ThienNhien.Net – Vừa qua, mưa lớn đã làm 3 hồ chứa nước là Đồng Đáng, Thung Cối, Cây Trầu (huyện Tĩnh Gia – Thanh Hóa) bị vỡ và hư hỏng khiến hơn 1.000 hộ dân ở 5 xã Tân Trường, Trường Lâm, Mai Lâm, Trúc Lâm, Hải Thượng… bị ngập trong nước 1-1,5m. Câu chuyện này một lần nữa cảnh báo về an toàn các hồ đập nhỏ trong mùa mưa bão.
Những năm gần đây liên tiếp xảy ra nhiều sự cố công trình thủy lợi, thủy điện quy mô nhỏ, chủ yếu trong quá trình thi công, vận hành thử, hoặc công trình do doanh nghiệp (DN) tư nhân làm chủ đầu tư. Điển hình như vỡ đập tràn hồ chứa thủy lợi Z20 Hà Tĩnh; tràn đập phá hỏng Nhà máy Thủy điện Hố Hô (Hà Tĩnh); đổ tường chắn bê tông công trình thủy điện Đăk Krông 3 (Quảng Trị); vỡ đường ống áp lực công trình thủy điện Đăm Bol-Đạ Terl (Lâm Đồng); đổ tường chắn thủy điện Đăk Mêk 3 (Kon Tum)…
Theo ông Lê Quang Hùng, Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình, qua kiểm tra Bộ Xây dựng xác định, trong nhiều trường hợp chủ đầu tư là DN tư nhân tự tổ chức quản lý, thi công, trong khi năng lực, kinh nghiệm hạn chế. Năng lực nhà thầu tư vấn thiết kế, giám sát, thi công không bảo đảm dẫn đến việc quản lý chất lượng cũng không được tuân thủ chặt chẽ. Thứ nữa, trong quá trình sử dụng, các hồ chứa nhỏ thông thường được giao cho hợp tác xã quản lý nên thiếu cán bộ chuyên môn, kỹ thuật. Công trình lại không được duy tu bảo dưỡng tốt. Dung tích hồ và khả năng tích nước phòng chống lũ yếu.
“Theo quy định của thế giới, đối với các hồ đập gần khu dân cư phải kiểm tra theo tần suất lũ cực đại, tức là tần suất lũ cao hơn tần suất lũ thiết kế, mà nếu tính thế thì các hồ thủy lợi phải gia cố lại. Việc xả lũ gây ngập úng tại miền Trung vừa qua cho thấy điều này” – ông Hùng nhấn mạnh.
Liên quan đến quy định hiện hành về quản lý chất lượng công trình xây dựng, theo Nghị định 209/2004/CP, cơ quan quản lý nhà nước chỉ cho ý kiến về thiết kế cơ sở, các giai đoạn tiếp theo đều do chủ đầu tư quyết định nên thiếu kiểm tra, kiểm soát đặc biệt ở giai đoạn thiết kế kỹ thuật, thi công xây dựng và nghiệm thu. Thực tế này đã phần nào lý giải nguyên nhân tại sao các công trình thủy điện, thủy lợi nhỏ tiềm ẩn nhiều rủi ro về chất lượng.
Được biết, tồn tại lớn nhất hiện nay là các công trình thủy lợi phần lớn được xây dựng trước năm 2000, do việc thi công này còn nhiều hạn chế nên chất lượng hồ, đập đang xuống cấp rất nhanh. Nếu không được kiểm soát về chất lượng, độ an toàn, những công trình này là những “quả bom” đe dọa tính mạng, tài sản đối với người dân. Nhiều chuyên gia thủy lợi, thủy điện cũng lên tiếng, việc ứng phó, vận hành hồ chứa trong điều kiện khẩn cấp hiện nay cần phải xem lại.
Cụ thể là với quy trình xả lũ bất thường, không có kịch bản, thời gian thông báo xả lũ quá ngắn so với thời gian lũ về, không tính toán được lưu lượng, tần suất lũ càng làm tăng thêm thiệt hại, ảnh hưởng đời sống kinh tế xã hội cho người dân trong khu vực. Về giải pháp tăng cường quản lý phát triển công trình thủy điện, thủy lợi, thời gian tới Bộ Xây dựng sẽ kiến nghị Chính phủ sửa quy định hiện hành theo hướng phân rõ vai trò quản lý nhà nước trong công tác quản lý an toàn hồ đập, thẩm quyền chủ trì xây dựng phương án phòng chống lũ lụt vùng hạ du đối với các hồ trên cùng hệ thống sông; thẩm quyền phê duyệt phương án bảo vệ đập đối với trường hợp công trình liên quan đến hai tỉnh; phương án phòng chống lũ lụt vùng hạ du đập đối với trường hợp vùng hạ du đập nằm ở nhiều tỉnh khác nhau hoặc vùng hạ du đập thuộc lãnh thổ nước khác…
Đồng thời, rà soát và điều chỉnh một số nội dung liên quan đến việc kiểm soát nhà nước về chất lượng công trình xây dựng và bảo trì công trình trong quá trình vận hành, khai thác… Đặc biệt, các bộ, ngành và địa phương cần tiếp tục nghiên cứu, ban hành quy định xử phạt đối với các hành vi vi phạm trong quản lý vận hành hồ đập thủy điện; thủy lợi. Có chính sách khuyến khích nghiên cứu khoa học nhằm nâng cao chất lượng thiết kế, thi công, quan trắc, đánh giá an toàn đập, tăng cường độ chính xác dự báo thời tiết trung, dài hạn để chủ động xả lũ cho công trình, tránh trường hợp lũ kép trong một số trường hợp vừa qua.
Theo thống kê, cả nước hiện có gần 7.000 hồ chứa thủy điện, thủy lợi, trong đó có hơn 6.000 hồ chứa quy mô nhỏ, dung tích chứa dưới 10 triệu mét khối hoặc công suất nhà máy thủy điện dưới 15MW.