai thác hợp lý nguồn gen có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Trong 3 năm 2011- 2013, các Bộ, ngành, địa phương đã triển khai được 57 nhiệm vụ khai thác và phát triển nguồn gen. 112 nguồn gen được đưa vào khai thác và phát triển, trong đó có 54 nguồn gen cây nông lâm nghiệp, 25 nguồn gen dược liệu, 20 nguồn gen vật nuôi, 10 nguồn gen thủy sản và 3 nguồn gen vi sinh vật. Đây là các đối tượng đang được bảo tồn và được đánh giá có giá trị kinh tế cao, có thể tạo ra sản phẩm thương mại, có thị trường, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế -xã hội, y tế, an ninh, quốc phòng, khoa học và môi trường.
Trong bảo tồn và phát triển nguồn gen vật nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã bảo tồn được 28 giống vật nuôi có nguy cơ truyệt chủng. Một số giống khác đã và đang được phát triển thành sản phẩm hàng hóa như: cừu Phan Rang từ 1.000 con (1990) tăng lên 120.000 con (2012).
Hàng năm có 3,5 triệu gà H’Mong thương phẩm được sản xuất. Hiện, 34 tỉnh thành đã nuôi giống gà này. Bộ cũng đã tạo được các dòng đậu tương chuyển gen kháng sâu thế hệ T4, dòng đậu tương chuyển gen chịu hạn thế hệ T1, các dòng ngô T2 và T3 mang gen kháng sâu Cry1Ac, các dòng bông kháng sâu thế T4 và dòng bông chịu hạn thế hệ T2.
Hiện tại, các dòng bông, ngô và đậu tương chuyển gen đang được đánh giá trong điều kiện nhà kính, nhà lưới. Đối với cây công nghiệp và các loại cây trồng khác cũng đã tạo được một số dòng mang gen đích, tuy nhiên kết quả còn hạn chế ở điều kiện phòng thí nghiệm…
Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ về nguồn gen sinh vật đã được các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị quan tâm, chú trọng. Từ năm 2010 đến nay ngân sách của Nhà nước cho công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ về nguồn gen sinh vật đã được nâng lên rõ rệt. Nhiều Bộ, ngành, địa phương đã quan tâm đầu tư cho công tác bảo tồn và khai thác nguồn gen phục vụ chủ yếu cho công tác chọn tạo giống. Hiện nay số nguồn gen do các bộ, ngành đang lưu giữ, bảo tồn phục vụ cho công tác nghiên cứu chọn tạo giống mới đã lên tới hàng chục ngàn.
Để đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ về nguồn gen sinh vật, hiện Bộ Khoa học và Công nghệ đang phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương xây dựng các đề án khung của Bộ, ngành, địa phương về nhiệm vụ quỹ gen để thực hiện trong kế hoạch trung hạn đến 2020.