Một ngày đóng cửa, một công viên QG Mỹ mất hơn 750.000 lượt khách

ThienNhien.Net – Theo Hiệp hội Bảo tồn Công viên Quốc gia Mỹ (NPCA), việc Chính phủ liên bang đóng cửa đã gây ảnh hưởng nặng nề tới hệ thống công viên quốc gia của nước này, đồng thời tác động không nhỏ tới các cộng đồng địa phương.

Cụ thể, trung bình 1 ngày đóng cửa, mỗi công viên quốc gia Mỹ có thể mất hơn 750.000 lượt khách tham quan, trong khi đó, thiệt hại kinh tế mà các cộng đồng kinh doanh nhờ lượng khách của công viên phải gánh chịu có thể lên tới 30 triệu USD/ngày.

Công viên Quốc gia Yellowstone - biểu tượng về tài nguyên thiên nhiên của Bắc - vẫn chưa được mở cửa trở lại (Ảnh: Reuters)
Công viên Quốc gia Yellowstone – biểu tượng về tài nguyên thiên nhiên của Bắc Mỹ – vẫn chưa được mở cửa trở lại (Ảnh: Reuters)

Trên thực tế, việc Chính phủ Mỹ đóng cửa không phải là chuyện hiếm. Lần đóng cửa gần nhất và dài nhất của họ là cuối năm 1995, đầu năm 1996 với tổng thời gian 21 ngày. Theo báo cáo năm 1996 của NPCA, lần đóng cửa này ước tính đã khiến các cộng đồng sống dựa vào công viên quốc gia mất đi 14 triệu USD/ngày.

Điển hình là tại hạt Mariposa, cạnh Công viên Quốc gia Yosemite thuộc bang California, 25% số người trưởng thành đã rơi vào cảnh thất nghiệp do Công viên đóng cửa. Doanh số bán hàng trực tiếp của các cộng đồng cư trú quanh Công viên Quốc gia Everglades cũng bị giảm tới 1,4 triệu USD… Đặt trong trường hợp tỷ giá đồng đô la như hiện nay, việc Chính phủ Mỹ đóng cửa có thể còn gây hậu quả nghiêm trọng hơn cho những cộng đồng này.

Ngoài ra, các công viên quốc gia đang phải đối mặt với một nguy cơ khác khi Hạ viện Mỹ quyết định thông qua đề xuất tiếp tục cắt giảm mạnh nguồn ngân sách tài trợ trong mọi lĩnh vực kể từ năm 2013, riêng ngân sách duy trì hoạt động Dịch vụ Công viên Quốc gia sẽ bị cắt giảm hơn 180 triệu USD.

Ngân sách để vận hành các công viên quốc gia, theo tỷ giá đô la hiện hành, đã giảm 13% so với thời điểm cách đây 3 năm. Hoạt động cắt giảm này buộc các ban quản lý công viên quốc gia phải tạm hoãn việc mở thêm công viên hoặc mở đường trong công viên; đóng cửa các trung tâm đón khách, các khu vực picnic và các địa điểm cắm trại; giảm bớt lực lượng cán bộ bảo vệ; và hạn chế số lượng các chương trình giáo dục.

Không chờ Chính phủ liên bang hoạt động trở lại, vừa qua, một số tiểu bang của Mỹ đã quyết định dùng ngân sách địa phương để mở cửa lại các di tích nổi tiếng của bang mình. Rầm rộ nhất là bang Utah, đạt thỏa thuận mở cửa lại 5 công viên quốc gia và 3 khu du lịch địa phương. Bang Colorado cũng chấp nhận chi hơn 360.000 USD để mở cửa trở lại Công viên Quốc gia Rocky Mountain từ ngày 12/10. Nhiều bang khác như Arizona, Nam Dakota và Colorado… đang tích cực nghiên cứu khả năng mở lại những công viên quốc gia, công trình tưởng niệm và danh lam thắng cảnh trên địa bàn.Mới đây, ngày 16/10, lãnh đạo Đảng Cộng hòa và Dân chủ tại Thượng viện Mỹ đã đạt được một thỏa thuận để chấm dứt việc Chính phủ dừng hoạt động một phần và nâng trần nợ công, nhen lên hy vọng Chính phủ được hoạt động trở lại và nguy cơ vỡ nợ được xóa bỏ. Dự luật này sẽ cần được Hạ viện thông qua trước khi đi vào thực hiện.