ThienNhien.Net – Quảng Nam, Quảng Bình, Hà Tĩnh… thiệt hại nặng nề. Theo thống kê chưa đầy đủ, tại ba tỉnh này có năm người chết, bảy người mất tích. Trên 40.000 ngôi nhà bị hư hỏng.
Cơn bão số 11 vừa tan, lũ từ thượng nguồn lập tức tràn về tấn công các thôn xóm nghèo ở miền Trung. Không chỉ vậy, hàng chục thủy điện còn thi nhau xả lũ nhấn chìm vùng hạ du. Nhiều ngôi làng trở nên hoang tàn chỉ trong khoảnh khắc.
Tan nát huyện nghèo Đại Lộc
Ngày 16/10, có mặt tại huyện Đại Lộc, Quảng Nam, chúng tôi không khỏi bàng hoàng khi chứng kiến một khung cảnh đổ nát, tang thương. Cả ngàn ngôi nhà bị tốc mái, đổ sập. Trâu bò, gà heo bị lũ cuốn chết nằm la liệt khắp nơi. Hơn 600 ha chuối sắp thu hoạch gãy gục. Không ít người lâm vào cảnh trắng tay, thất thần ngồi bên những căn nhà đổ nát…
Được biết khi bão về thủy điện Đăk Mi4 đã xả lũ với lưu lượng 1.000-3.000 m3/giây, thủy điện A Vương xả 1.159 m3/giây nên nước trên sông Vu Gia dâng nhanh khủng khiếp. Đó là những nguyên nhân khiến huyện Đại Lộc tan hoang trong nháy mắt.
Chị Nguyễn Thị Hường (50 tuổi, xã Đại Cường) nói trong nước mắt: “Bão làm tốc hết mái khiến đồ đạc, thóc lúa để trong nhà ngập nước hư hỏng hết. Chưa kịp hoàn hồn thì lũ lại cuồn cuộn quét qua cuốn hết đàn gà và đàn heo đang chuẩn bị xuất chuồng. Tài sản nhà tui tích cóp bao lâu nay bị bão lũ cướp mất rồi, chú ơi!”.
“Chưa thấy một cơn bão nào tàn phá ghê gớm như thế. Ngay sau khi bão đi qua, các thủy điện liên tục xả lũ làm cả huyện chìm nghỉm, dân tình kêu la khắp nơi. Chúng tôi phải cấp tốc sơ tán tới hơn 10.000 dân. Nếu huyện không có phương án ứng phó trước thì không biết điều gì sẽ xảy ra…” – ông Phan Đức Tính, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, ngao ngán.
Trổ nóc nhà trốn lũ
Tỉnh Quảng Bình đang bị nhấn chìm trong trận lũ được xem là lớn nhất 100 năm qua (có nơi vượt đỉnh lũ 2010 tới 1,5 m). Ông Nguyễn Văn Hiền, Bí thư Đảng ủy xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch, cho biết: “Nước lũ dâng rất nhanh, chỉ chưa đầy 1 giờ đã cao hơn 2 m nên mọi người không kịp trở tay. Hơn 3.000 căn nhà trong xã bị ngập sâu từ 1,5 đến 6 m nước. Người dân hiện thiếu nước uống, lương thực nghiêm trọng”.
Xuồng chở chúng tôi cập vào nhà của bà Nguyễn Thị Hoa. Căn nhà giờ đây trống hoác, không người ở. Nhiều mảng tường lớn bị lũ cuốn sập. Bên trong, cỏ rác cuốn theo lũ vướng đầy trên xà nhà. “Bà Hoa đã phải trổ nóc nhà cùng hai con trai bơi bè đi lánh nạn do không kịp thoát ra ngoài khi lũ đột ngột dâng cao” – một người hàng xóm cho hay.
Đến tối 16/10, mưa lũ tại Quảng Bình tiếp tục diễn biến phức tạp. Trời vẫn mưa rất lớn, nhiều địa phương bị lũ cô lập hoàn toàn. Có hai cô giáo bị lũ cuốn trôi khi đi từ xã Liên Trạch qua xã Hưng Trạch (Bố Trạch). Trong khi người dân đang cuống cuồng chạy lũ, tại xã Quảng Sơn, huyện Quảng Trạch lại xảy ra trận lốc xoáy kinh hoàng làm ba người chết, hơn 770 căn nhà tốc mái, sập đổ.
Hà Tĩnh khẩn cấp sơ tán dân
Mưa lớn cộng với các hồ thủy điện xả lũ khiến nhiều huyện ở Hà Tĩnh bị cô lập trong biển nước. Cơn lũ quét sáng 16-10 đã làm bốn người mất tích, hàng trăm hộ dân phải chạy lên núi cao tránh lũ. Chiều tối 16/10, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an và Bộ đội biên phòng tỉnh Hà Tĩnh phải huy động hàng trăm chiến sĩ và chín canô tới các huyện Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang khẩn cấp sơ tán dân.
Ông Nguyễn Sỹ Luận, Chủ tịch UBND xã Sơn Kim 1 (huyện Hương Sơn), cho biết: “Mưa rất lớn, nước từ thượng nguồn ào về nhanh khiến nhiều người dân không kịp trở tay. Lũ cuốn trôi nhiều nhà ở xã Sơn Kim 2 và làm ba người mất tích. Hiện vẫn chưa thể thống kê được thiệt hại”.
Đến 22 giờ, nhiều đoạn quốc lộ 8A nối quốc lộ 1A đi cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (huyện Hương Sơn) vẫn chìm trong lũ. Hàng trăm hành khách từ Lào về Việt Nam bị mắc kẹt tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo. Tuyến đường Hồ Chí Minh qua các huyện Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn bị sạt lở nặng. Quốc lộ 1 đoạn qua Hà Tĩnh cũng bị ngập sâu.
Do các thủy điện Sơn Kim (huyện Hương Sơn), thủy điện Hố Hô (huyện Vũ Quang), hồ Kẻ Gỗ, hồ Sông Rác và hồ Kim Sơn đang đồng loạt xả lũ nên hôm nay nước lũ ở trên sông Ngàn Phố, Ngàn Sâu (Hà Tĩnh) sẽ vượt đỉnh lũ năm 2002. Hàng ngàn hộ dân phải tiếp tục sơ tán để tránh lũ.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới thăm hỏi đồng bào huyện Đại Lộc vào sáng 16/10. Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Quảng Nam phải khẩn trương khắc phục hậu quả do bão và lũ gây ra, giúp nhân dân sớm ổn định cuộc sống.
Đà Nẵng ước tính tổng thiệt hại do bão là 800 tỉ đồng Bão số 11 làm tốc mái hơn 4.000 ngôi nhà, 70% cây xanh trong TP gãy đổ. Hơn 1.300 chiến sĩ bộ đội được điều động giúp dân dựng lại nhà cửa, giải phóng ách tắc trên QL 1A. Trong khi đó, tỉnh Quảng Nam có ba người chết, hơn 22.000 ngôi nhà bị tốc mái. Một ngư dân thiệt mạng khi neo tàu chống bão Chiều 15/10, ông Bùi Bá Châu (xã Ngư Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hóa) trong khi đang neo đậu tàu tránh cơn bão số 11 đã bị sóng đánh rơi xuống biển thiệt mạng. Khôi phục các chuyến bay sau bão Ngày 16/10, Vietnam Airlines cho biết: Từ đêm 15 đến 16-10, hãng đã khai thác 10 chuyến bay trên các đường bay giữa TP.HCM – Hà Nội và Đà Nẵng. Hãng cũng bố trí thêm sáu chuyến bay trong ngày 16-10 trên các chặng TP.HCM – Đà Nẵng, Huế… VietJetAir và Jetstar Pacific cũng cho biết đã khai thác các chuyến bay trở lại sau bão. Riêng đường bay TP.HCM – Vinh nhiều chuyến vẫn bị hoãn chuyến. Dùng lưới đánh cá chống bão phá nhà Đó là sáng kiến của người dân xã Lộc Vĩnh, Thừa Thiên-Huế, được áp dụng thành công trong cơn bão số 11. Ông Trần Văn Hùng, 70 tuổi, cho biết nhờ lưới đánh cá mà nhiều căn nhà trong xã đã không bị tốc mái trong gió cấp 11. “Ngày trước, mọi người chống bão phá nhà bằng cách dằn bao cát, cây, sắt… lên mái nhưng không ăn thua. Vì vậy, người dân nơi đây mới nghĩ ra cách dùng lưới đánh cá phủ lên toàn bộ nhà (ảnh), sau đó đưa khoảng 10 bao cát, cọc đè lên. Với cách làm này, gió mạnh cỡ mấy cũng không thể làm cho mái nhà bị tốc được…” – ông Hùng giải thích. Cũng theo ông Hùng, lưới đánh cá này khoảng 5 triệu đồng/lưới. Nếu ai ở gần biển có thể mua lại những lưới đánh cá đã bị hư hỏng với giá vài trăm ngàn đồng. Viết Long |