ThienNhien.Net – Hoạt động chuyển nhượng, trưng thu, trưng mua đất đai đang là mối đe dọa ngày càng tăng đối với công tác bảo tồn thiên nhiên. Ngược lại, bảo tồn cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến việc đất đai bị trưng thu, trưng mua. Để giải quyết khối mâu thuẫn đó, quyền đối với đất đai và tiếp cận tài nguyên của cộng đồng cần phải được đặt lên hàng đầu, bởi vì chỉ khi đó sinh kế của người dân và theo đó là hiệu quả cho công tác bảo tồn mới có thể được đảm bảo. Đó là thông điệp từ báo cáo “Land grabbing: is conservation part of the problem or the solution?” do Viện Quốc tế về Môi trường và Phát triển (IIED) mới công bố , xin được giới thiệu tới độc giả.
Chiếm dụng đất đai (Land-grabbing) đang gia tăng về quy mô và tốc độ, đặc biệt là ở Châu Phi, Châu Á và Châu Mỹ La tinh. Quản lý yếu kém và quy hoạch sử dụng đất đai còn nhiều hạn chế đã khiến hoạt động trưng mua/trưng thu đất đai tác động tiêu cực lên đa dạng sinh học, xâm phạm quyền về sử dụng đất đai và sinh kế của người dân.
Mặt khác, đất đai cũng có thể bị chiếm dụng vì các mục đích “xanh” như thành lập các khu bảo tồn, đầu tư cho thị trường đền bù carbon, REDD, gây ra những mâu thuẫn tiềm ẩn với quyền sử dụng đất đai và tiếp cận tài nguyên của cộng đồng. Những mâu thuẫn như vậy sẽ khiến các dự án bảo tồn trở nên phản tác dụng. Bởi lẽ, đảm bảo quyền về đất đai của cộng đồng có thể giúp tài nguyên được quản lý bền vững nhờ cộng đồng.
Đất đai dành cho bảo tồn bị chiếm dụng
Chiếm dụng đất đai ở các nước đang phát triển chẳng phải là điều gì mới mẻ. Chỉ có điều, quy mô và tần suất đất đai nông nghiệp bị chuyển nhượng đã gia tăng từ giữa những năm 2000 theo đà tăng của nhu cầu và giá cả của các mặt hàng nông nghiệp, khoáng sản trên toàn cầu.
Các khu vực đất đai được chuyển nhượng thường được cho là đất hoang nhưng trên thực tế thì đó là nơi nhiều cộng đồng địa phương sử dụng để chăn thả gia súc, canh tác theo vụ hoặc săn bắt, thu hái lâm sản. Thậm chí, nhiều khu đất chăn thả và khu vực rừng bị chuyển nhượng cũng rất giàu có về đa dạng sinh học nhờ được cộng đồng địa phương bảo vệ lâu nay.
Rõ ràng, chiếm dụng đất đai trên toàn cầu đang là một thách thức đối với các nỗ lực bảo tồn. Các số liệu thống kê từ Uganda, Indonesia, Cộng hòa Congo, Liberia, Campuchia và Lào cho thấy những khu vực có giá trị đa dạng sinh học cao đã bị nhường chỗ để phát triển các đồn điền trồng mía, dầu cọ, cao su… và khai thác khoáng sản.
Điều đáng lo ngại là rất nhiều đất bị mất nằm trong các khu bảo tồn. Chẳng hạn, ở Liberia, bốn công ty dầu cọ lớn đã dành được hợp đồng chuyển nhượng lên tới 622.000 ha với phần lớn diện tích đất rừng.
Ở miền Tây Ethiopia, việc trưng thu đất của chính phủ cho các nhà đầu tư nông nghiệp nước ngoài bên trong và xung quanh vườn quốc gia Gambella đe dọa sinh kế chăn thả gia súc của cộng đồng, đồng thời đe dọa loài linh dương di cư giữa Ethiopia và Nam Sudan – một trong những loài động vật hoang dã di cư lớn nhất còn tồn tại.
Đáng tiếc, đây không phải là những câu chuyện hiếm hoi. Thực tế cho thấy việc chuyển đổi đất đai của khu vực được bảo tồn sang mục đích thương mại là áp lực chính khiến các chính phủ trên toàn cầu cắt giảm diện tích các khu bảo tồn.
Bảo tồn cũng “chiếm dụng” đất đai
Trong một xu hướng ngược lại, đất đai được chuyển nhượng vì mục đích “xanh” như xây dựng khu bảo tồn, trồng rừng, trồng cây cho năng lượng sinh học hoặc đền bù carbon cũng có thể trở thành một hình thức “chiếm dụng” đất đai nếu nó xâm phạm tới quyền của người dân.
Công ước về đa dạng sinh học (CBD) đã đưa ra Mục tiêu Aichi, kêu gọi tăng diện tích đất được bảo tồn lên 17% so với mức 12,5% hiện nay, làm dấy lên luồng ý kiến lo ngại rằng điều này sẽ khuyến khích một làn sóng mở rộng khu bảo tồn mới, xâm hại đến đất đai và quyền tiếp cận tài nguyên của cộng đồng.
Chẳng hạn, ở Tazania, chính phủ đang cố gắng tạo ra một “hành lang dành riêng cho động vật hoang dã” dọc biên giới phía Tây của Vườn quốc gia Serengeti. Hành lang này sẽ lấn vào 150.000 ha đất chăn thả gia súc và nhà cửa vườn tược của các cộng đồng người Maasai và tác động tới sinh kế của 20.000 người, đồng thời tạo ra xung đột lớn giữa các cộng đồng địa phương với mục tiêu bảo tồn của quốc gia và các lợi ích đầu tư liên quan.
Tuy nhiên, rõ ràng là nguồn gốc của xung đột không phải là bản thân việc bảo tồn vì chính cộng đồng địa phương đã có lịch sử chung sống lâu đời với thiên nhiên hoang dã. Thay vào đó, xung đột nằm ở chỗ tài nguyên được sử dụng như thế nào và mang lại lợi ích cho ai: cho quốc gia (hay ít nhất là một số nhân vật có ảnh hưởng) hay cộng đồng địa phương.
Quyền của cộng đồng đi đôi với hiệu quả bảo tồn
Thực tế cho thấy các tác động đối với con người và thiên nhiên từ tình trạng chuyển nhượng đất đai là có mối quan hệ với nhau. Bởi lẽ, sự yếu thế trong quyền lợi về đất đai của các cộng đồng địa phương và người dân tộc thiểu số cũng đồng nghĩa với sự gia tăng các mối đe dọa đối với bảo tồn rừng, tác động đến tình trạng biến đổi khí hậu và đa dạng sinh học.
Chẳng hạn, ở Indonesia, quyền lợi về đất đai của cộng đồng địa phương không được thừa nhận chính thức đã khiến rừng bị phá, nhường chỗ cho các đồn điền trồng dầu cọ công nghiệp, xâm phạm đất đai sở hữu theo luật tục của người dân.
Ngược lại, ở lưu vực Amazon, khoảng 20% diện tích đất đai (vài trăm triệu ha) hiện nay đã được pháp luật thừa nhận thuộc về các nhóm dân tộc thiểu số và các cộng đồng nông thôn khác. Cũng từ đó, khu vực này thường được bảo vệ tốt, tình trạng phá rừng được hạn chế.
Rõ ràng, quyền về đất đai và bảo tồn có mối quan hệ phức tạp và ảnh hưởng qua lại. Bảo đảm quyền về đất đai tạo ra một nền tảng để quản lý sử dụng tài nguyên bền vững – hỗ trợ cho các kết quả bảo tồn dài hạn cũng như sinh kế của người dân. Chính vì vậy, rất nhiều nỗ lực bảo tồn hiện nay trên thế giới đang hoạt động để đảm bảo quyền về đất đai cho người dân.
Những nỗ lực như vậy có thể giảm rủi ro về chiếm dụng đất đai, mang lại cơ hội mới cho bảo tồn. Đảm bảo quyền đất đai cũng có thể giúp các quốc gia đáp ứng được các mục tiêu của CBD theo hướng hỗ trợ chứ không phải đe dọa sinh kế của các cộng đồng địa phương.
Chẳng hạn, Namibia đã khẳng định một nỗ lực vượt trên mục tiêu CBD với gần 40% diện tích đất đai được bảo tồn. Trong đó, diện tích đất đai được bảo tồn nhờ cộng đồng hiện chiếm 17% tổng diện tích đất đai của Namibia, tương đương với diện tích bảo tồn của quốc gia và được quốc tế thừa nhận là mô hình hàng đầu về bảo tồn dựa trên cộng đồng.
Tuy nhiên, chỉ đầu tư vào quyền về đất đai cho cộng đồng thường không đủ để bảo đảm kết quả bảo tồn. Nỗ lực này vì thế được khuyến cáo nên đi kèm với việc giải quyết các vấn đề về quản lý, trách nhiệm, hỗ trợ về tài chính cho bảo tồn và quản trị tài nguyên.
Bạch Dương/Diễn đàn Đầu tư