ThienNhien.Net – Gần 85% người dân không đồng ý trao thẩm quyền quyết định giá đất cho UBND cấp tỉnh, đây là kết quả tham vấn do Liên minh Đất đai (LANDA) với 18 thành viên là các tổ chức xã hội – nghề nghiệp vừa thực hiện và công bố ngày 17.10 tại Hà Nội.
Hàng loạt bất cập trong định giá đất
Cuộc tham vấn cộng đồng về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi được thực hiện từ tháng 8-9.2013 với 3002 người dân tại 18 xã thuộc sáu huyện của ba tỉnh Hòa Bình, Yên Bái, Quảng Bình và 4890 bạn đọc trên ba báo điện tử (trong đó có báo Điện tử Dân Việt).
Nội dung tham vấn cộng đồng chỉ ra việc định giá đất ở nhiều địa phương tồn tại hàng loạt bất cập. Ở xã Phúc Lộc, thành phố Yên Bái, đất nông nghiệp được bồi thường 9.640.000 đồng/sào trong khi thu nhập từ trồng lúa của người dân/sào là 2.800.000 đồng.
Như thế, giá đền bù chỉ bằng thu nhập của bốn năm trồng lúa trong khi thời hạn sử dụng đất nông nghiệp là 20 năm. Người dân mất 16 năm thu nhập từ đất nông nghiệp. Ở phường Thịnh Lang tỉnh Hòa Bình, giá đền bù đất nông nghiệp theo quy định của tỉnh là 65.000 đồng/m2 đất loại một, 55.000 đồng/m2 đất loại hai. Trong khi người dân chỉ cần trồng rau muống trên đất loại hai, mỗi năm thu hoạch một lứa cũng được khoảng 150.000 đồng/m2.
Theo những người dân được tham vấn, việc UBND tỉnh vừa có quyền giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất lại vừa có quyền quyết định giá đất là nguyên nhân chính làm cho giá đất được quyết định thiếu khách quan. 84,68% người dân cho rằng không trao thẩm quyền quyết định giá đất cho UBND tỉnh. 92,35% cho rằng cần có sự tham gia của các tổ chức định giá độc lập để thực hiện định giá đất. Người thu hồi đất có quyền tham gia giới thiệu danh sách tổ chức cung cấp dịch vụ định giá đất độc lập.
Không thu hồi đất với dự án kinh tế thuần túy
Liên quan đến cơ chế thu hồi, giải quyết bồi thường, hỗ trợ tái định cư, vấn đề có nhiều khiếu nại, tố cáo nhất, người dân cho rằng quá trình thu hồi đất hiện nay luôn thiếu minh bạch. Cần lấy ý kiến của toàn bộ cộng đồng dân cự địa phương khi thu hồi, bồi thường, tái định cư đồng thời cần đảm bảo quỹ đất cho sản xuất nông nghiệp, nhất là với đối tượng nông dân sản xuất nhỏ, người nghèo, phụ nữ và người dân tộc thiểu số.
Cuộc tham vấn cũng cho thấy, người dân luôn đứng ngoài quy hoạch sử dụng đất của địa phương. 94,6% người dân cho rằng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện chỉ được phê duyệt khi đạt được sự đồng thuận của đa số người dân địa phương với mức đồng thuận ít nhất là 70%. |
Trên cơ sở kết quả tham vấn cộng đồng, hàng loạt kiến nghị được LANDA đề xuất để hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội vào kỳ họp 6.
Các kiến nghị như Nhà nước chỉ thu hồi đất với các dự án đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế, xã hội an ninh quốc phòng và lợi ích công cộng.
Không áp dụng cơ chế Nhà nước thu hồi đất cho các dự án vì lợi ích kinh tế thuần túy của chủ đầu tư. Với các dự án này khi thu hồi cần áp dụng cơ chế thỏa thuận giữa nhà đầu tư và người sử dụng đất. Thành lập cơ quan định giá đất trực thuộc Chính phủ hoặc Quốc hội. Cần quy định rõ tỷ lệ đồng thuận của người dân với các quyết định đất đai có ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân.