ThienNhien.Net – Các dự án phát triển mà Ngân hàng Thế giới (WB) cho vay vốn, trong đó có nhiệt điện và thủy điện, đang bị đặt dấu hỏi lớn về những ảnh hưởng tiêu cực đối với môi trường và đời sống các cộng đồng nghèo.
Một trong những dự án gây nhiều tranh cãi do WB đầu tư là dự án đường ống dẫn dầu từ các mỏ dầu hẻo lánh tại Chad xuyên qua cánh rừng mưa thuộc Cameroon. Dự án hàng tỷ USD được coi là gói đầu tư lớn nhất vào lục địa châu Phi này liên quan tới rất nhiều công ty dầu mỏ và nhiều nhà đầu tư khác trên thế giới.
Để đảm bảo dự án góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho dân nghèo theo phương thức bền vững, WB đã tạo ra cơ chế chia sẻ lợi ích mới và lập một nhóm chuyên gia môi trường. Vì thế mà năm 2000, khi dự án được thông qua, nó đã được xem là lăng kính phản chiếu phương pháp tiếp cận phát triển của WB.
Tuy nhiên, đến năm 2009, khi đường ống dẫn dầu hoàn thiện và bắt đầu hoạt động, đem lại nguồn thu gấp hơn 20 lần cho ngân sách quân đội của Chad cũng là lúc tham nhũng và bất ổn gia tăng, cơ chế chia sẻ lợi ích bị sụp đổ. Dầu mỏ giờ lại trở thành gánh nặng cho những cộng đồng nghèo tại đây. Trong khi đó, một phần khu bảo tồn rừng vốn giữ vai trò bù đắp dấu chân sinh thái mà dự án trên gây ra cho Cameroon lại đang hứng chịu những trận lũ từ hồ chứa của con đập Lom Pangar do chính WB đầu tư.
Nếu coi câu chuyện của Chad là một lăng kính thì lăng kính ấy nói lên điều gì? Có gì sai trong cách tiếp cận của WB? Lời giải nằm trong cuốn sách mới mang tựa đề Foreclosing Future (Tạm dịch: Đánh cắp tương lai) của nhà quan sát, phê bình Ngân hàng kỳ cựu Bruce Rich.
Lý giải sự thất bại của WB trong việc mang lại cho cộng đồng một cuộc sống tốt hơn, Bruce Rich cho rằng muốn có một khoản đầu tư hiệu quả thì trước tiên hoạt động quản trị của địa phương được đầu tư phải mạnh, song WB không có đủ kiên nhẫn và thì giờ chờ đợi điều đó. Họ mặc định rằng đầu tư tiền vào bao nhiêu phải tác động tới sự phát triển bấy nhiêu và sẵn sàng đổ tiền ồ ạt vào các dự án.
Hậu quả là những bài học kinh nghiệm từ các dự án cũ như dự án đập làm mất sinh kế của cộng đồng bản địa, tạo điều kiện cho tham nhũng; dự án rừng dẫn đến phá rừng nghiêm trọng hơn; hay dự án nhiệt điện chạy than gây ảnh hưởng tới người nghèo… hầu như không được áp dụng trong các hoạt động mới.
Trên thực tế, rất nhiều dự án đập mà WB “đỡ đầu” đã gây ra những tác động đáng kể lên môi trường và sinh kế người dân, trong khi hiệu quả kiểm soát lũ hoặc phát điện chưa thấy đâu.
Việc xây dựng đập Chan 75 ở Panama là ví dụ rõ nét, tuy nhiên đến nay Ngân hàng Thế giới vẫn chưa thừa nhận sai lầm và tiếp tục lên kế hoạch đầu tư cho các đập thủy điện lớn, bao gồm cả những con đập trên sông Indus và Congo, bất chấp sự phản đối của các tổ chức môi trường và cộng đồng bị ảnh hưởng.
Trước tác động từ các dự án phát triển do WB đầu tư, tại thời điểm diễn ra cuộc họp thường niên của WB mới đây, liên minh Power 4 People do Mạng lưới Sông ngòi Quốc tế (IR), Amazon Watch và Jeunes Volontaires pour l’Environnement đứng đầu với sự ủng hộ của 60 tổ chức thuộc 31 quốc gia khác nhau đã lên tiếng yêu cầu WB rút vốn ra khỏi các nhà máy điện “bẩn” và chuyển hướng đầu tư vào năng lượng sạch phục vụ người nghèo. Power 4 People nhấn mạnh sẽ nỗ lực thúc đẩy các chính phủ thu hồi nguồn tài chính đầu tư cho WB nếu thể chế đa phương này không có phản hồi thỏa đáng.
Giải thích nguyên do ra đời chiến dịch Power 4 People, ông Peter Bosshard – Giám đốc Chính sách của IR – cho biết: “Ngay cả khi các ngân hàng phát triển đổ hàng trăm tỷ USD vào các dự án năng lượng “bẩn” thì thế giới vẫn còn 1,3 tỷ người chưa được tiếp cận với nguồn điện”. Đầu tư như thế liệu có hiệu quả trong việc giảm nghèo, bảo vệ môi trường và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu hơn so với các giải pháp năng lượng tái tạo phi tập trung? – Ông đặt câu hỏi.
Rõ ràng, WB đang tập trung vào khối lượng cho vay thay vì hiệu quả phát triển. Chính bản thân họ cũng đã thừa nhận như vậy nhưng trước một dự án tương tự như dự án đường ống dẫn dầu ở Chad hay một dự án xây đập, khai thác than tương tự… ở đâu đó trên thế giới, sức mạnh của các nhóm lợi ích trong Ngân hàng vẫn sẽ thắng thế. Và sau cùng, đây vẫn chỉ là bi kịch đối với cộng đồng nghèo và môi trường chứ không phải bi kịch của WB – Bruce Rich nhận định.
Ngoài phần lỗi từ phía nhà đầu tư – Ngân hàng Thế giới, phần lỗi còn lại thuộc về các chính phủ có cổ phần trong WB và có trách nhiệm giám sát hoạt động của thể chế đa phương này. Họ từng thừa nhận sai lầm trong cách thức quản lý của WB, song lại không có hành động can thiệp, để WB tồn tại như “một mô hình thu nhỏ chứa đựng những mẫu thuẫn về môi trường và địa chính trị của xã hội toàn cầu”.
Muốn thay đổi, cách duy nhất – theo Bruce Rich – là WB phải định hướng lại các ưu tiên đầu tư của mình, tập trung vào hiệu quả phát triển thay vì khối lượng cho vay như trước đây. Có như vậy, họ mới thực sử trở thành gương sáng về việc hoàn thành trách nhiệm xã hội cho các thể chế tài chính khác noi theo.